Về Khởi nghĩa Duy Tân, tất cả các sử liệu đều cho rằng, việc hành hình đối với các chí sĩ yêu nước Thái Phiên, Trần Cao Vân, Tôn Thất Đề, Nguyễn Quang Siêu diễn ra vào sáng ngày 17-5-1916. Thế nhưng, các tư liệu từ các báo xưa đã hé lộ một thông tin khác.
Tờ Trung Bắc Tân Văn số 136 đăng tin “Việc loạn Trung Kỳ”. (Ảnh tư liệu). |
Gần đây, tác giả bài viết này có điều kiện tìm thấy một số sử liệu được viết ngay trong những ngày diễn ra cuộc khởi nghĩa và thuật rõ lại về vụ xử án đối với các chí sĩ. Tờ Trung Bắc Tân Văn số 136 ra ngày 27-5-1916, đăng một tin ngắn dưới đầu đề “Việc loạn Trung Kỳ”: “Hồi 4 giờ rưỡi chiều 16 Mai (tức tháng Năm - NV), bốn người mưu việc khởi loạn Trung Kỳ, đã phải xử tử tại đường Quảng Trị, cách ga An Hòa 100 thước. Một người tên là Trần Cao Văn (có lẽ báo ghi nhầm Vân thành Văn – ĐNCT) và một người là Thái Phiên, cùng ở Quảng Nam cả. Còn hai người nữa là thị vệ hầu vua”.
Tờ Lục Tỉnh Tân Văn, mãi đến số 431, ra ngày 8-6-1916, mới đăng ở trang 3 nguyên văn bản tin đã đưa trên tờ Trung Bắc Tân Văn số 136 nói trên, còn trang nhất thì đăng bài tường thuật về Lễ đăng quang của vua Khải Định.
Khác với cách đưa tin với thái độ tương đối khách quan và có phần tỏ thái độ tôn kính, cảm phục đối với vua Duy Tân và các chí sĩ yêu nước của 2 tờ Trung Bắc Tân Văn và Lục Tỉnh Tân Văn, tờ Nông Cổ Mín Đàm mãi đến ngày 8-6-1916 mới đề cập đến sự kiện này với một bài tường thuật dài bằng một giọng văn xa lạ và nhiều ngôn từ không mấy thiện cảm với các nhà cách mạng:
“Khi Duy Tân ra khỏi đền mà đào tẩu, thì phủ Phụ chánh, các quan Đình-Thần và cả trong Tông-Nhơn ai nấy đều một ý, không muốn cho Duy Tân nhập đền lại nên tính tôn ông Hoàng-Bửu-Đạo lên ngôi kế vị mà thôi. Đã có điển tín qua chánh phủ Pháp quốc mà xin, thì chánh phủ nhậm lời, châu phê y theo, điển tín gởi lại tại Huế ngày 15 Mai (tức 15 tháng 5, chúng tôi nhấn mạnh - ĐNCT) ban mai.
(…)
Cũng nội hồi đó, quan Khâm-sứ tâu rằng Duy Tân đã bị phế, nay mọi sự tử tế đều lo cho ngài đó, còn việc công minh đã xem xét rồi cho ông Hoàng-Vĩnh-San (Duy Tân). Bọn làm đầu ngụy bốn đứa mới làm án trảm huyết tức khắc, đến mai, qua 4 giờ rưỡi chiều (chúng tôi nhấn mạnh – ĐNCT) sẽ dẫn đến pháp trường lệ, cách 100 thước gần ga xe lửa An Hòa đường ra Quảng Trị mà xử trảm...”.
Tiếp theo, bài báo miêu tả một cách ghê rợn về sự hành hình đối với các chí sĩ: “Đến 4 giờ rưỡi chiều, 4 cái đầu đã rớt xuống, song le cái đầu tên thầy pháp phải chém 6 lần; mặt trời rọi xuống ngó ghê gớm, hễ gươm chém xuống rồi lại dội lại làm như vậy ai nấy đều day mặt chỗ khác không dám ngó. Ấy là lời thầy pháp đã tiên tri trước như vậy đó. Mấy đứa xử tử không có phiền trách than van chi hết. Chỉ có thầy pháp khi lâm chung có tụng kinh lớn...”.
Tiếng tụng kinh lớn của “thầy pháp” Trần Cao Vân mà bài báo nhắc đến, thực ra, theo những gì mà tác giả bài viết này được nghe chính con cháu cụ Trần kể lại, thì trước lúc lâm chung, cụ đã ung dung đọc bài thơ tuyệt mệnh, mà ngày nay con cháu đã khắc lên bia kỷ niệm ở làng Tư Phú quê nhà. Bài đó như sau:
“Trung lập càn khôn bất ỷ thiên/ Việt Nam văn vật cổ lai truyền/ Quân dân cộng chủ tinh thần hội/ Thần tử tôn chu nhật nguyệt huyền/ Bách Việt sơn hà vô Bạch Xỉ/ Nhất xoang trung nghĩa hữu thanh thiên/ Anh hùng để cuộc hưu thành bại/ Công luận thiên thu phó sử biên”.
Dịch thơ: “Trung dung đứng giữa đất trời/ Việt Nam văn vật muôn đời sử xanh/ Quân dân cộng chủ phân minh/ Tôn Châu nghĩa cả đấu tranh không ngừng/ Non sông quyết rửa bụi trần/ Một bầu trung nghĩa ngút tầng mây xanh/ Anh hùng chi sá bại thành/ Nghìn năm công luận phẩm bình về sau”.
Còn tác giả Trần Trúc Tâm khi viết về giây phút cuối cùng của cụ cố mình đã cho biết, đó chính là lúc cụ dõng dạc đọc bài thơ tuyệt mệnh: “Trời chung không đội với thù Tây/ Quyết trả ơn vua, nợ nước nầy/ Một mối ba giềng xin giữ chặt/ Thân dù thác xuống rạng đài mây”.
Tuy nhiên, cái chính của bài viết này không phải tìm hiểu xem “thầy pháp” họ Trần đọc thơ tuyệt mệnh hay tụng kinh (như báo xưa đã viết), mà trưng ra một bằng chứng lịch sử rằng, thời khắc hai chí sĩ Trần Cao Vân và Thái Phiên bị chém là 4 giờ rưỡi chiều ngày 16 tháng 5 năm 1916 như báo chí ngày đó đưa tin.
Nguyễn Trương Đàn