.
Kỷ niệm 40 năm ngày mất nhà văn-liệt sĩ Dương Thị Xuân Quý (1969-2009)

Xem chia ly như một sự hy sinh

.

Trong những văn nghệ sĩ hy sinh tại chiến trường miền Nam, thì sự ngã xuống của Dương Thị Xuân Quý để lại cho đời sau những thương tiếc tha thiết nhất. Nhà văn - liệt sĩ ra đi khi tuổi đời vừa đúng 28. Chị sinh ngày 19 tháng 4 năm 1941 và mất ngày 8 tháng 3 năm 1969.

Nhà văng liệt sĩ Dương Thị Xuân Quý (Ảnh tư liệu ).

Dương Thị Xuân Quý xuất thân trong một dòng tộc trí thức, có nhiều gắn bó với cách mạng và học thuật. Ông nội là cụ Dương Trọng Phổ, người vận động tích cực cho phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục, bị đày ra Côn Đảo cùng Huỳnh Thúc Kháng, Phan Châu Trinh năm 1908; cha là Dương Tự Quán vừa dạy học vừa viết báo; bác ruột là cụ cử Dương Bá Trạc, một trí thức yêu nước trong phong trào Duy Tân, cũng bị đày ra Côn Đảo; bác ruột nữa là nhà nghiên cứu văn học uyên thâm Dương Quảng Hàm. Chị cũng là con chú con bác với họa sĩ Dương Bích Liên...

Sớm bộc lộ năng khiếu và sở trường văn chương, sau khi theo học khóa báo chí do Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức, chị về làm phóng viên báo Phụ Nữ Việt Nam. Suốt những năm đầu Mỹ đánh phá miền Bắc, Xuân Quý luôn có mặt tại các vùng ác liệt của tuyến lửa khu IV. Nhiều truyện ngắn, bút ký, ghi chép của chị còn nóng hổi hơi thở của cuộc sống.
 
“Tùng Sơn đây rồi. Quê đồng chí Trần Phú đây rồi… Từ giữa tháng tư đến giờ, chúng nó đã đến đây bắn phá mười ba lần. Mười ba lần bắn phá trong 3 tháng đối với một làng nhỏ!... Tính sơ sơ, ngót hai trăm quả bom và gần một nghìn quả rốc-két của Mỹ đã trút xuống đây” (Nữ quân Trần Phú) (1). Những ngày tháng dữ dội và khốc liệt của thành Vinh-Nghệ An năm 1966, 1967 được Xuân Quý ghi lại bằng giọng văn vừa căm giận vừa trữ tình. “Đây là lần thứ tư trong ngày, bọn kẻ cướp Mỹ đem máy bay đến oanh tạc xã Hưng Thủy (ngoại thành Vinh). Giao thông hào chúng tôi nấp, rung lên….”. Giữa khung cảnh đó, “vẳng đâu đây giọng ai ru chìm trong gió rít, lúc rõ từng câu:

                                      À ơi !  Dù cho bão nổi mưa sa
                                      Nghệ An Xô Viết, vẫn là Nghệ An…”


Giữa hai lần địch ném bom, vẫn nhận ra “ánh trăng trong trẻo như một lớp men vàng mỏng tráng lên mặt đường… Vượt lên trong mưa, giọng nữ đồng ca xen với những tiếng hát nam trầm ấm vọng tới bên chúng tôi:
                                      Đừng mong vào nơi đây
                                      Hỡi quân thù khốn kiếp…”   
                                           (Đêm yên tĩnh)
 

Những bạn viết của chị như Hoàng Thị Minh Khanh, Phan Thị Thanh Nhàn, Xuân Quỳnh, Nguyễn Thị Ngọc Tú đều có chung nhận xét về bạn văn của mình, đó là một mẫu người trong sáng và giản dị, trung thực và xông xáo nhưng cũng rất cứng cỏi và quyết đoán, không ngại khó ngại khổ, nhân hậu với cuộc đời.

Trong lá đơn tình nguyện vào Nam chiến đấu, chị viết: “...Nếu được vào Nam chiến đấu, tôi có thể dạy học, làm công tác Đoàn, làm báo, phụ trách thiếu nhi, v.v… Nếu phải hy sinh tính mạng, tôi sẵn sàng, không một mảy may tính toán. Tôi không sợ chết, chỉ sợ không xứng đáng để được chọn làm những nhiệm vụ vinh quang là hy sinh xương máu, hy sinh tính mạng cho sự nghiệp giải phóng miền Nam. Tôi không có một vương vấn, một vướng víu nào cả”.

