.
Tản văn

Phù sa

.

Nó thường lang thang trên triền sông sau mùa mưa lũ...

Không hiểu từ bao giờ, nó yêu những mùa nước nổi đến vậy. Với nó, không có lũ, không được nhìn thấy con sông “nhảy ra khỏi bờ” thì nó chưa sống qua trọn một năm. Nó chờ đến tháng 10, chờ được nhìn thấy con sông hiền hòa ngày nào bỗng trở nên nổi loạn. Đành rằng, lũ về là người sẽ lênh đênh, sự sống sẽ đảo lộn. Nhưng nó thích. Thích ngắm con sông ngập ngừng nước dâng những chiều lỡ thì. Thích ngắm con sông hoang dại, đỏ ngầu giận dữ những ngày bão nổi. Để rồi sau đó, phù sa sẽ dâng đầy, đất đai màu mỡ, mùa về xanh tươi...

Với nó, phù sa không là cái có thể nắm bắt được. Phù sa vẫn hiển hiện, miên man thao thức theo dòng và chỉ có thể cảm nhận bằng những mùa gieo – gặt. Không gì khác ngoài con người và phù sa đã đem đến hoa thơm, quả ngọt cho đất này. Phù sa vương rắc màu xanh cho đất, mùi hương cho trời... Nó chờ đợi lũ, phải chăng là chờ đợi “dòng sông đỏ nặng phù sa”?.

Đi qua năm tháng, nó đong tuổi của mình bằng những mùa phù sa màu mỡ chùng chình sóng nước trong mỗi độ lũ về.

Chiều nay, nó lại ra triền sông. Nhìn mọi người tưới nước cho những luống cải đang ngồng, lòng nó vui lạ! Đã bao năm, theo thường lệ, sau những ngày giông dài mưa bão là những mùa hoa cải vàng một màu thương nhớ nhuộm cả bến sông. Người dân quê hương thường đón xuân bằng những mùa hoa dân dã ấy. Không rực rỡ. Không kiêu sa. Những cánh hoa mỏng manh đong đưa trước gió, chùng chiềng gợi nhớ, gợi thương, gọi lòng người hướng tới quê hương luôn là tín hiệu dự báo cả năm no ấm. Có lẽ, những mỡ màu của đất, những ân tình của người đã làm nên nhịp thở thôn quê!

Nó mỉm cười cảm nhận chút thoáng xuân sang. Lặng lẽ, thanh thoát... Lòng nó cũng xôn xao như hơi xuân, âm thầm mơ về hình hài của phù sa từ những mùa hoa cải ven sông ấy.

Minh Khương

;
.
.
.
.
.