.

Mẹ Âu Cơ lên núi hay xuống biển?

.

Mẹ Âu Cơ lên núi hay xuống biển?

* Trong bài “Đứng trước biển” của tác giả Tương Lai trên Báo Đà Nẵng xuân Kỷ Sửu 2009 có đoạn:“Bởi thế mà cần nhớ lại truyền thuyết Lạc Long-Âu Cơ của thời kỳ dựng nước đã từng cân bằng tâm thế hướng núi và hướng biển qua hình ảnh 50 người con theo cha lên núi và 50 người theo mẹ xuống biển”. Về chuyện này, nhiều tài liệu đều ghi “50 con theo mẹ lên núi”. Xin cho biết, vậy chính xác là ai lên núi? (Dương Tấn Hưng, Trưởng đài Truyền thanh Hòa Phong và một số cán bộ hưu trí xã Hòa Phong, Hòa Vang, Đà Nẵng).

 Mẹ Âu cơ và cha Lạc Long Quân )( tranh: vi.vit)

- Rất nhiều tác giả cho là Mẹ Âu Cơ đem con lên núi. Như Phạm Văn Sơn trong “Việt sử Toàn thư” (NXB Thư Lâm Ấn Thư Quán, Sài Gòn, 1960, tr. 38) chẳng hạn: “Lạc Long Quân lấy Âu Cơ sinh ra một bọc có 100 trứng nở ra 100 con trai, nửa theo mẹ lên núi, nửa theo cha xuống bể Nam Hải, vì mẹ là giống Tiên, và cha là giống Rồng...”. 

Mẹ Âu Cơ và Cha Lạc Long Quân (tranh: Vi Vi). “Lĩnh Nam chích quái”, bộ sách sưu tầm các truyền thuyết đất Việt, cũng chép rất rõ ở ngay truyện đầu tiên: “Long Quân nói “... Ta đem năm mươi con về Thủy phủ chia trị các xứ, năm mươi con theo nàng về ở trên đất, chia nước mà trị. Lên núi, xuống bể, hữu sự báo cho nhau biết, đừng quên”. Trăm con vâng theo, sau đó từ biệt mà đi. Âu Cơ và năm mươi con lên ở đất Phong Châu suy phục lẫn nhau, cùng tôn người con cả lên làm vua, hiệu là Hùng Vương, lấy tên nước là Văn Lang...”.

“Công tử Bạc Liêu” và “Công tử Bột”

Khách sạn “Công tử Bạc Liêu” ở Bạc Liêu. (Ảnh: Wikipedia)

* Xuất xứ của hai thành ngữ “Công tử Bạc Liêu” và “Công tử Bột” có liên quan gì nhau không? (Nguyễn Văn Bảy, Hội An, Quảng Nam).

- “Công tử Bạc Liêu” là thành ngữ chỉ những kẻ ăn chơi bạt mạng, ăn sung mặc sướng, không phải làm lụng cực nhọc; xuất phát từ chuyện ăn chơi nổi tiếng ở Sài Gòn và miền Nam của một “công tử” con nhà giàu ở Bạc Liêu tên là Trần Trinh Huy (1900-1973), còn gọi là Ba Huy.

Tục truyền rằng người giàu nhất Bạc Liêu xưa là ông Hội đồng Trạch, toàn tỉnh bấy giờ có 13 lô ruộng thì hết 11 lô là của ông. Ông có 3 con trai và 4 con gái, trong số 3 người con trai của ông Trạch có cậu ba Trần Trinh Huy là ăn chơi phung phí hơn hết.

Có nhiều giai thoại quanh con người nổi tiếng này, như mỗi lần đi xem ruộng, cậu Ba Huy mướn máy bay nhẹ có phi công người Pháp chở; đi hóng gió thì dùng cả chục chiếc xe kéo, mỗi chiếc chở một món đồ của cậu như cái mũ, cây can...

“Công tử Bột” chỉ các chàng trắng trẻo, con nhà giàu nhưng vô tích sự, chỉ biết ăn chơi xa hoa, phù phiếm. Bài viết “Về xuất xứ của thành ngữ “Công tử bột” (Tạp chí “Ngôn ngữ và Đời sống” số 1+2, 2004, tr. 17-19) có đoạn:

“Chúng ta có thành ngữ Hán Việt “bạch diện thư sinh” (người học trò mặt trắng - ý nói người học trò non trẻ, ít kinh nghiệm trong cuộc sống). Ở Nam bộ cũng có cụm từ “Bạch công tử”, “Hắc công tử”. Con đường đi từ “bạch diện thư sinh”  đến “công tử bột” là gần lắm. Và ở đây, sự chuyển nghĩa ẩn dụ đã xuất hiện. “Bột” vừa có sự liên hội với nghĩa trắng mịn vừa có nghĩa như trong bột gạo, bột sắn, gà bột, phỗng bột...”.

Trong vở tuồng “Kim thạch kỳ duyên” của Thủ Khoa Nghĩa  (1807-1872) có bài hát “Thằng Bột”, mô tả một “công tử” có cha là tri phủ giàu sang, suốt ngày ăn chơi trác táng, mặt mày lúc nào cũng phờ phạc, trăng trắng như bột.

ĐNCT

;
.
.
.
.
.