.

Dang tay ôm biển

.

- Sao về trễ vậy anh?

Uyên kéo rộng cửa, ánh sáng bên trong hắt ra khoảng sân có vũng nước đọng kề chậu cây phát tài. Thạch im lặng đưa xe vào thì Uyên lại nói “Anh Nguyên vừa điện thoại cho anh đó, thôi em đi ngủ trước đây. À, nhớ gọi lại cho Nguyên”.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Thạch vừa cởi áo mưa vừa ậm ừ trong miệng. Cái thằng, hôm qua ngồi tán gẫu với nó nơi kè Bạch Đằng lúc mưa tuôn ồ ạt. Hai thằng nhìn mưa đang trôi trên sông thấy buồn nên gọi vài đứa đến góp chuyện thời xa lắc lư. Vậy mà còn nhớ gì mà gọi nữa, hay buồn chuyện vợ con... Điện thoại réo, Thạch đến nhấc máy.

- Mày đó hả? – Tiếng Nguyên như hụt hơi.

- Ừ. – Thạch dấm dẳng.

- Sao khóa di động để tạo gọi mãi?

- Đâu phải vì mày; sau giờ làm việc là thời gian riêng của tao. – Thạch cười.

- Thằng Hải tiêu rồi Thạch ạ! Chiều qua lúc bọn mình ngồi dưới kè thì nó lên ghe để xuống dầu, vào lưới, chuẩn bị lên đường. Khuya lũ về đột ngột, bè rác lớn trên nguồn tấp vào kéo phăng ghe nó đi, Hải bám theo thì lật phía cửa biển.

Thạch tê điếng. Hèn gì hôm qua gọi Hải thì nó từ chối, hèn gì lúc cả bọn đứng lên giải tán mới biết nước sông dâng cao tràn cả mặt kè nên vội bì bõm dắt xe chạy về, hèn gì khi ngủ đến sáng bảnh mới biết đêm qua xả lũ thủy điện nước ngập trắng dòng sông rồi đổ vào thành phố.

- A lô... Mày còn nghe máy không... xuống biển nghe... – Tiếng Nguyên ngắt quãng.

Biển đêm lạnh buốt, gió quăng quật cùng những hạt mưa hất tạt khiến mọi người cứ cui cúi dù đi hay đứng. Một lều bạt dựng tạm le lói ánh sáng khi Thạch nhìn quanh, nhận ra Nguyên, Trang, Quỳ, Khải đang ngồi túm tụm co ro trên cát mà ngóng mắt ra biển; nơi những chiếc sõng đang soi đèn, buông dây ra kiếm. Thạch lẳng lặng đến bên.

- Xác định điểm trôi rồi hả Nguyên? – Câu hỏi thừa nhưng Thạch vẫn hỏi.

- Nước lớn chắc đưa Hải đi xa.

- Tụi mày vào trong lều kẻo lạnh.

Thạch nhìn thấy dưới ánh đèn bão, mặt mỗi đứa đều thảng thốt lẫn ngơ ngác. Anh quay lưng ra bãi cát áp thềm biển nơi những con sóng đang cuộn tràn có mẹ Hải, u Tám và đứa em của nó cùng những bạn chài. Thạch biết, họ đã cạn nước mắt khi nghe tin dữ, sau sẽ là sự mỏi mòn ngóng đợi phía ngoài kia, nơi biển mênh mông gầm gào sóng vỗ, nơi ấy có Hải đang trong tư thế cuối cùng là dang tay chới với ôm biển rồi buông trôi theo từng con sóng ngầm cuồn cuộn của dòng hải lưu. Thạch thở hắt quay vào, phía trước là những mô cát trải dài, là hàng dương đen sẫm quạnh hiu không như mỗi sáng biển dạt dào sóng vỗ dịu dàng ánh sáng ban mai.

