.

Nhà thơ Nguyễn Bính và những bí ẩn mùa xuân

.

“Năm mới tháng Giêng mồng một Tết / còn nguyên vẹn cả một mùa Xuân”. Câu thơ tài hoa đầy vẻ tượng trưng kia đã ứng vào cuộc đời đầy tài năng của một nhà thơ từng viết những bài thơ Xuân hay vào loại bậc nhất của thi ca Việt Nam: Nguyễn Bính (1918-1966). Càng huyền bí hơn khi vượt lên trên ngôn từ, cấu tứ bài thơ được nhân thế “giải mã” như một “quyền năng được báo trước” cho sự ra đi của ông vào một mùa xuân miên viễn. Đầu năm mới Kỷ Sửu, chúng tôi đến thăm nhà lưu niệm Nguyễn Bính và tiếp cận được với những tư liệu bí mật lần đầu tiên được hé lộ.

TỪ “MƯA XUÂN”, “RƯỢU XUÂN” CHÂN QUÊ…

Chân dung Nguyễn Bính.

Nhà lưu niệm của Nguyễn Bính ở số nhà 23, đường 11, phường 11, quận Gò Vấp - TP. Hồ Chí Minh mà nhiều người thường đùa là nhà số 9 do cộng lại các con số đúng chín nút, số hên, số may mắn. Tuy mới được thành lập trong một thời gian ngắn, nhưng đã trở thành địa chỉ văn hóa quen thuộc cho nhiều khách văn chương, vãng lai mến mộ nhà thơ “chân quê” tài ba. Bà Nguyễn Bính Hồng Cầu, nguyên Giám đốc Nhà xuất bản Văn nghệ, con gái của nhà thơ, người xây dựng chương trình cho chúng tôi xem nhiều tư liệu quý về nhà thơ Nguyễn Bính bước đầu đã sưu tầm được.
 
Đó là rất nhiều tác phẩm của ông đã xuất bản từ Bóng giai nhân, Người con gái ở Lầu Hoa… rải rác trong một thế kỷ. Nhiều hình ảnh, bút tích, bản thảo của nhà thơ trong chiến khu 9, thời gian viết bài thơ được phổ nhạc nổi tiếng Tiểu đoàn 307. Và đặc biệt ở nhà lưu niệm có photo nhiều bài thơ, bút tích của Nguyễn Bính viết về đề tài mùa xuân trong nhiều giai đoạn của cuộc đời ông. Và đây cũng là đề tài thú vị từ trước đến nay chưa ai biết.

Bà Nguyễn Bính Hồng Cầu cho biết, hiện nay cũng chưa có thống kê chính thức trong đời Nguyễn Bính đã viết bao nhiêu bài thơ về mùa xuân? Trong Tuyển tập Nguyễn Bính dày 1.500 trang do bà tuyển chọn, Nhà xuất bản Văn học (2-2009) sẽ công bố thêm nhiều bài thơ xuân của ông. Có những bài có thể xem là dị bản vì tính chất khác nhau ở từng đoạn thơ. Nhưng cũng có những bài nhà thơ sáng tác tuy đặt chung một nhan đề nhưng lại là hai bài độc lập, nội dung khác nhau hoàn toàn.

Vì thế, có nhiều nhà phê bình đã nhầm lẫn “ông chằng bà chuộc” khi “buộc” chúng lại với nhau. Ví dụ như cùng tiêu đề Mưa Xuân thì Nguyễn Bính có hơn hai bài viết về chủ đề này. Còn những câu thơ nổi tiếng như “Đã thấy xuân về với gió đông / Với trên màu má gái chưa chồng / Bên hiên hàng xóm cô hàng xóm / Ngước mắt nhìn giời đôi mắt trong” và “Chờ mãi anh sang anh chẳng sang / Thế mà hôm nọ hát bên làng / Năm tao bảy tuyết anh hò hẹn / Để cả mùa xuân cũng nhỡ nhàng” là ở hai bài khác nhau là Xuân về và Mưa Xuân, được viết trong bối cảnh thời gian khá xa nhau chứ không ở trong một bài như sách giáo khoa đề dẫn.

Rồi các bài Xuân tha phương và Xuân tha hương một viết ở miền Nam và một viết ở miền Bắc. Nét đặc trưng của cấu trúc thơ Nguyễn Bính là thơ 7 chữ, lại “chân quê”, trữ tình mộc mạc nên dễ nhớ, dễ thuộc. Vì thế cũng dễ nhầm lẫn. Ngoài ra, ông còn nhiều bài thơ hay khác như Nhạc Xuân, Rượu Xuân… đi kèm với những dị bản và nhiều giai thoại.