Tháng 4 năm 1968, dù con mới 16 tháng tuổi, gửi cho mẹ nuôi dưỡng, chị vào chiến trường dữ dội nhất lúc bấy giờ, chiến trường Quảng Đà. Trong Nhật ký chiến trường, bắt đầu viết từ ngày 10-4-1968, chị ghi lại những gian khổ của đường Trường Sơn, nỗi nhớ con da diết của một người mẹ trẻ: “Nhớ Ly quá đỗi. Bất cứ lúc nào nhắc tới Ly là mình lại chảy nước mắt…”.

  Mãi mãi những dòng chị viết cho đứa con chưa đầy ba tuổi, với bao hy vọng, với bao gửi gắm, tràn đầy yêu thương… đã là một trong những trang đời tuyệt vời về tình mẹ con mà chị gửi lại mai sau. Rất có lý để Nguyên Ngọc viết: “Quý chết ở vùng sâu, lúc ấy anh em chúng tôi, đồng nghiệp, đồng chí của chị, đều ở xa. Không ai được nghe lời nói cuối cùng của chị khi ngã xuống. Riêng tôi, tôi cứ tin lời cuối cùng của chị là một tiếng gọi: - Con!...”.

Gần ba tháng ở các cung đường Trường Sơn, chị nếm trải tất cả những gian khổ của người lính. Nhật ký ngày 29-4-1968, lúc 6 giờ tối, Trường Sơn, trạm 20: “Hôm nay, mình đã qua một chặng đường ghê gớm nhất trong chiến trường A… Những dốc đá tai mèo lởm chởm hiện ra. Dốc đứng, hoàn toàn đạp trên đá […] Chặng đường mình đi bị chúng thả bom bi.

Bom bi rơi vào đúng trạm trú quân mình vừa ra khỏi và bom bi đánh vào đội hình đoàn bộ đội đi trước mình. Máu chảy đỏ lòm đường đi”. Ngày 16-5-1968: “Trên đường đi hái rau, ở chân đồi mình gặp một ngôi mộ mới của chiến sĩ ta… Anh không có bia ghi tên, tuổi, ngày hy sinh. Mộ chí của anh chỉ có hai bông hoa trắng”. Ngày 12-6-1968, trạm  67, Kông Tum: “Ruồi vàng ghê gớm quá. Chân mình sần lên những nốt đỏ. Đêm qua mình ngứa suốt cả bàn chân… Sáng nay thấy từ đầu gối trở xuống, bao nhiêu nốt đỏ mẩn lên như ghẻ”.

Ngày 14-6-1968, Xuân Quý về đến Quảng Nam, bắt đầu sống, chiến đấu và viết về chiến trường khốc liệt và dữ dội này. Tại đây, chị làm phóng viên Tạp chí Văn nghệ Giải phóng thuộc Ban Tuyên huấn Khu Năm. Nhà văn Nguyên Ngọc viết về chị: “Dương Thị Xuân Quý đến chiến trường vào đúng cái thời thật gay go, đen tối: sau Xuân Mậu Thân”. Vậy mà, những  nẻo đường của vùng biển như Bình Triều, Bình Dương của huyện Thăng Bình, rồi qua vùng giáp ranh Hội An mênh mông sông nước, lên Tí-Sé của Quế Sơn gùi gạo, họp giao ban văn nghệ, chị đều có mặt. Chị và cả Chu Cẩm Phong (Trần Tiến) đều:
“Xem chia ly như một sự hy sinh đẹp đẽ và hạnh phúc”

Trong thư gửi nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn, ngày 5-11-1968, chị ghi lại đoạn bói Kiều:    
                                          Vì ai ngăn đón gió đông
                                     Thiệt lòng khi ở, đau lòng khi đi
                                        Trùng phùng, dù họa, có khi
                                    Thân này thôi thế còn gì mà mong...

Mấy tháng sau, khi về vùng đông Duy Xuyên công tác, trong trận càn quét tàn bạo của lính Nam Triều Tiên, chị hy sinh, đúng 28 tuổi đời. Những trang văn của chị để lại không nhiều, cũng mỏng như đời chị. Song, điều chúng ta luôn nhớ đến chị, đó là tấm lòng nhân hậu, kiên trung của chị, của một thế hệ như chị, không tiếc máu xương, vì độc lập tự do cho dân tộc.

Bốn mươi năm đã trôi qua, thịt xương chị đã hòa vào đất mẹ xứ Quảng, nơi mà chị đã đến, sống và vĩnh viễn ở lại. Những nhân vật ngoài đời và trong văn mà chị hằng gặp và yêu thương, qua cuộc chiến tranh này, về đâu, ở đâu, hỡi những đóa “hoa rừng” của Dương Thị Xuân Quý!

Huỳnh Văn Hoa
__________________________
(1) Những đoạn trích trong bài viết rút từ Dương Thị Xuân Quý, Nhật ký-Tácphẩm, NXB Hội Nhà văn, 2007.

;
.
.
.
.
.