Thạch sẽ sàng ngồi sát nhóm bạn cũ, chúng vẫn im lặng cúi đầu mặc gió rú rít len lỏi vào người đến tê buốt. Cũng đúng, vì mới đây thôi, đứa gặp Hải lâu nhất cũng chỉ năm ngày, có đứa còn đọng bên tai câu đùa tếu táo của Hải, vậy mà... vậy mà hai ba tháng mười âm lịch đã qua, làm gì còn bão lũ, biển im sóng lặng để nó ra khơi kiếm vài chuyến về đón Tết. Thạch nghèn nghẹn quay mặt nơi khác, vừa lúc Nguyên chìa điếu thuốc đốt sẵn cho anh, khẽ nói trong gió rít:

- Tao đã điện cho Ngân, nó lên tàu tối nay.

Thạch rùng mình khi nghe Nguyên nói. Anh nuốt sâu hơi thuốc, cảm nhận môi mình khô se, đắng chát nơi cổ.

Khuya lắm mà trời không ánh sao, chỉ còn hai chiếc sõng rọi đèn đi chéo góc. Kéo vội cổ áo tránh gió, Thạch rời gia đình Hải đi lại chỗ bọn Nguyên đang đứng sát mé nước.

- Nguyên đưa Trang về kẻo bệnh, cả bọn mày nữa. Trang nín đi, sụt sịt mãi phát rầu, đi đi...

Cả bọn đi nửa chừng thì Nguyên quay lại:

- Này Thạch, mày... mày đừng khóa máy nghe!

Thạch không cười, quay đi và gật. Lúc này anh lại nhìn biển, nhìn mãi rồi dang tay thầm gọi Hải. Trong mênh mông cô quạnh này, hình ảnh Hải cứ hiện lên, rõ dần dù năm năm, mười năm đi qua. Thạch gục đầu trên cát, nghe môi mình có vị mặn của biển, anh bật khóc.

Trong thư, Ngân bảo “Lớp trưởng Thạch có đi đâu thì đi nhưng đừng quên làng biển nghe, xa lắc lư mà Ngân vẫn nhớ, sẽ quay về bên mọi người, bên Hải...”. Cái làng biển của Hải nằm trên rẻo đất nhỏ cuối dòng sông, bên cửa biển quanh năm sóng vô chập chùng. Lúc tập trung ngày đầu vào lớp của cấp ba, cả bọn nhìn Hải cứ cười rũ, nó cái gì cũng to từ tay chân đầu mình, tóc rễ tre dựng ngược, giọng nói ồm ồm ngọng ngọng xứ biển nhưng thời gian sau mới phát hiện nó là người đẹp nhất với thân hình tráng kiện, da nâu bóng, tóc thẳng húi cua, mắt nâu sáng bóng và nhất là có nó, đó đứa nào dám ăn hiếp. Nhà Hải trong một con đường đá sỏi, quanh co từng ngõ nhỏ sau con phố chính. Mỗi lần mưa lâm thâm làm trơn nhẫy những viên đá cội, lấp lánh dưới vành xe đạp là bao lần Hải chở Ngân dẫn đầu nhóm để đến nhà nó. Những bức tường đá ong, đá san hô bao bọc chia ô từng căn nhà bám đầy rong rêu với những thân dừa mọc thẳng. Cũng ba lần cả bọn đến nhà Hải được má Hải và u Tám dọn cá ồ luộc cuốn bánh tráng chấm mắm nhĩ và cũng bao lần Ngân ngồi sau xe của Hải mà nhấm nhẳng “Ông nhìn kỹ chút, sao cứ nhằm đá mà phang vào!”. Hải phì phò thở “Tại con đường chứ, tui thà...”. “Thà gì?”. “Đi bộ cho đẹp đôi!”, hình như sau cây ấy, thằng Hải bị cái gì đau lắm bên hông. Rồi cũng đến nhà Hải, cũng luôn gặp u Tám. Ngân phán “Ông mà cũng có u à?”. Hải cười “Chẳng lẽ có u chứ không được có... vú như nhà Ngân sao?”, thêm một cú ngang hông, nó đau lắm.

