.

Đình làng Phong Lệ Bắc kêu cứu

.
Đình làng Phong Lệ Bắc tọa lạc tại tổ dân phố 12, phường Hòa Thọ Tây, quận Cẩm Lệ, được xây dựng theo kiểu kiến trúc nhà rường cổ Việt Nam với 3 gian, 2 chái, nền bằng đất (nay đã tráng xi-măng). Đình có chiều rộng 7,96m, chiều dài 7,53m, tường 0,2m; có 4 hàng cột, mỗi hàng có 5 cột.
 
Mô tả ảnh.
Ông Ngô Văn Minh, Phó Ban đại diện làng Phong Lệ Bắc đang lo sợ đình có chịu nổi qua mùa mưa bão này nữa hay không.
Cột cái 3,5m, đường kính 0,17m; cột quân cao 2,75m, đường kính 0,15m; cột hiên cao 2,15m, đường kính 0,13m. Mái đình lợp ngói âm dương. Trên bờ nóc trang trí hình “lưỡng long tranh nguyệt” rất tinh xảo. Bốn đầu bờ dài trang trí tứ linh: Long, Lân, Quy, Phụng. Theo các nhà khoa học, đình được xây dựng năm 1855, đến nay đã hơn 150 tuổi.

Trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, cứu nước, nơi đây đã ghi dấu bao sự kiện lịch sử, minh chứng cho sự đấu tranh kiên cường, hào hùng của cán bộ và nhân dân địa phương. Do đình Phong Lệ Bắc cây cối rất rậm rạp, xa khu dân cư, lực lượng cách mạng địa phương chọn nơi đây để hội họp tuyên truyền vận động xây dựng lực lượng. Qua đó, đã hình thành nên các tổ chức cách mạng, thu hút được nhiều người tham gia trong các tổ chức Việt Minh. Đầu tháng 8-1945, các thành viên cốt cán họp tại đây để bàn việc cướp chính quyền trên địa bàn.Và ngày 17-8-1945, nhân dân thôn Phong Bắc, Yến Bắc, Cẩm Hoài đã tề tựu đông đủ tại đình để tham gia đi cướp chính quyền… Suốt thời gian dài, đình Phong Lệ Bắc còn là nơi bí mật tổ chức các cuộc họp quan trọng và là nơi học tập, xây dựng các tổ chức như Phụ nữ cứu nước, tổ chức và huấn luyện dân quân.

Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, khu vực đình làng Phong Lệ Bắc là nơi giao tiếp, liên lạc giữa cán bộ nằm vùng với cơ sở nòng cốt trung kiên của cách mạng trong giai đoạn tố cộng, diệt cộng của Mỹ-Diệm năm 1959.

Di tích lịch sử-văn hóa đình làng Phong Lệ Bắc nằm trong quần thể di tích của phường Hòa Thọ Tây, bao gồm: Bia di tích lịch sử Đảng bộ xã Hòa Thọ; Lăng mộ Ông Ích Khiêm, di tích lịch sử-văn hóa cấp quốc gia; Lăng mộ Ông Ích Đường, di tích lịch sử cấp thành phố. Nếu được trùng tu, tôn tạo sớm, di tích lịch sử-văn hóa đình làng Phong Lệ Bắc sẽ góp phần tạo nên điểm nhấn quan trọng để thu hút khách du lịch về nguồn.
Với những giá trị về lịch sử và văn hóa quan trọng đó, UBND thành phố Đà Nẵng đã xếp hạng đình Phong Lệ Bắc là di tích cấp thành phố. Trải qua bao biến cố thăng trầm của lịch sử, sự tác động của nắng mưa, đình Phong Lệ Bắc đến nay đã xuống cấp nghiêm trọng và có nguy cơ sụp đổ bất cứ lúc nào. Hiện đã có nhiều vết nứt lớn ở tường, mái ngói trước đã tụt mất một khoảng lớn và cứ rơi dần sau mỗi trận mưa.

Theo nghi thức truyền thống, hằng năm, vào các ngày 1-1, 16-3, 23-6, 15-12 âm lịch, nhân dân trong làng sẽ tề tựu về đây tổ chức các nghi lễ cầu cho Quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa và dâng hương hoa để tưởng nhớ công đức tổ tiên, ông bà đã có công khai hoang, lập ấp. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, do đình xuống cấp nghiêm trọng nên các nghi lễ cổ truyền trên không còn được duy trì.

Ông Ngô Văn Minh, Phó Ban đại diện làng Phong Lệ Bắc cho biết, nhân dân trong làng và Hội đồng các chư phái tộc nơi đây rất mong muốn sửa chữa đình làng, nhưng vẫn chưa huy động được kinh phí. “Chúng tôi rất muốn được chung tay cùng thành phố để trùng tu, tôn tạo lại ngôi đình, để ngôi đình hơn 150 tuổi này giữ được vẻ tôn nghiêm, trầm uy của nó. Đồng thời giáo dục cho lớp trẻ hiểu và biết giữ gìn truyền thống quê hương bền lâu” - ông Minh nhấn mạnh.

Bài và ảnh: VĂN NỞ
;
.
.
.
.
.