.

Nơi màu xanh réo gọi

.

Câu chuyện người làm vườn Yahagi Mitsuo ở vùng Yamagata trên xứ sở đất nước Phù Tang xa xôi đã mang những cành táo Fuji qua tận Việt Nam, đến bằng được cái thung lũng hoa đào nổi tiếng của ông Mười Lời tại Đà Lạt để cấy ghép mầm táo Fuji - thêm một giống cây trái mới cho xứ sở ngàn hoa Đà Lạt. Mẩu tin ngắn này do anh Nguyễn Hàng Tình viết trên báo Tuổi Trẻ số ra thứ ba ngày 9 tháng 9 năm 2008.

Ông Mười Lời và Yahagi Mitsuo đang ghép mầm táo.

Còn tôi thì có mặt trong cái thung lũng hoa đào ấy vào những ngày táo Fuji đã xanh cành thắm lá. Từ mấy năm nay, mỗi độ Tết về, Đài Truyền hình Việt Nam thường phát những thước phim về người nông dân quê Quảng Nam-Đà Nẵng lập nghiệp trên cao nguyên Langbian trên các kênh VTV1 và VTV4, cụ thể hơn là phim chiếu về cái “vương quốc kỳ hoa dị thảo” của ông Mười Lời tại Đà Lạt. Câu chuyện truyền kỳ về hoa mà nhiều phóng viên các báo, đài đã viết về ông Mười Lời bây giờ lại mở thêm trang mới, chuyện mới - chuyện Yahagi Mitsuo và ông Mười Lời…

Lội trong thung lũng hoa đào giữa một chiều lạnh nhạt nhòa mây khói. Cả một khu vườn đào lá xanh nõn mượt đang ủ mầm cho một mùa hoa mới. Những mầm táo Fuji ngày nào bây giờ đã xanh um tươi tốt, báo hiệu cho sự góp mặt của những “sứ giả hoa trái” từ đất nước Nhật Bản xa xôi đã hiện diện trong khu vườn đào huyền thoại này. Ngẫu hứng tôi đọc thầm mấy câu thơ của Lý Bạch “Yên thảo như bích ty. Tần tang đê lục chi”.

Ôi chao, đã tự nghìn xưa “Cỏ nước Yên xanh màu xanh lơ” réo gọi “Dâu nước Tần xanh màu xanh lục”, cái màu xanh của cây trái, cỏ hoa đã biết réo gọi nhau vượt qua những biên giới xa xăm để tìm đến với nhau, huống là bây giờ trong khu vườn này, cuộc hội ngộ kỳ thú của chủ nhân thung lũng đào hoa với ông Yahagi Mitsuo, mà nghe đâu họ còn hò hẹn với nhau sẽ tái hồi ở cả Yamagata nữa.

Thực ra những câu chuyện về hoa và cây trái trong khu vườn rộng 6.000 mét vuông nằm giữa hai quả đồi, được bao quanh vòng cung hai con đường Lê Hồng Phong và Triệu Việt Vương đã không còn xa lạ với du khách đến cao nguyên này. Từ năm năm về trước, kể từ ngày ông Mười Lời ra tận Hà Nội mang những cành đào Nhật Tân về cấy ghép lai tạo thành công với giống đào phai ở Đà Lạt.

Từ cuộc hôn phối đó, hoa đào Đà Lạt có thêm các tên gọi mới: hồng đào, bích đào, liễu đào gắn liền cùng với cái tên chủ nhân của nó mà giới báo chí yêu mến đặt cho là “phù thủy của các loài hoa”. Cho dù gọi thế cũng chẳng có gì là quá. Một cây hồng Đà Lạt có thân cây là giống hồng trứng của Pháp, trên cành lại trĩu quả hồng Nhật. Cây bưởi gốc Hà Nội lại cho quả là bưởi Thái Lan, cây mơ chùa Hương lại nõn mượt cành là mận Nestarine của Úc. Và bao giống cây trái khác: chanh Thái Lan, quýt Địa Trung Hải, cam mật Mỹ…

Có vẻ như cái thung lũng đào hoa này là nơi hội ngộ khá li kỳ của nhiều loài hoa trái từ khắp nơi trên thế giới tụ hội về. Mỗi một bài báo trên Tuổi Trẻ, Thanh Niên, Người Lao động, Sài Gòn Giải phóng, Nhân Dân, Công an thành phố Hồ Chí Minh… xuất hiện vào một thời điểm nào đó đều mang đến một thông tin lạ về khu vườn đào nổi tiếng của ông Mười Lời. Có điều không lạ là, chủ nhân của nó lúc nào cũng là ông nông dân đất Quảng một trăm phần trăm, cho dù có hiện đại là máy ảnh kỹ thuật số, điện thoại di động lúc nào cũng lè kè trong túi để kịp theo dõi sự sinh nở và tăng trưởng của cây trái và trả lời mọi thông tin từ khắp nơi gọi về.

