.

Giáo dục

Đầu tư cơ sở vật chất phục vụ dạy và học tiếng Anh

16:11, 05/02/2025 (GMT+7)

Nhằm tạo chuyển biến tích cực trong chất lượng dạy và học ngoại ngữ, các đơn vị, trường học đổi mới phương pháp giảng dạy; tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, hướng tới mục tiêu đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong nhà trường.

Học sinh Trường THCS Trần Quốc Tuấn học tiếng Anh tại phòng học thông minh. Ảnh: THIÊN DUYÊN
Học sinh Trường THCS Trần Quốc Tuấn học tiếng Anh tại phòng học thông minh. Ảnh: THIÊN DUYÊN

Kết luận số 91-KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng nhu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế nêu nhiệm vụ “tập trung nâng cao năng lực ngoại ngữ của học sinh, sinh viên, từng bước đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học”.

Để thực hiện tốt Kết luận số 91-KL/TW, cuối năm 2024, Chính phủ phê duyệt đề án hội nhập quốc tế trong giáo dục và đào tạo đến năm 2030, với mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Đặc biệt, đề án này đề ra chỉ tiêu phấn đấu 100% học sinh phổ thông đạt trình độ ngoại ngữ theo quy định của chương trình giáo dục phổ thông môn ngoại ngữ 1; từng bước đưa tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học. Thực hiện định hướng của Trung ương, ngành giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) đã chỉ đạo các đơn vị, trường học nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh; tích cực tham gia các chương trình đánh giá chất lượng giáo dục quốc tế đối với giáo dục, đào tạo cấp tiểu học, THPT; phối hợp tổ chức nhiều cuộc thi hùng biện ngoại ngữ dành cho học sinh THPT... góp phần tạo sân chơi cho học sinh, thúc đẩy hội nhập quốc tế trong giáo dục.

Tại các trường học trên địa bàn thành phố, việc nâng cao chất lượng dạy và học tiếng Anh được quan tâm, ưu tiên đầu tư từ con người đến cơ sở vật chất, trang thiết bị học tập. Từ năm 2023, ngành GD&ĐT huyện Hòa Vang triển khai thí điểm các phòng học và thư viện hiện đại tại một số trường học trên địa bàn với tổng kinh phí đầu tư khoảng 1,76 tỷ đồng. Trong đó, Trường THCS Trần Quốc Tuấn được đầu tư 1 phòng học thông minh, dùng để học tiếng Anh với nhiều trang thiết bị hiện đại. Giáo viên có thể sử dụng các phần mềm, ứng dụng học tập, video, và các tài liệu số hóa để minh họa bài học một cách sinh động, làm tăng sự hứng thú và hiệu quả học tập của học sinh.

Cô Nguyễn Thị Phương Giang, giáo viên tiếng Anh, Trường THCS Trần Quốc Tuấn chia sẻ: “Việc ứng dụng công nghệ số trong việc dạy và học nói chung, dạy và học môn tiếng Anh nói riêng góp phần giúp cho học sinh chủ động hơn trong việc học. Thay vì chỉ ngồi nghe giáo viên giảng bài, học sinh tích cực tham gia các hoạt động tương tác với màn hình, chủ động khám phá kiến thức mới qua các nguồn tài nguyên đa dạng. Bằng việc tương tác qua các thiết bị công nghệ, học sinh hứng thú học tập hơn và ghi nhớ từ vựng tốt hơn”.

Năm học 2024-2025, Trường THCS Nguyễn Lương Bằng được đầu tư một số phòng học hiện đại từ nguồn ngân sách và xã hội hóa, gồm: phòng thực hành giáo dục STEM, phòng học số và thư viện số. Trong đó, đáng chú ý là phòng học số được đầu tư từ nguồn vốn xã hội hóa với cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại, từ màn hình tương tác, máy tính bảng, đến các thiết bị nghe - nhìn.

Thầy Huỳnh Duy Linh, Hiệu trưởng nhà trường cho hay, phòng học số không đơn thuần là đưa công nghệ vào giảng dạy, mà còn mở ra không gian học tập mới, nơi các em học sinh được phát huy tối đa sự sáng tạo và khả năng tư duy, phản biện. Các trang thiết bị hiện đại giúp ích rất nhiều cho giáo viên, từ xây dựng bài giảng đến quá trình tương tác trong giờ học với học sinh. Đặc biệt, các thiết bị tương tác, nghe - nhìn hỗ trợ rất tốt cho học sinh trong học môn tiếng Anh. Hiện nay, tất cả giáo viên nhà trường đã được tập huấn, làm quen với thiết bị, nắm phương pháp, cách thiết kế bài giảng phù hợp với phòng học số.

Đối với cấp THPT, để nâng cao chất lượng dạy và học tiếng Anh, các trường ưu tiên ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy và học tập. Đặc biệt, thường xuyên tổ chức hoạt động ngoại khóa như thi rung chuông vàng, hùng biện bằng tiếng Anh, sinh hoạt CLB nhằm nâng cao kỹ năng nói, giao tiếp cho học sinh cũng như tạo động lực, hứng thú cho các em khi học tập môn học này. Thầy Bùi Minh Quảng, Hiệu trưởng Trường THPT Sơn Trà cho biết, chủ trương của nhà trường trong việc nâng cao chất lượng dạy học môn tiếng Anh đó là trang bị đầy đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị, tài liệu tham khảo phục vụ giáo viên và học sinh.

Hiện nay, trường có 5/5 phòng bộ môn đạt chuẩn, trong đó có phòng Ngoại ngữ được trang bị thiết bị hiện đại, phục vụ tốt việc dạy và học tiếng Anh. Nhà trường cũng vừa xây dựng chiến lược xây dựng và phát triển Trường THPT Sơn Trà giai đoạn 2025-2030. Trong đó, có mục tiêu trang bị đầy đủ các trang thiết bị dạy học; xây dựng và khai thác, sử dụng hiệu quả các phòng học bộ môn. Phấn đấu đến năm 2026, cơ sở vật chất của trường đạt chuẩn quốc gia. Đồng thời, đổi mới phương pháp dạy và học theo hướng tăng cường hội nhập quốc tế, từng bước đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học.

THIÊN DUYÊN

.