Nhà Ngân trên phố, con một chủ tiệm vàng. Vậy mà nó luôn kè kè bên nhóm Thạch, cũng mũ bê rê đen, quần jean bám bụi, cũng ngồi nơi quán cóc vỉa hè, không chơi với nhóm khác luôn xe đưa đón đến trường, cũng nghịch ngầm lang thang khắp chốn. Nhà Hải lại nghèo, cha chết trận năm 1972, nó thành trụ cọt gia đình khi lên 10 tuổi cũng như sau này, ước mơ được học tiếp sẽ xa vời vợi. Có lần, Ngân ôm cả bọc trái cây đến lớp để ngày sau, thầy chủ nhiệm vào giờ sinh hoạt đập bàn ầm ầm vì xảy ra việc ngăn bàn giáo viên chứa đầy vỏ ổi, xoài, cốc khiến giáo viên buổi sáng kinh hoàng. Mà cô giáo ấy là người yêu vĩ đại của thầy chủ nhiệm đang nghiến răng trợn mắt trên bục giảng. Thạch lạnh toát mồ hôi trộm và thầm rủa Ngân chơi trò tai quái. “Lớp trưởng đâu!”, Thạch riu ríu đứng lên, “Em biết ai rồi chứ?”. Đang luống cuống thì Hải đã vụt giơ tay “Em, chính em!”. Lần ấy, Ngân nhìn Hải với ánh mắt khác lạ khi nó đứng úp mặt vào tường, tay bê gói rác. Có nhiều kỷ niệm, nhất là Thạch luôn nhân danh lớp trưởng để được đến nhà Ngân xin phép gia đình rồi kéo nhau xuống làng biển của Hải lấy lý do họp nhóm để tắm biển, rượt còng, hôi cá mang về nấu cháo.
 
Một lần, chờ Hải mãi, u Tám cũng sốt ruột liền chỉ ra doi cát. Thạch đi sang nơi ấy thì Ngân theo phía sau, mãi đến lúc gần đến đám người đang kéo lưới thì trông thấy Hải. Thạch im lặng nhìn lúc Ngân bắc loa tay gọi lớn. Hải buông dây cười trong nắng chiều và đi đến, bóng Hải to cao vạm vỡ, cát lẫn mồ hôi dính bết đầy người và lần đầu tiên, Thạch thấy Ngân dùng khăn lau trên trán Hải. Cả hai, một lừng lững như bức tượng đồng trước biển, một nhỏ nhắn thon mềm đầy dịu dàng, mái tóc xõa tung quấn hai người. Ngày sau, ngồi bên Thạch, Hải hỏi “Sao lúc thấy tao và Ngân, mặt mày hơi ngớ ngẩn”. Thạch cười “Giống một hình ảnh tao không quên được và mày cũng biết, Vọi – Hiền trong Trống Mái, nhớ không?”. Hải nhăn mặt gật gù khi Thạch tiếp lời “Nhưng tao không hề nghĩ kết cục là sự chia ly ấy”.

Ngân là người lên đường đi học trước nhất. Sân ga tỉnh lẻ luôn đón và đưa từng chuyến tàu vào mỗi hoàng hôn. Hải cố cười nhưng miệng méo xệch rồi lẩn trong đám bạn có gia đình Ngân. Mãi đến khi tàu hú còi, Thạch kéo Hải đến sát cửa sổ lúc Ngân vẫy tay, tàu dần chuyển bánh chầm chậm, tiếng Ngân ngắt quảng cùng Hải “Em yêu anh Hải ơi!”. Thạch quay lưng khi Hải chạy theo toa tàu mà kêu lớn “Anh cũng vậy, yêu em...”. Và lần lượt mỗi đứa lên đường, cuối cùng là Thạch. Hải chia tay từng đứa và Thạch thấy đau nhói khi còn lại bóng Hải đứng chơ vơ trên sân ga hoàng hôn, đứng mãi cho đến khi tàu vào khúc quanh hú còi khuất hẳn.

Mỗi Tết và hè cả bọn trở về bên Hải và tất cả đều dành cho Hải như bù lại những gì Hải thiệt thòi, nhất là Ngân. Rồi lúc lên đường, Thạch không cho Hải tiễn nhưng nó lại đứng phía doi cát cuối dòng sông mà nhìn theo, nhìn mãi, bóng Hải lại càng lẻ loi nơi vùng mênh mông sông nước. Sau những năm tháng của thời bao cấp, bọn Thạch đi học lại càng khó khăn hơn, tất cả đều phải nhờ gia đình. Lúc ấy, Hải gần như là vị cứu tinh cho cả bọn học phía Nam, phía Bắc. Dù gì, cân cá, lít mắm, ký đường Hải đều đặn lo chu toàn. Có đận, nó vào thăm, bảo Thạch “Tụi mày đừng nghĩ gì cả, tao có gì giúp nấy, nhận là tao vui bởi vẫn còn chúng mày bên cạnh”.

