.

Nơi gặp gỡ của những nền văn hóa

.

Chào mừng Cuộc thi bắn pháo hoa quốc tế Đà Nẵng 2011, hôm qua (25-4), tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng đã khai mạc trưng bày “Đền tháp Chămpa - Bí ẩn xây dựng” và Bộ sưu tập cổ vật của nhà sưu tập Lâm Dũ Xênh...

Mô tả ảnh.
Các đại biểu xem phòng trưng bày.

 

Khám phá “Đền tháp Chămpa - Bí ẩn xây dựng”...

Trong kho tàng di sản kiến trúc của dân tộc, nghệ thuật kiến trúc Chămpa có vị trí đặc biệt quan trọng. Gần 900 năm từ cuối thế kỷ thứ VII đến nửa đầu thế kỷ XVII, bằng sự lao động không mệt mỏi và tài năng sáng tạo tuyệt vời, người Chăm đã xây dựng nên một nền kiến trúc độc đáo với hàng trăm đền tháp, trải dài suốt từ miền Trung đến vùng đất phía Nam của Tổ quốc.
Trải qua bao thăng trầm của lịch sử và thiên tai khắc nghiệt, đến nay số lượng đền - tháp Chămpa còn lại không nhiều, lại trong tình trạng hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng, nhưng đó là những di sản kiến trúc vô giá không chỉ của quốc gia, mà còn của nhân loại, là nhân chứng về một nền văn hóa Chămpa cổ rực rỡ, rất cần được giữ gìn, tôn tạo và bảo tồn.

Khám phá nghệ thuật xây dựng đền - tháp Chămpa là vấn đề hấp dẫn, được người Pháp tìm tòi từ những năm đầu thế kỷ XX cho đến các nhà khoa học Việt Nam hôm nay. Những hình ảnh, tư liệu và hiện vật được trưng bày tại “Đền tháp Chămpa - Bí ẩn trong xây dựng” là kết quả của một đề tài nghiên cứu khoa học do Viện Khoa học - Công nghệ - Xây dựng (Bộ Xây dựng) chủ trì, với sự tham gia của một tập thể các nhà khoa học có uy tín trong các lĩnh vực: Kiến trúc, Xây dựng, Lịch sử, Khảo cổ, Mỹ thuật...

Không chỉ dừng lại ở việc giới thiệu lịch sử, kiến trúc Chămpa, đánh giá hiện trạng của các di tích kiến trúc, mà nhóm tác giả của Đề tài Đền tháp Chămpa - Bí ẩn xây dựng đã dành nhiều công sức nghiên cứu kỹ về kỹ thuật xây dựng, từ việc xử lý nền móng, kỹ thuật kiến trúc, kỹ thuật điêu khắc, lực liên kết, cường độ chịu nén, khả năng chịu lực của khối xây tháp, đến việc sử dụng các phương pháp khoa học với công nghệ hiện đại để xác định thành phần pha và thành phần khoáng của gạch, của chất kết dính giữa các viên gạch... Đặc biệt, đề tài đã nghiên cứu chế tạo được mẫu gạch phục chế, xác định quy trình nung gạch Chăm, chế tạo nhớt ô dước, nhớt bời lời, cũng như các giải pháp gia cường, tu bổ kiến trúc đền tháp Chămpa. Đây là một bước tiến quan trọng trên con đường nghiên cứu tìm hiểu những bí ẩn về các đền tháp Chămpa nói chung, về vật liệu và kỹ thuật xây dựng nói riêng.

Tiến sĩ Trần Bá Việt, người chủ trì công trình nghiên cứu cho biết, những kết quả nghiên cứu của đề tài này sẽ định hướng cho việc bảo tồn, tôn tạo một loại hình di tích có cấu trúc và phương pháp xây dựng, đặc biệt là đền tháp Chămpa ở Việt Nam. Đồng thời, qua cuộc trưng bày này, những người làm công tác bảo tồn, trùng tu, quản lý di sản và du lịch văn hóa sẽ rút ra được nhiều bài học bổ ích mang tính thực tiễn và
ứng dụng.

Trong khuôn khổ chương trình khai mạc trưng bày, Tiến sĩ Trần Bá Việt đã có buổi thuyết trình, giao lưu với công chúng quan tâm đến đề tài, đặc biệt là với những người đang làm công tác bảo tồn di tích và hướng dẫn du lịch.

Đến bộ sưu tập cổ vật của Lâm Dũ Xênh

Qua thời gian dài đam mê sưu tầm cổ vật, hiện nay nhà sưu tập Lâm Dũ Xênh (huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) đang lưu giữ hàng ngàn hiện vật thể hiện các chủ đề đa dạng thuộc nhiều thời kỳ văn hóa khác nhau. Trong đợt này, Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng và Nhà sưu tập đã lựa chọn gần 300 cổ vật để trưng bày giới thiệu với người xem. Chủ đề thứ nhất là những hiện vật có liên quan đến văn hóa-nghệ thuật Chămpa, bao gồm: Những gương (đồng) cổ Trung Hoa được tìm thấy ở miền Trung Việt Nam (vùng Chămpa cổ); những vật trang trí trong kiến trúc xây dựng có xuất xứ từ đền tháp Chămpa,  các bộ sưu tập gốm với các dòng gốm cổ: Gò Sành (Bình Định), các sản phẩm gốm cổ tìm thấy ở địa bàn An Khê - Tây Nguyên, gốm Mỹ Thiện (Bình Sơn - Quảng Ngãi), Quảng Đức (Phú Yên) trong quan hệ ít nhiều tới truyền thống gốm cổ Chămpa và các dòng gốm nổi tiếng của Nam Bộ như gốm Cây Mai, gốm Lái Thiêu và gốm Biên Hòa.

Chủ đề thứ hai Lâm Dũ Xênh giới thiệu là di chỉ Gò Quê (xã Bình Đông, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi), một phát hiện mới về khảo cổ học gây sự chú ý đặc biệt của công chúng trong thời gian qua. Trong bài viết “Gò Quê - một đảo Đông Sơn giữa biển Sa Huỳnh”, Tiến sĩ Nguyễn Việt, Giám đốc Trung tâm Tiền sử Đông Nam Á đã có nhận xét: “Số hiện vật Đông Sơn ở Gò Quê nhiều và điển hình đến mức khiến nhiều nhà nghiên cứu nghi ngờ rằng, chúng không phải lấy từ lòng đất Gò Quê”. Để làm rõ mối ngờ vực này, tiến sĩ Nguyễn Việt đã dành một tuần lễ cùng chủ nhân bộ sưu tập phúc tra lại toàn bộ bộ sưu tập… Kết quả đã cho thấy độ tin cậy cao của bộ sưu tập Gò Quê của Lâm Dũ Xênh.

Cuộc trưng bày “Đền tháp Chămpa - Bí ẩn xây dựng” và bộ sưu tập cổ vật của Lâm Dũ Xênh sẽ kéo dài đến ngày 25-10-2011. Đây là một trong những chương trình hoạt động của Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng nhằm phát triển mối liên kết, phối hợp giữa các đơn vị trong ngành văn hóa - du lịch các tỉnh miền Trung, nhằm đa dạng hóa và nâng cao chất lượng các điểm tham quan, nâng cao nhận thức về sưu tầm, bảo tồn di sản và giới thiệu đến công chúng những hiện vật độc đáo trong kho tàng di sản văn hóa dân tộc...

Bài và ảnh: VĂN NỞ

;
.
.
.
.
.