.

Câu chuyện về tượng Phật ngọc lớn nhất thế giới đến Đà Nẵng

.

(ĐNĐT) - Đúng 17 giờ 30 phút ngày 9-3, pho tượng “Phật ngọc hòa bình thế giới” đã được chính thức mở niêm phong tại chùa Quán Thế Âm, dựa lưng vào ngọn Kim Sơn, Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng để cho đông đảo người dân thưởng lãm nhân Lễ hội Quán Thế Âm diễn ra dịp 19-2 âm lịch hàng năm.

Phật ngọc tượng nặng hơn 4,5 tấn, cao 3,5m, hiện là pho tượng lớn nhất thế giới được tạc từ nguyên khối ngọc thạch Nephirite. Đà Nẵng là điểm đến đầu tiên trong hành trình vòng quanh thế giới của pho tượng để nguyện cầu cho hòa bình, chúng sinh an lạc.

Tượng Phật ngọc dựa lưng vào ngọn Kim Sơn, Ngũ Hành Sơn, đón hàng nghìn du khách đến thưởng lãm và nguyện cầu cho hoà bình thế giới.

Từ ngọc thạch Nephrite nguyên khối nặng 18 tấn mang tên “Polar Pride” (Niềm kiêu hãnh Bắc Cực) được tìm thấy vào năm 2000 ở miền Bắc Canada, hơn 30 nghệ nhân, chuyên gia điêu khắc và phật học đến từ Thái Lan, Nepal, Úc… đã làm việc miệt mài trong 8 năm để thành hình pho tượng.

Khối ngọc thạch Polar Pride vào thời điểm nói trên đã gây sửng sốt cho các chuyên gia đá quý trên thế giới bởi độ tinh khiết, không tỳ vết và phẩm lượng cao hơn hẳn những khối ngọc dưới rặng núi British Columbian, cực Bắc Canada được tìm thấy từ những năm 1960.

Tuy nhiên, có một người không hề ngạc nhiên với phát hiện ấy. Trong một giấc mơ trước đó không lâu, vị Lạt ma có tên Zopa Rinpoche đã nằm mộng về một khối đá quý xanh ngọc phát sáng ở miền Bắc Canada. Ngay sau khi tin tức về khối ngọc Polar Pride lan nhanh ra toàn thế giới, ông đã giao cho vị đệ tử Ian Green, Chủ tịch Đại tháp từ bi (Úc) phát tâm kêu gọi phật tử, đạo hữu toàn thế giới góp tiền thỉnh viên ngọc quý ấy.

Tháng 12-2006, khối ngọc 18 tấn được đưa từ Vancouver (Canada) về Bangkok (Thái Lan), giao cho Công ty Jade Thongtawee, do đích thân giám đốc Vanit Yotharvut giám sát tạc tượng, Lạt ma Zopa Rinpoche và chuyên gia Jonathon Partridge 4 lần điều chỉnh mẫu tượng.

Từ khối ngọc “Polar Pride” 18 tấn, trưởng tổ điêu khắc Jonathon Partridge xẻ ra hơn 4 tấn ngọc có chất lượng thượng hạng để tạc tượng. Đây là công đoạn tốn nhiều thời gian và tâm trí nhất của nhóm chế tác. Lưỡi cưa kim cương phải đi từng đường tỉ mỉ và dứt khoát để tảng ngọc không bị rạn, tỳ vết. Ngọc cắt xong lại trải qua nhiều quá trình chạm trổ, điêu khắc tinh vi và đánh bóng hàng trăm lần mới có được nước màu xanh thẫm lấp lánh dưới ánh nắng.

Giám đốc công ty chế tác tượng Jade Thongtawee, ông Vanit Yotharvut đã yêu cầu tuyệt đối không được để thất lạc bất cứ mảnh ngọc vụn nào trong quá trình xẻ ngọc Polar Pride. Hàng nghìn mảnh ngọc nhỏ sẽ được tiếp tục chế tác thành các món ngọc lưu niệm hoặc pháp khí nhỏ, để mọi người được thỉnh về một phần của Phật ngọc.

Trưa 9-3, gặp Đạo hữu Ian Green, Giám đốc dự án công trình Phật ngọc, tại cảng Tiên Sa, nơi ông đã chờ đợi pho tượng gần nửa tháng trong chuyến hải trình từ Bangkok (Thái Lan) về Đà Nẵng, ông nói: “Năm 2000, do vẻ hoàn hảo của viên ngọc, ông Kirk Makepeace, Giám đốc công ty khai thác viên ngọc này, đã chủ ý giữ nguyên hiện trạng và bán đấu giá, chứ không xẻ nhỏ thêm bất kỳ mảnh nào như những viên ngọc trước đó. 1 triệu USD là giá chúng tôi trúng thầu”.

"Chúng tôi chọn Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng là điểm đến đầu tiên trong hành trình vòng quanh thế giới của tượng Phật ngọc bởi lẽ chúng tôi đã có dịp tìm hiểu và biết được lễ hội Quán Thế Âm hằng năm ở quê hương các bạn rất trang nghiêm, nổi tiếng và thích hợp với sự có mặt của Phật tượng”, ông  Ian Green cho biết .

Lục Ngạn

;
.
.
.
.
.