Giáo dục
Đánh giá, công nhận đơn vị học tập có ý nghĩa quyết định mục tiêu xây dựng thành phố học tập
Theo đề án, chương trình, phong trào thi đua, kế hoạch, hướng dẫn của Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) và Hội Khuyến học Việt Nam về xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021-2030, gắn liền với 5 mô hình học tập cơ bản: công dân học tập, gia đình học tập, dòng họ học tập, đơn vị học tập và cộng đồng học tập.
Đối với mô hình đơn vị học tập cấp quận, huyện, tỉnh, thành phố và cộng đồng học tập cấp phường, xã, huyện, tỉnh được Bộ GD&ĐT ban hành thông tư và hướng dẫn triển khai từ năm 2024. Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng chỉ đạo các sở, ban, ngành, quận, huyện, nhất là ngành GD&ĐT chủ trì tham mưu UBND các cấp triển khai 2 mô hình này.
Mục đích xây dựng đơn vị học tập cấp huyện, tỉnh chính là xác định đạt mức đáp ứng mục tiêu học tập trong từng giai đoạn, lập kế hoạch cải tiến chất lượng, duy trì, nâng cao các hoạt động học tập của đơn vị; thông báo với cơ quan quản lý Nhà nước và xã hội về thực trạng chất lượng học tập của đơn vị để đánh giá, công nhận “Đơn vị học tập” cấp huyện, tỉnh. Công nhận “Đơn vị học tập” cấp huyện, tỉnh nhằm khuyến khích đầu tư và huy động các nguồn lực hỗ trợ cho việc học tập, tạo động lực học tập; bảo đảm cơ hội học tập công bằng và điều kiện thuận lợi cho thành viên đơn vị tự học, học thường xuyên để trở thành “Công dân học tập”, góp phần xây dựng “Cộng đồng học tập” cấp xã, huyện, tỉnh; đẩy mạnh học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập.
Mục đích xây dựng cộng đồng học tập cấp xã, huyện, tỉnh là tạo các cơ hội học tập công bằng và điều kiện thuận lợi để mọi người trong xã hội được tham gia học tập, thúc đẩy phong trào học tập thường xuyên, học tập suốt đời. Đánh giá, công nhận “Cộng đồng học tập” giúp UBND các cấp tự đánh giá thực trạng xây dựng xã hội học tập; xây dựng và thực hiện kế hoạch phù hợp thực tế địa phương.
Việc đánh giá, công nhận đơn vị học tập và cộng đồng học tập căn cứ vào nguyên tắc, thẩm quyền đánh giá, mức độ, thời hạn công nhận và bộ tiêu chí cho 2 mức độ (mức độ 1 và mức độ 2). Cách thức, quy trình đánh giá, công nhận và trách nhiệm của UBND các cấp, cơ quan quản lý GD&ĐT các cấp và từng cơ quan, đơn vị thuộc huyện, tỉnh cũng được xác định cụ thể, rõ ràng.
Từ năm 2024, thành phố triển khai, hướng dẫn, đánh giá, công nhận hai mô hình học tập quan trọng này. Để thực hiện công việc đánh giá đúng quy định, đảm bảo kết quả trung thực, bền vững, trong quá trình triển khai cần hết sức lưu ý trước hết là việc củng cố nhận thức, cung cấp thông tin căn bản, đầy đủ, phù hợp đối tượng về mục tiêu, kế hoạch xây dựng xã hội học tập cho cán bộ, công chức, viên chức và người dân trong độ tuổi công dân trên toàn địa bàn. Đây là yếu tố quyết định để mỗi người dân phấn đấu đạt các chỉ số để công nhận danh hiệu “Công dân học tập” theo 4 nhóm đối tượng. Mô hình này có ý nghĩa quyết định đến việc đạt hay chưa đạt đơn vị học tập, cộng đồng học tập từng cấp, ở từng mức độ.
Ngành GD&ĐT chủ trì phối hợp Hội Khuyến học các cấp, các sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị từ cấp xã đến cấp tỉnh quán triệt, thống nhất kế hoạch tổng thể và chi tiết triển khai đến từng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và công dân; trong đó chú ý các chỉ tiêu, chỉ số cần phấn đấu để được công nhận hằng năm.
Trong quy trình đánh giá, công nhận, các cơ quan tham mưu cho UBND cấp huyện, tỉnh chính là “trợ thủ” đắc lực trong việc lập thủ tục hồ sơ, chọn cử thành phần và phân công nhân sự. Việc sử dụng công nghệ thông tin, nhất là các phần mềm tự đánh giá của mỗi công dân, việc thống kê, tổng hợp, báo cáo… sẽ là phương tiện hữu hiệu, không mất nhiều thời gian và bảo đảm tiến độ.
Việc tăng cường nhân sự và điều kiện làm việc cho các cơ quan chủ trì, phối hợp, tham mưu, giúp việc cần được chú ý trong công tác này, nhất là khi nhiệm vụ xây dựng xã hội học tập ngày càng nâng cao mục tiêu, trở thành nhu cầu sống còn cho sự phát triển kinh tế - xã hội của mỗi địa phương và đất nước trong thời đại hội nhập toàn cầu.
NGUYỄN MINH HÙNG, Chủ tịch Hội Khuyến học thành phố Đà Nẵng