ĐẾN NHẠC XUÂN “NGUYÊN VẸN MỘT MÙA XUÂN” HUYỀN BÍ

Nhà lưu niệm Nguyễn Bính.

Nhưng bài thơ xuân bí ẩn, gây nhiều dư luận tranh cãi về Nguyễn Bính, đến hôm nay vẫn chưa chấm dứt là Nhạc Xuân nổi tiếng. Bài này xuất hiện lần đầu tiên trong tập Hương cố nhân và được xem là có “tầm dự báo” của nhà thơ trước khi ra đi vào cõi bất tử. Theo sử liệu văn học và được sự xác nhận, kiểm chứng của bà Nguyễn Bính Hồng Cầu, thì cha bà, nhà thơ Nguyễn Bính mất vào ngày 29 Tết năm 1966 tại Phủ Lý, Hà Nam. Chỉ còn một ngày nữa là qua năm mới, tinh khôi, nguyên vẹn một mùa xuân trải dài phía trước. Điều này kỳ lạ làm sao là đã được Nguyễn Bính dự đoán bằng một số câu thơ trong bài thơ Nhạc Xuân như “thần giao cách cảm”, một điềm lạ về số phận mình:

“Năm mới tháng giêng mồng một Tết / Còn nguyên vẹn cả một mùa xuân”. Qua câu chuyện với chúng tôi, bà Hồng Cầu kể lại những thu thập mới nhất của bà sau chuyến tìm trở lại nơi chốn cha bà đã mất. Nhiều nhân chứng cho thấy nhà thơ hoàn toàn chủ động cuộc ra đi của mình. Đó là ông bà Tân Thanh, một người bạn thơ mà mùa xuân đó Nguyễn Bính đến và ở lại chơi, kể lại như sau: Vào những ngày giáp Tết năm 1966, Nguyễn Bính trên đường đi sơ tán về, ghé vào chơi với bạn bè ở Phủ Lý, Hà Nam. Sau đó ông có ý định đạp xe thẳng về Nam Định.

Nhưng ông bà Tân Thanh cản lại với lý do, đường đất, ổ gà, bác yếu, nghỉ lại cho khỏe, chưa nên đi. Nguyễn Bính nheo mắt cười, nói: -“Thế cô chú không cử à? Năm nay anh mất đấy! Đầu năm không kiêng cử gì sao?”. Bà Tân Thanh trả lời, nghĩ là ông nói đùa: - “Tụi em không cử gì đâu! Có bác ở lại là vui…!”. Sáng ngày 29 Tết, ông Tân Thanh chuẩn bị đi mổ lợn giỗ làng. Nguyễn Bính cũng dậy sớm ăn một tô cơm nguội với tép rang, ông nói với người bạn: -“Bữa nay anh ăn khỏe. Hết một tô. Thế chú không ăn ba hột cho chắc bụng mà đi à?”. Sau đó ông xuống nhà rửa tay. Nhưng khi xuống gần cái ao thì ông bất ngờ trúng gió và thổ huyết. Người nhà cùng hai thanh niên, có một người tên Lữ năm nay đã 73 tuổi, cáng ra đến bệnh xá thì nhà thơ đã mất.

Cũng trong bài thơ Nhạc Xuân còn “lộ diện” nhiều câu thơ rưng rưng, làm sửng sốt bất cứ một bạn đọc nào yêu và mê thơ Nguyễn Bính: “Giờ đây chín vạn bông trời nở / Riêng có tình ta khép lại thôi”… Phải chăng nhà thơ đã dự cảm được những lớn lao sẽ kết thúc hay thay đổi của cuộc đời mình? Chuyển hóa sang một trạng thái khác giao hòa cùng trời đất, âm dương vũ trụ? Điều này “đồng quy” với cách nhìn từ quan niệm vật lý hiện đại đến triết lý Đạo Phật để cùng chỉ một trạng thái “như nhiên”, chuyển tiếp và chuyển hóa năng lượng.

Nhưng với nghệ thuật chỉ có thể xuất hiện ở những tài năng lớn, có tầm dự phóng vượt thoát các quy chuẩn hạn hẹp. Từ đây họ cho thấy điểm đến của một thế giới mới hay những điều kỳ diệu làm nên sự bí ẩn, quyến rũ của cuộc sống mà trước mùa xuân chúng ta lại bắt đầu một cuộc tìm kiếm, khám phá mới?...

Nguyễn Hữu Hồng Minh

;
.
.
.
.
.