.

Thầy thuốc qua câu đối xưa

.

Dân gian vùng Quảng Nam xưa từng lưu hành nhiều câu đối nói về cái nghề “cứu nhân độ thế” đầy vinh dự mà cũng lắm may rủi. Những câu đối được giới thiệu dưới đây do ông Dương Quốc Thạnh (nay đã qua đời), biệt hiệu Sơn Hồ, người làng Quá Giáng, xã Hòa Phước, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng sưu tầm và đọc cho người viết bài này chép lại.

Bảng hiệu trước nhà cổ Diệp Đồng Nguyên – một trong những tiệm thuốc Bắc đầu tiên ở Hội An xưa. (Ảnh minh họa của VTL).

Có một thầy đồ ở Hội An đã cho học trò lén dán trước cửa tiệm thuốc Bắc có tiếng nọ một vế xuất đối, trong đó ghép toàn thành ngữ để giễu cợt tài bốc thuốc của ông lang chủ tiệm như sau:

“Chủ có phước, thầy được may”, đâu phải “thầy hay thuốc giỏi”!

Ông thầy thuốc cũng chẳng phải tay vừa, liền viết ngay vế đối lại, dán bên cạnh: “Bệnh không thuyên, tiền trả lại”, khỏi lo “tiền mất tật còn”!

Vế xuất đối đã hay mà vế đối lại cũng thật xuất thần. Ông lang vừa khẳng định tài chẩn bệnh và phục dược của mình vừa đưa ra một lời cam kết với bệnh nhân. Đồn rằng, sau chuyện đối đáp trên, hai ông hay chữ này đã phục tài nhau và kết tình tri kỷ.

Một ông thầy thuốc ở Tam Kỳ, từng nhiều lần bị bệnh nhân quỵt tiền công lẫn tiền thuốc sau khi chữa cho họ lành bệnh, mới nghĩ ra đôi câu đối và cho dán trước cửa nhà mình. Vế xuất đối ngầm ý chê trách người đời: “Đau tiếc thân, lành tiếc của”: Thói ở bạc đã quen! Vế đối lại là tuyên bố rạch ròi nhằm phòng hờ chuyện “mất cả chì lẫn chài”: “Được lòng trước, mất lòng sau”: Ai có tiền thì hốt!

“Hốt” (thuốc) là tiếng miền Trung, như từ “bốc” (thuốc) miền Bắc, chỉ tổng quát chuyện chẩn bệnh, kê đơn và bán thuốc. Hóa ra đâu phải đến bây giờ các bác sĩ Tây y nhà ta mới vừa kê đơn vừa bán thuốc. Chuyện ấy đã có từ xửa từ xưa ở nước ta rồi!

Các thầy thuốc xưa đã biết cách “tự giới thiệu” với bàn dân thiên hạ bằng những bài hò vè, câu đối dễ thuộc, dễ nhớ (đâu phải ngày nay mới có). Một thầy lang ở huyện Điện Bàn thông báo nguyên tắc chữa bệnh của mình ra trước cửa: Chẩn bệnh khách, khách mô cũng khách/ Lấy tiền ai, ai cũng như ai. Thầy khẳng định rằng, mọi người đều bình đẳng trước... thầy thuốc. Từ quan chí dân, từ sang đến hèn, hễ đến với thầy là đều được chăm sóc như nhau.

Một thầy thuốc khác khoa trương tài nghệ của mình bằng câu đối: Sanh thục dược tài do ngã thủ/ Cao đơn hoàn tán tại ngô môn. Ý bảo, tự tay mình bào chế các loại thuốc sống chín gì cũng đủ cả, cửa hàng thì có đầy các dạng thuốc được tẩm sao và đóng gói từ cao đến viên, từ hoàn đến tán. Đồng thời thầy tự tin khẳng định nguyên tắc “kê đơn bán thuốc” của mình: Lên xuống rạch ròi không áp giá/ Bán mua liều lượng có kê đơn.

Thật là một kiểu “tự đánh bóng mình” không chê vào đâu được. Có điều, chẳng rõ sau khi đọc các câu đối ấy, bệnh nhân xứ Quảng xưa có thật mặn mà với thầy hay cũng như người thời nay, luôn “trừ bì” trước các lời quảng cáo ngon ngọt?

Giỏi Hán văn, thông y lý, các thầy thuốc xưa đã để lại nhiều câu đối hay về nghề “cứu nhân độ thế”. Song hành với đó, dân gian cũng đóng góp nhiều câu đối làm phong phú cho những buổi trà dư tửu hậu.

Một ông nọ lớn tuổi lắm mới có được một mụn con trai. Nào ngờ, bạo bệnh đã cướp mạng trẻ thơ khiến nhìn thấy cảnh ông lão gục bên mộ khóc con, ai cũng thương cảm. Câu đối mang tên các vị thuốc “địa cốt bì”, “bán hạ”, “thiên môn”, “thương nhĩ tử”, “ bạch đầu ông”… vừa thương cho đứa bé xấu số, vừa ái ngại cho ông lão đầu tóc bạc phơ trơ trọi trong nhà không ai phụng dưỡng: Địa cốt khởi trường mai, bán hạ khả liên thương nhĩ tử!/ Thiên môn nan khiếu tố, đường trung thùy phụng bạch đầu ông? Tạm dịch: Cốt đất táng dài lâu, giữa hạ khá thương thân trẻ thảm! Cửa trời khôn khiếu kiện, trong nhà ai dưỡng kẻ già nua?

Biết bao giai thoại đã được dựng lên từ cái nghề Đông y cao quý mà cũng đầy may rủi ấy! Nói may rủi, bởi người xưa đã từng đúc kết: Vận khứ, hoài sơn năng trí tử/ Thời lai, thanh thủy khả thôi sinh. Lúc (thầy thuốc) đến vận đen, chỉ phục một vị thuốc bổ như hoài sơn, tưởng chừng vô hại mà có thể làm cho con bệnh mạng vong; khi (thầy thuốc) gặp thời, một chén nước trong cũng có thể khiến người thập tử nhất sinh sống lại.

Nhưng khốn nỗi, túi tiền của bệnh nhân thì “ai chẳng giống ai”; vì thế mới nảy ra bao chuyện châm biếm về chuyện thầy thuốc phân biệt người bệnh sang hèn. Và do đó, những câu đối vui về thầy thuốc và thuốc như trên xem chừng sẽ còn được người bình dân làm ra dài dài để cảnh tỉnh những “lương y bất như từ mẫu”.

PHÚ BÌNH 

;
.
.
.
.
.