.

Sân khấu kịch Đà Nẵng: Bao giờ đèn lại sáng?

.

Không sôi nổi như hai thành phố lớn Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, tại Đà Nẵng, thi thoảng mới có các đoàn kịch nói trên cả nước về biểu diễn, nhưng cũng đã hâm nóng lại sự hâm mộ, lòng đam mê và niềm hứng khởi của khán giả Đà Nẵng đối với bộ môn sân khấu nghệ thuật này. Điều đó đã đặt ra cho những người có trách nhiệm về bộ môn này ở Đà Nẵng một câu hỏi lớn: Kịch Đà Nẵng, bao giờ đèn lại sáng?

Mô tả ảnh.
Đoàn kịch nói Công an Nhân dân biểu diễn tại Nhà hát Trưng Vương.

Đã một thời Đà Nẵng được xem là bến đỗ của các đơn vị sân khấu, người Đà Nẵng được xem là những khán giả hâm mộ và am hiểu kịch nói. Trong chương trình phát triển văn hóa, văn học-nghệ thuật giai đoạn 2005-2010 thành phố có đề ra “Sớm có kế hoạch phát triển bộ môn kịch nói”. Tuy nhiên, đến bây giờ đã 5 năm trôi qua, sự chờ đợi của những người yêu thích bộ môn nghệ thuật này vẫn hoài trăn trở: Thời hoàng kim của sân khấu trên đất Đà Nẵng đã qua và không biết bao giờ Đà Nẵng có lại đơn vị nghệ thuật kịch nói?

Sân khấu kịch đã mang đến cho người xem nhiều suy tư xen lẫn tiếng cười sảng khoái và những giọt nước mắt đồng cảm, bao sự đồng điệu với cái tốt, tức giận với cái xấu để nâng tầm nhận thức. Ít có loại hình nghệ thuật nào có thế mạnh trong phản ánh hiện thực đời sống lại dễ đến với quần chúng như kịch. Thế nhưng, trong nhiều năm qua, thực trạng kịch Đà Nẵng đã vắng bóng, đội ngũ những người viết kịch bản đang rơi vào khủng hoảng; diễn viên vẫn còn đó nhưng bỏ nghề đã khá lâu nên mai một dần, số diễn viên mới không có sân chơi để khẳng định mình và rất khó có thể tìm ra những đạo diễn được đào tạo bài bản, một nhà thiết kế mỹ thuật sân khấu có tay nghề cao. Diễn viên không có đạo diễn, đạo diễn không có kịch bản hay, đội ngũ viết kịch bản thì rơi vào khủng hoảng bởi viết ra ai sẽ dựng và ai sẽ diễn?... Cái vòng luẩn quẩn đó đã làm cho sân khấu kịch Đà Nẵng tàn lụi dần theo năm tháng.

Thành phố Đà Nẵng đang từng bước thực hiện công tác xã hội hóa các hoạt động văn hóa. Tuy nhiên, sân khấu là một ngành nghệ thuật tổng hợp, cần phải có một nền móng vững chắc, đồng thời cần sự chuyên nghiệp cao, trong khi hiện tại chúng ta chưa có điều đó thì làm sao “sánh vai” cùng hai đầu đất nước? Tuy khó khăn là vậy nhưng không thể để sân khấu kịch ở Đà Nẵng tàn lụi ánh đèn! Vẫn chưa muộn nếu những người làm văn hóa thật sự có tâm huyết và bắt tay xây dựng lại bộ môn nghệ thuật này ngay từ bây giờ. Mặt khác, sân khấu kịch Đà Nẵng cũng đang rất cần sự quan tâm, động viên bằng cả tinh thần và vật chất của lãnh đạo các cấp để sân khấu kịch đêm đêm đèn lại sáng.

Bài và ảnh: VĂN NỞ

;
.
.
.
.
.