Giáo dục

Đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp vì cộng đồng

07:50, 15/11/2024 (GMT+7)

Trên hành trình 30 năm xây dựng và phát triển, với giá trị cốt lõi “Chất lượng- Sáng tạo - Nhân văn - Phụng sự xã hội”, Đại học Đà Nẵng là “nơi hun đúc trí tuệ và tài năng vì sự phát triển của miền Trung - Tây Nguyên và cả nước”. Các thế hệ giảng viên, sinh viên Đại học Đà Nẵng nối tiếp nhau phát huy trí tuệ, tinh thần đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, tích cực phục vụ cộng đồng.

Sinh viên Đại học Đà Nẵng đoạt giải Nhất với dự án ứng dụng Mạng Lora trong Hệ thống IoT đảm bảo chất lượng điện năng tại Cuộc thi Smart Campus châu Á-Thái Bình Dương.  Ảnh: NGỌC HÀ
Sinh viên Đại học Đà Nẵng đoạt giải Nhất với dự án ứng dụng Mạng Lora trong Hệ thống IoT đảm bảo chất lượng điện năng tại Cuộc thi Smart Campus châu Á-Thái Bình Dương. Ảnh: NGỌC HÀ

Các hoạt động đổi mới sáng tạo của giảng viên, sinh viên Đại học Đà Nẵng không những gắn liền với các mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc mà còn có tiềm năng lớn để khởi nghiệp, đem lại giá trị phục vụ cộng đồng. Điển hình như dự án Công nghệ sản xuất tảo xoắn Spirulina ươm tạo khởi nghiệp tại Khu Công nghệ cao Đà Nẵng đã được chuyển giao, góp phần phát triển kinh tế Vạn Tường (tỉnh Quảng Ngãi); dự án Xử lý, tái chế pin năng lượng mặt trời phế thải được phát triển khởi nghiệp phục vụ cộng đồng hay sản phẩm mực thực vật BINKS đoạt giải nhất toàn quốc Cuộc thi “SV- STARTUP 2024” lần thứ 6 do Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp Trung ương Đoàn tổ chức, bước đầu ứng dụng, được đánh giá cao bởi tính thích dụng, an toàn cho sức khỏe người dùng.

Các nhà khoa học, giảng viên của Đại học Đà Nẵng có những dự án được đánh giá cao không chỉ trong nước mà tại nước ngoài như: dự án Thông tin quang thông minh cho mạng dữ liệu cực lớn của nhóm nghiên cứu do PGS.TS. Nguyễn Tấn Hưng chủ trì được cấp bằng bảo hộ sáng chế UPSTO (Hoa Kỳ); dự án giảm thiểu rác thải nhựa của nhóm nghiên cứu Viện Công nghệ quốc tế DNIIT được Tổ chức World Wide Fund for Nature tài trợ, đưa vào ứng dụng bảo vệ môi trường...

Theo lãnh đạo Đại học Đà Nẵng, các trường đại học thành viên, đơn vị trực thuộc luôn bám sát nhu cầu thực tiễn, chủ động nghiên cứu ứng dụng góp phần giải quyết các vấn đề cấp thiết phục vụ dân sinh. Cụ thể, Trường Đại học Bách khoa nghiên cứu phòng, chống ngập lụt tại các đô thị (Đà Nẵng; thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam), đề xuất phương án bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa góp phần phát triển du lịch địa phương (quận Hải Châu; Nam Ô, phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu; huyện Hòa Vang; xã Tam Hải, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam); Trường Đại học Kinh tế hỗ trợ người dân phát triển các thương hiệu sản phẩm OCOP, đồng hành xây dựng nông thôn mới ở huyện Hòa Vang; Trường Đại học Ngoại ngữ bồi dưỡng ngoại ngữ cho hàng trăm lượt cán bộ, chiến sĩ công an các tỉnh, thành phố: Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi; Trường Y Dược khám bệnh, cấp phát thuốc miễn phí cho người dân các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi; Viện Công nghệ quốc tế DNIIT chuyển giao ứng dụng thành công mạng LORA góp phần xây dựng Đà Nẵng - thành phố thông minh…

Ngoài ra, những sản phẩm công nghệ hữu ích của sinh viên đem lại giá trị ứng dụng thiết thực, nhân văn như: công nghệ lưu trữ hydrogen rắn; công nghệ 4G phục vụ chẩn đoán rò rỉ ống nước; phương tiện thu gom rác trên mặt nước đã góp phần phát triển nguồn năng lượng sạch bảo vệ tài nguyên nước. Nhiều sản phẩm ứng dụng phục vụ đời sống, y tế cộng đồng như: phao cứu hộ tìm người bị nạn; găng tay hỗ trợ bệnh nhân sau đột quỵ; màng bọc thực phẩm phân hủy sinh học...

Chính những nỗ lực đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp không ngừng nghỉ đã hình thành nên lớp sinh viên mới của Đại học Đà Nẵng vừa có tư duy sáng tạo và năng lực tự học, tự nghiên cứu, có kỹ năng dẫn dắt, lãnh đạo. Sinh viên không những tự tạo việc làm cho mình, mà còn nuôi dưỡng khát vọng khởi nghiệp để tạo thêm cơ hội việc làm cho xã hội, sẵn sàng thích ứng, bắt kịp với cách mạng Công nghiệp 4.0.

NGỌC HÀ

.