Festival Hoa - Đà Lạt đã từng dành riêng con đường Lê Đại Hành chạy giữa trung tâm thành phố cho nghệ nhân Mười Lời “làm xiếc” trên hàng cây mai anh đào để hoa kịp trổ đúng mùa lễ hội chào đón khách muôn phương. Cái khí chất người Quảng trong ông cũng là một thứ hoa của đất, đủ sức mời gọi các nhà khoa học đến khu vườn thực nghiệm này để ươm mầm các giống loài cây trái. Đã có hàng ngàn sinh viên từ các trường Đại học đến đây để học tập.

Cuốn nhật ký vườn đào dày ngót nghìn trang được để trên chiếc bàn con trong phòng khách của ngôi nhà vườn đã ghi đầy những dòng lưu niệm của khách tham quan. Khách là những Giáo sư tiến sĩ khoa học, những sinh viên, nghiên cứu sinh, những văn nghệ sĩ trong và ngoài nước, khách cũng có khi là người làm vườn, là một nông dân, là người thưởng thức hoa…

Tất cả bày tỏ tình cảm và lòng ngưỡng mộ đối với chủ nhân vườn đào bằng tất cả các thứ tiếng: Anh, Pháp, Nhật, Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ… Bên cạnh nhiều huy chương vàng bạc thu hoạch từ các cuộc triển lãm hoa xuân được trưng bày lấp lánh trong từng ô trên chiếc tủ lớn kê sát tường, có lẽ đó là niềm hạnh phúc, là những cái mốc son được lưu giữ một cách trân trọng của một đời người gắn liền cùng với hoa trái.

Nhưng dường như cái đẹp mới mẻ mới là thứ đam mê luôn lên tiếng réo gọi chủ nhân vườn đào bay xa cùng với những giấc mơ của mình. Sau thành công trong các lần triển lãm hồng đào, bích đào, liễu đào hay là hoa quỳnh nở giữa ban ngày, mùa xuân năm nay, nghệ nhân Mười Lời lại trình làng với những tác phẩm lạ…hoa hoang cỏ dại. Ngần ấy ý tưởng của ông đã lạ lẫm, đã lãng mạn lắm rồi! Xưa - nay, khoe sắc đua hương ở các hội hoa xuân toàn là những mai, đào, huệ, lan, cúc, trúc… chứ ai đời hoa sim, hoa mua hoang dại bao giờ.

Vậy mà đi trong khu vườn đào, tôi đến sờ sững trước những chậu sim, chậu mua đẹp mê hồn. Là người quê miền Trung, tôi đã gặp cơ man các loài hoa hoang cỏ dại này ở khắp các miền đồi núi dọc theo chân Trường Sơn, nhưng để gặp được cái gốc sim già trăm tuổi gốc to như bắp vế đang nõn cành đơm hoa thì quả chưa thấy bao giờ. Cả hoa mua nữa, giống hoa mà ông lai tạo đâu từ xa xôi hoang mạc nước Úc, tím một màu sáng như ửng sắc hoàng hôn.
 
Tôi chưa dám tin vào sự thành công của các nàng “sơn nữ” du xuân ở chốn thị thành, nhưng điều này thì tôi tin, đấy là cái đẹp thi ca lấp lánh ẩn chứa trong một tâm hồn luôn khát khao đi tìm cái mới, cái độc đáo. Phải chăng vì lẽ chính cái đẹp đó réo gọi, mà những sắc xanh cây trái đã vượt biên giới tìm đến với nhau như tình yêu của Yahagi Mitsuo và nghệ nhân Mười Lời đã cấy những mầm táo xanh xuống đất đai của cao nguyên huyền thoại này!

Bút ký Nguyễn Nhã Tiên

;
.
.
.
.
.