Ngân học tiếp cao học ngành chế biến thủy sản lúc bọn Thạch lần lượt trở về quê nhà; cái tin Ngân lấy chồng làm cả bọn nín lặng và không đứa nào vào Sài Gòn dự đám cưới của Ngân, bởi không đứa nào nhận được thiệp mời hay giấy báo hỷ. Cả tuần liền, Thạch ở bên Hải, nó vẫn im lặng, thỉnh thoảng lại bật cười nhìn ra mặt biển. Mày mà lúc ấy, Hải đang đóng dở chiếc ghe nên tất bật công việc và cả dự định mở rộng vườn dừa để làm trại chế biến nước mắm nên đi tối ngày. Hai tháng sau, tin Ngân ly dị chồng vì không sang Mỹ định cư mà đang dự định trở về quê nhà làm cả bọn một phen ngơ ngác, chẳng hiểu ất giáp chi mô răng rứa cả, hỏi Hải nó vẫn cười cười.

Thạch cáu, quát “Tao muốn dang tay, ngã lăn ra biển mà gào vì không hiểu nổi hai đứa mày!”. Hải bảo “Có thể chúng mày đi con đường ngắn nhất để đến hạnh phúc, còn tao lại phải đi theo vòng cung biển cho con thuyền cập bến”. Vậy mà bây giờ con thuyền đã gần đến đích thì Hải ra đi. Thạch nhìn ra biển, mưa vẫn rây rây rắc hạt, không một vì sao trên bầu trời, không một ánh đèn của thuyền đánh cá ngoài khơi, không một bóng dã tràng lao xao trên cát, chỉ có sóng cuồn cuộn xô bờ.

Hôm sau, biển trả lại Hải cách không xa khu vực Thạch ngồi, Hải đã trở về nơi doi cát ngày trước mà Ngân thường ra biển đón Hải kéo lưới hay những đêm trăng sáng cả bọn tụ tập hát hò, nơi đọng lại hình ảnh của Hải với Ngân cùng câu nói của Thạch “Giống Vọi - Hiền trong Trống Mái”, nhân vật trong tiểu thuyết một thời của Khái Hưng mà cả bọn chuyền tay nhau đọc và Thạch cũng có dịp ra tận Sầm Sơn, nơi có hòn Trống Mái vào ngày biển động, cụm đá nhấp nhô trong làn nước biển đập trắng bờ với mối tình của anh chàng làng chài và cô gái thị thành mà nhớ Hải lẫn Ngân, mong sao chúng sẽ gặp nhau trong hạnh phúc.

Ngân cũng về chuyến xe sáng, cứ tưởng Ngân sẽ vật vã kêu gào bên Hải. Nhưng không, khuôn mặt vô hồn, đôi mắt ráo hoảnh, môi tím tái mấp máy, tay bíu lấy vạt áo đứng bên căn lều dựng tạm mà nhìn ra biển. Kéo Ngân ra xa chỗ Hải, xa tiếng cầu siêu, đến sát mé nước, Thạch ôm Ngân siết nhẹ “Khóc đi Ngân, khóc cho nhẹ lòng”. Ngân lắc đầu, rên nhỏ “Vậy là sao hở Thạch, ước mơ của em và hải chẳng lẽ theo sóng nước hết rồi, em yêu Hải, yêu vô cùng, yêu vùng biển của tụi mình...”. Thạch thở dài, quay nhìn ra xa, một màn hơi nước bủa quanh che phủ cảnh vật và cảm nhận Ngân đang run rẩy từng đợt.

Ba ngày sau, từ ô cửa phòng làm việc, Thạch nhìn ra biển. Nơi xa kia phía doi cát nhỏ, có bóng một người phụ nữ đang dang tay chới với ôm biển khi biển còn động dài ngày.

Truyện ngắn của Huỳnh Thạch Thảo

;
.
.
.
.
.