.

Trùng tu di tích ở Đà Nẵng: Vì thành phố văn minh, văn hóa

.

So với cả nước, Đà Nẵng là địa phương có mật độ di tích khá dày, nhưng hiện nay nhiều di tích đang đứng trước nguy cơ xuống cấp, cần được trùng tu, tôn tạo. Phóng viên Báo Đà Nẵng đã có cuộc trao đổi với ông Trần Quang Thanh, Phó Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch (VHTT&DL xung quanh vấn đề này.

Mô tả ảnh.
Đình làng Thạc Gián được trùng tu khá bài bản và đồng bộ.

 

* P.V: Được biết, từ khi có chương trình mục tiêu Quốc gia về Bảo tồn, phát huy di sản văn hóa của Chính phủ (năm 2006), công tác trùng tu di tích ở thành phố Đà Nẵng được các cấp đẩy mạnh, ông có thể cho biết kết quả?

- Ông Trần Quang Thanh: Hiện nay, trên địa bàn thành phố Đà Nẵng có 16 di tích cấp Quốc gia, 37 di tích cấp thành phố và gần 200 di tích đã được kiểm kê. Từ năm 2006 đến năm 2010 đã có 14 di tích (đã được xếp hạng) được trùng tu tôn tạo, với kinh phí ước khoảng 29 tỷ đồng.

Năm 2011, Sở đã tham mưu cho UBND thành phố và Bộ VHTT&DL tiếp tục trùng tu các đình Phong Lệ, đình Dương Lâm, khu di tích K.20 chuẩn bị đầu tư trùng tu các đình Khuê Bắc (phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn) và đình Đại La (xã Hòa Sơn, huyện Hòa Vang) với tổng kinh phí hơn 7,1 tỷ đồng.

* P.V:  Có bài báo phản ánh một số di tích (chưa được xếp hạng) không được cấp kinh phí trùng tu nên có nguy cơ bị xóa sổ; các di tích (đã được xếp hạng) có kinh phí trùng tu thì chất lượng kém hoặc bị “làm mới”. Ông nói gì về điều này?

- Ông Trần Quang Thanh: Đến nay, ở Đà Nẵng hầu hết các di tích cấp quốc gia và cấp thành phố đã được trùng tu, tôn tạo bảo đảm đúng theo quy trình Luật Di sản Văn hóa và Quy chế bảo quản, trùng tu di tích. Nhiều di tích được trùng tu khá bài bản và đồng bộ như đình làng Thạc Gián, nhà thờ tiền hiền làng An Hải và Thoại Ngọc Hầu, đình Túy Loan, đình Dương Lâm… Theo khảo sát của Sở, chưa có di tích nào được trùng tu mà dư luận nhân dân phê phán.

Khái niệm “làm mới” thì không xuất hiện trong công tác trùng tu ở Đà Nẵng.

Đối với di tích đình Hưởng Phước (theo phản ánh có nguy cơ bị xóa sổ) thì do địa phương không quan tâm đúng mức, có tư tưởng ỷ lại Nhà nước nên đã xuống cấp nghiêm trọng. Còn về nguyên tắc vì đình này chưa được xếp hạng nên chưa được cấp kinh phí trùng tu. Mọi thứ cần tuân theo quy trình, Nhà nước không thể cùng một lúc đầu tư cho tất cả các đình. Đó là thực tế.

* P.V: Phong trào Lễ hội mấy năm nay diễn ra rầm rộ, bên cạnh mặt tích cực, có người cho rằng “bội thực lễ hội”. Ông nghĩ sao?

- Ông Trần Quang Thanh: Nếu nói về công tác tổ chức lễ hội trên phạm vi cả nước thì nhận định này có phần đúng. Theo thống kê của Cục Văn hóa cơ sở, cả nước hiện có hơn 8.000 lễ hội, được tổ chức quanh năm, khắp các vùng miền. Ngoài lễ hội dân gian, đã xuất hiện thêm nhiều lễ hội mới, festival do Nhà nước tổ chức. Bên cạnh mặt tích cực là các lễ hội đã góp phần làm phong phú đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân, thì việc tổ chức triển khai lễ hội ở nhiều địa phương khâu quản lý chưa thật chặt chẽ nên xảy ra hiện tượng lễ hội tràn lan, phô trương, hình thức, lãng phí…

Đối với Đà Nẵng, thực tế công tác tổ chức lễ hội đã không xảy ra hiện tượng này. Đà Nẵng hiện có 28 lễ hội bao gồm nhiều loại hình: lễ hội dân gian, lễ hội tôn giáo, lễ hội lịch sử cách mạng và lễ hội mới… Tất cả các lễ hội đều được Bộ VHTT&DL đánh giá tốt về công tác tổ chức, nghiêm túc; văn minh, không chạy theo mục đích thương mại. Đơn cử, Lễ hội tôn giáo Quán Thế Âm-Ngũ Hành Sơn được mệnh danh là “Lễ hội sạch”, đúng với các phương châm đề ra “Trang nghiêm, an toàn, tiết kiệm và hiệu quả” (không sử dụng vàng mã, không có hiện tượng xin xăm bói toán…).

* P.V: Sắp tới, Sở VHTT&DL và thành phố có những kế hoạch, biện pháp gì để việc trùng tu di tích ngày một hiệu quả, xứng tầm với sự phát triển kinh tế-xã hội của thành phố?

- Ông Trần Quang Thanh: Sở sẽ chỉ đạo Trung tâm Quản lý di sản (cơ quan trực thuộc Sở vừa mới thành lập), Phòng VHTT các quận, huyện điều tra, khảo sát và nắm chắc tình trạng của các di tích, qua đó, tiếp tục tham mưu cho thành phố về công tác trùng tu, tôn tạo và phát huy giá trị các di sản trên địa bàn; thực hiện điều tra, thám sát hoặc tiến hành khai quật khảo cổ nhằm có nhận thức đầy đủ về quy mô, kiểu kiến trúc các di tích trong quá khứ, làm căn cứ cho việc phục dựng di tích được chính xác; tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của nhân dân về việc bảo vệ các di tích; công bố các hồ sơ về trùng tu, tôn tạo di tích tại địa điểm thích hợp ở địa phương để nhận sự góp ý; đồng thời cố gắng vận động từ nhiều nguồn nhằm tăng cường nguồn kinh phí cho công tác này…

* P.V: Xin cảm ơn ông.

Thanh Tân (Thực hiện)

;
.
.
.
.
.