Giáo dục
Chủ động đào tạo nguồn nhân lực cho trung tâm tài chính khu vực
Tại hội thảo “Gắn kết trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho các tỉnh thuộc vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ theo tinh thần Nghị quyết 26-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 do Đại học Đà Nẵng tổ chức, PGS.TS. Nguyễn Ngọc Vũ, Giám đốc Đại học Đà Nẵng cho biết, tập trung đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển các ngành mũi nhọn như vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, công nghệ tài chính... là chiến lược trọng tâm của Đại học Đà Nẵng trong thời gian đến.
Lãnh đạo thành phố và Đại học Đà Nẵng thăm sinh viên đang học tập tại VKU Fintech Hub. Ảnh: HẢI ĐĂNG |
Chủ trương thành lập Trung tâm tài chính khu vực tại Đà Nẵng vừa được Bộ Chính trị kết luận tại Thông báo số 47-TB/TW ngày 15-11-2024. Với những lợi thế về địa chính trị, múi giờ và điều kiện kinh tế vĩ mô năng động, phát triển trong khu vực, đặc biệt khi kết hợp cùng khu thương mại tự do, thành phố có cơ hội lớn để phát triển các liên kết tài chính - thương mại quốc tế và công nghệ cao; trở thành điểm đến và cửa ngõ thu hút đầu tư, thương mại, công nghệ tài chính tầm vóc quốc gia và khu vực.
Theo chuyên gia Andrew Oldland (Vương quốc Anh), vấn đề cốt lõi là cơ chế, khung thể chế hấp dẫn và phù hợp để tạo nên sự khác biệt khai thác lợi thế “đặc biệt và riêng có” của Việt Nam cũng như thành phố Đà Nẵng, đó là sự ổn định chính trị, điều kiện kinh tế vĩ mô, múi giờ (khác biệt với 21 trung tâm tài chính lớn nhất thế giới). Cùng với đó, tính sẵn sàng về nguồn nhân lực nhất là ngành công nghệ tài chính (Fintech) đã được các trường thành viên của Đại học Đà Nẵng chủ động đón đầu, bắt kịp xu thế và nhạy bén trong đào tạo.
PGS.TS. Lê Văn Huy, Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế cho biết, từ năm 2022, nhà trường tiên phong mở ngành Fintech với 100% giảng viên được đào tạo từ các trường đại học uy tín nước ngoài như Hoa Kỳ, Canada, Úc, Anh… Chương trình 134 tín chỉ cân đối, hài hòa giữa kiến thức đại cương và chuyên ngành, trong đó giao thoa giữa kiến thức tài chính (Finance) với công nghệ (Technology), đặc biệt gắn kết với các đối tác chiến lược của nhà trường như các ngân hàng Quân đội, LPBank hay MoMo đang tiên phong trong lĩnh vực ngân hàng số và thanh toán điện tử tại Việt Nam. Nhờ đó, 2 khóa đầu tiên ngành Fintech (48K33, 49K33) sinh viên đều có kiến thức nền tảng về tài chính - ngân hàng, có năng lực ứng dụng sáng tạo công nghệ 4.0, có khả năng thích nghi với môi trường biến đổi nhanh chóng của công nghệ, có năng lực sáng tạo, khởi nghiệp, đem lại những ý tưởng, giải pháp đột phá phát triển các sản phẩm, dịch vụ tài chính cho các tổ chức, doanh nghiệp.
Theo PGS.TS. Huỳnh Công Pháp, Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông Việt - Hàn (VKU), nhà trường phát huy thế mạnh có các ngành kỹ thuật máy tính, công nghệ phần mềm, trí tuệ nhân tạo, an toàn thông tin… kết hợp với kiến thức tài chính và ngoại ngữ (tiếng Anh, tiếng Hàn, tiếng Nhật). Dự kiến VKU tuyển sinh ngành Fintech ngay từ năm 2025 cùng với ngành gần như: quản trị tài chính số, thương mại điện tử, marketing số, quản trị logistics và chuỗi cung ứng số hay quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành số sẵn sàng đáp ứng nguồn nhân lực cho ngành Fintech mà Việt Nam được đánh giá có nền kinh tế số phát triển nhanh trong khu vực.
“Chương trình giảng dạy 100% bằng tiếng Anh với thời lượng thực hành, thực tập tại các doanh nghiệp trong và ngoài nước giúp sinh viên tốt nghiệp đón bắt cơ hội tham gia trung tâm tài chính gắn với khu thương mại tự do của Đà Nẵng, dễ dàng xử lý các giao dịch tài chính, tăng tính hiệu quả, tiện ích và tiết kiệm chi phí cho các giao dịch số”, PGS.TS. Huỳnh Công Pháp cho biết.
Đề án “Xây dựng thành phố Đà Nẵng trở thành Trung tâm tài chính quy mô khu vực” xác định Fintech là cấu phần quan trọng. Đây sẽ là một đột phá để thực hiện Kết luận số 79-KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa XII) về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Thực tiễn cho thấy, nhiều năm qua, Đại học Đà Nẵng là cái nôi đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với chính sách phát triển kinh tế của thành phố và Trung ương, góp phần phát triển các ngành chủ lực, then chốt phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước như dầu khí, điện lực, giao thông, công nghệ thông tin, du lịch, ngân hàng… Kế thừa truyền thống đó, Đại học Đà Nẵng tiên phong, chủ động đi trước một bước trong đào tạo nhân lực công nghệ tài chính, chung sức cùng thành phố để hiện thực mục tiêu đưa Đà Nẵng trở thành Trung tâm tài chính khu vực, trung tâm kinh tế - xã hội lớn của cả nước.
HẢI ĐĂNG