* Đọc qua sách báo, tài liệu, tôi thấy thật khó phân biệt được đâu là “văn chỉ”, “văn miếu” và “văn thánh”. Xin cho biết việc thờ tự ở các nơi này thế nào và làm sao phân biệt được chúng? (Nguyễn Trọng Hùng, Hội An, Quảng Nam).
Văn Thánh miếu Vĩnh Long (Ảnh: Wikipedia) |
Từ điển Hán Việt của Đào Duy Anh (NXB Trường Thi, Sài Gòn, 1957) giảng: “Nền tế thánh - Nền tế Khổng Tử, ở những hương thôn lập nên gọi là văn chỉ, của nhà vua lập nên gọi là văn miếu”.
Riêng về đền thờ Khổng Tử ở hương thôn, “Việt Nam phong tục” của Phan Kế Bính (NXB TP.HCM, 2004, tr.140-141) giải thích chi tiết hơn:
“Mỗi làng có một Văn từ hoặc Văn chỉ. Đàn lộ thiên gọi là Văn chỉ, có lợp mái gọi là Văn từ. Văn từ, Văn chỉ để thờ riêng những bậc khoa hoạn trong làng. Có làng hiếm văn học, chưa có người hiển đạt thì thờ Đức Khổng Tử, gọi là Tiên Thánh Sư để làm chủ trương cho việc văn học trong làng.
Các nơi thờ riêng những bậc khoa hoạn, đại để chia làm ba hạng:
Hạng nhất là những người đỗ đại khoa (tiến sĩ) và những người làm quan từ tam tứ phẩm trở lên, thờ ban giữa.
Hạng nhì là những người đỗ trung khoa (cử nhân) và những người làm quan từ lục thất phẩm trở lên, thờ ban hữu.
Hạng ba là những người đỗ tiểu khoa (tú tài) và những người làm quan đến bát cửu phẩm, thờ ban tả.
Đến khi tế tự thì đem cả hào mục, tổng lý và các thầy đồ truyền giáo trong làng vào phối hưởng.
Nhưng nhiều nơi chỉ trọng riêng về đường khoa mục, hễ có đỗ mới được liệt tự, còn như làm quan, dẫu đến nhất nhị phẩm mà không có chân khoa mục, cũng không được dự, chỉ đến lúc tế mới đem vào phối hưởng mà thôi.
Mỗi năm, tháng hai, tháng tám, tế hai kỳ gọi là xuân thu nhị đình. Có nơi cả làng tế, có nơi chỉ người có chân trong hội tư văn mới được dự tế.
Năm nào có khoa thi thì cả sĩ tử trong làng hội lại làm lễ kỳ khoa, hoặc cả làng làm lễ, để cầu cho hương thôn được nhiều người hiển đạt.
Khi thi xong, ai được đỗ thì lúc về phải có lễ ra Văn chỉ để tạ ơn tiền hiền”.
Thầy bói tháng giêng
* Vì sao người ta nói “Thầy bói tháng giêng, thầy thiền tháng bảy”? (Lê Văn Nam, Liên Chiểu, Đà Nẵng).
- Tháng giêng người ta hay đi xem quẻ gia sự đầu năm nên các thầy bói rất đắt khách. Tháng bảy có lễ “xá tội vong nhân”, người ta hay cầu phước nên các thầy chùa được nhờ.
FOA, FOB
* Các chữ viết tắt FOA, FOB nghĩa là gì? (Nguyễn Bảy, Hải Châu, Đà Nẵng).
- FOA là viết tắt của FOB AIRPORT, nghĩa là giao hàng tại sân bay. FOB là viết tắt của “free on board”: giao hàng lên tàu. Tương tự như thế, còn có FOS (free on steamer): giao trên tàu thủy; FOR (free on rail) hoặc FOW (free on wagon): giao hàng trên toa; FOT (free on truck): giao hàng trên xe tải…
ĐNCT