Văn hóa - Giải trí

Bến đò Hà Thân

16:04, 06/04/2008 (GMT+7)

Bến đò Hà Thân xưa thuộc địa phận làng An Hải, nay là phường An Hải Tây, quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng. Ngày trước, qua lại các bến đò có nhiều loại ghe thuyền, dân gian gọi là đò. Đò con có hai mái do một người chèo, lớn hơn một chút do hai người chèo - chèo lái và chèo mũi. Đò trung thì ba mái chèo gồm chèo lái, chèo khoang và chèo mũi. Đò lớn phải đến bốn người chèo, hơn thuyền trung một chèo dốc.

Trên những chiếc đò dọc ngang sông nước đó, có không ít cô lái đò duyên dáng trong chiếc nón bài thơ và bộ quần áo bà ba với những câu hát mượt mà đã để lại trong lòng khách sang sông nhiều cảm xúc.

Cầu sông Hàn đã thay thế cho những chuyến đò ngang trên sông Hàn. Ảnh: V.T.L

Chuyện kể rằng, có một học trò nghèo tên là Lê Cảnh sớm mồ côi cha, nhà nghèo nhưng rất hiếu học, thường cắp sách qua lại bến đò Hà Thân. Một hôm, cô lái đò chiêm bao thấy một ông già đến bảo cô hãy sớm tỉnh giấc, lo sửa soạn thuyền chèo đặng đến bến đò đưa đại quan Hàn lâm sang sông. Thức dậy, cô hối hả thực hiện đúng như lời ông già dặn, chèo thuyền đến bến đò lúc gà mới tan gáy. Cô cắm sào đứng đợi, đợi mãi cho đến lúc sương tan trời sáng mà vẫn chẳng thấy đại quan nào, ngoài cậu học trò nghèo Lê Cảnh cắp sách đứng chờ trên bến sông. Cô kể lại đầu đuôi câu chuyện trong giấc chiêm bao cho Lê Cảnh nghe, rồi nói: “Mai sau nếu hiển đạt thì nhớ đừng quên cô lái đò này”. Lê Cảnh ôn tồn đáp: “Nếu quả thực nên công danh, tôi nào dám phụ lòng người gặp gỡ”.

Chẳng bao lâu sau, Lê Cảnh trở thành một trong những người đầu tiên của xứ Đàng Trong đỗ Hương cống (Cử nhân), làm quan đến chức Cai bạ Quảng Nam dưới thời chúa Nguyễn Phúc Chu (1691-1725), rồi Cai bạ Chính dinh Thuận Hóa sung Hàn lâm cơ mật viện đại thần, khi mất được truy phong đến chức Tham nghị. Hiển vinh, ông quay về bến đò xưa và cưới cô lái đò đã từng dự báo bước hoạn lộ đầy hanh thông của mình.

Một cô lái đò khác “cắc cớ” hơn. Lần nọ, thấy có chàng thư sinh sang sông, cô buộc chàng phải trả đến một đồng, trong khi thu hành khách mỗi người chỉ 5 hào. Chàng hỏi duyên cớ, cô bảo tính thêm 5 hào là trả cho cái “tội” chàng ngồi mũi thuyền nhìn cô suốt hành trình qua sông. Chiều về, nghe cô lại vẫn tính như cũ, anh chàng phân bua: “Buổi sáng cô tính một đồng vì tôi mãi ngắm cô, còn chiều nay tôi nào có ngắm cô mà chỉ nhìn xuống sông thôi”. Cô lái đò quyết không buông tha: “Đành rằng anh không ngắm tôi bằng mắt, nhưng lại ngắm tôi bằng tâm, đáng lẽ tôi tính thêm tiền nhiều hơn nữa, nhưng tôi biết anh đã cạn tiền rồi nên chỉ tính chừng đó thôi”. Thế rồi, từ cái duyên “gây nhau” ban đầu đó, về sau, hai người đã trở thành đôi bạn đời khắng khít bên nhau.

Thời kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, bến đò Hà Thân cũng là nơi ngầm đưa người chiến sĩ sang sông: “Nhớ anh chiến sĩ Khu Đông/ Một chiều sóng gió sang sông treo cờ/ Nhớ vùng bị chiếm bơ vơ/ Trăng sao đã lặn, vẫn chờ tin anh”. Đây cũng chính là nơi người chiến sĩ biệt động Lê Độ (tức Lê Dậu, người thôn Mỹ Thị, nay thuộc phường Khuê Mỹ, quận Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng) từng đi về hoạt động cách mạng.

Ngày 29-3-2000, nhịp cầu Sông Hàn chính thức bắc qua sông đã vĩnh viễn đưa hình ảnh bến đò Hà Thân vào quá khứ, nhưng những giai thoại chung quanh bến đò này vẫn còn được không ít người đời nay nhắc đến như hoài niệm một thời vang bóng.

LÊ DUY ANH

.