Gian trưng bày Đồng Dương tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng tái hiện sự hùng vĩ, trang nghiêm của một quần thể kiến trúc điêu khắc độc đáo, một thế giới nghệ thuật với thiên hướng tâm linh Phật giáo đại thừa được đánh giá là độc đáo vào hạng bậc nhất của Chămpa và Đông Nam Á.
Nhiều du khách hứng thú với gian trưng bày Đồng Dương tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng. |
Kinh đô Phật giáo
Bà Phan Thị Thu Bình, Trưởng Phòng hướng dẫn - tuyên truyền Bảo tàng Điêu khắc Chăm cho biết, trưng bày Đồng Dương là một trong 4 phòng chuyên đề rộng và đặc sắc nhất của Bảo tàng. Hiện vật sớm nhất trưng bày tại đây được tìm kiếm sau cuộc khai quật Đồng Dương vào năm 1902. Nhưng phải đến năm 1935, toàn bộ trưng bày mới hoàn chỉnh, gọi là Phòng Đồng Dương. Hiện Phòng Đồng Dương có 2 bàn thờ to, trong đó bàn thờ chính đặt ở hướng Đông, bàn thờ còn lại được đặt ở hướng Tây gian trưng bày, cùng gần 20 hiện vật gồm đài thờ, tượng Bồ tát, tu sĩ, hộ pháp, quỷ mara… tiêu biểu cho một thời kỳ phát triển rực rỡ của Phật giáo đại thừa trên khắp vương quốc Chămpa từ cuối thế kỷ IX mà Đồng Dương là kinh đô Phật viện.
Nếu Mỹ Sơn là thánh địa của Ấn phái linh thiêng nhất của Vương quốc Chămpa suốt từ thế kỷ IV - XIII, thì Phật viện Đồng Dương được coi là biểu tượng của một thời kỳ Phật pháp bùng nổ, hưng thịnh nhất trên đất Chămpa, dưới Vương triều Indravarman II. Ở đây, Quan Thế Âm Bồ tát trở thành thần chủ của Phật viện, chứ không phải thần Siva thể hiện sự thống lĩnh của Ấn giáo hàng thế kỷ đối với người Chămpa.
Tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm, tượng Bồ tát được đặt ở vị trí trang trọng trên bệ thờ gồm tượng Bồ tát đứng và tượng Bồ tát ngồi. Bồ tát đứng là tác phẩm mang những đặc điểm tiêu biểu cho phong cách Đồng Dương. Các đồ trang sức của vị Bồ tát này thoạt nhìn có vẻ cầu kỳ và nặng nề, nhưng nhìn tổng thể thì rất lộng lẫy: Chiếc mũ Mukuta 2 tầng có viền vòng miện phía trước được trang trí bằng một đóa hoa to hình lá nhọn, tầng trên mũ có những đóa hoa nhỏ được bố trí so le, đôi bông tai chảy dài quá vai, vòng cổ và dây hộ tâm dưới ngực, nhiều tua đẹp, vòng trên cánh tay… Vẻ mặt uy nghiêm, dáng đứng ung dung tự tại là những gì người ta nói về thần thái vị Bồ tát này. Tượng Bồ tát ngồi, tượng tu sĩ cũng tạo nhiều ấn tượng mạnh mẽ đối với người xem bởi vẻ thành kính và tĩnh tại. Ngoài ra, tại gian trưng bày Đồng Dương của Bảo tàng Điêu khắc Chăm còn có các pho tượng Hộ pháp (Dvarapala) khá lớn, cao khoảng 2m cũng được coi là những công trình điêu khắc đậm phong cách Đồng Dương.
Khẳng định bản thể Chămpa
Theo các chuyên gia, phong cách Đồng Dương gây ấn tượng mạnh đối với du khách bởi những nét đẹp sống động mạnh mẽ đến táo bạo. Không chỉ ở các tượng phật, tượng thần, những đường nét thể hiện trên các tượng người Đồng Dương thường được cường điệu quá mức, đàn ông có gương mặt gần như vuông, trán thấp, cung lông mày to rậm và giao nhau, mũi to, miệng rộng, môi dày, ria mép rậm. Tượng phụ nữ có gương mặt hơi thô và bộ ngực lớn. Và điều quan trọng nhất, người ta gọi Điêu khắc Đồng Dương là thời kỳ khẳng định bản thể Chămpa. Kiến trúc và điêu khắc Chămpa Đồng Dương hầu như không có yếu tố vay mượn. Đây là điểm độc đáo tạo bản sắc điêu khắc Đồng Dương so với điêu khắc Trà Kiệu, Mỹ Sơn hay Tháp Mẫm.
Phật giáo đại thừa bùng nổ trên đất Chămpa từ giữa đến cuối thế kỷ IX. Tuy nhiên, nó không bài trừ các tín ngưỡng tôn giáo khác, đặc biệt là Ấn giáo vẫn tồn tại song song trước, trong và sau đó. Vì vậy, đâu đó trong dáng dấp của các công trình điêu khắc Đồng Dương vẫn phảng phất sự ảnh hưởng của điêu khắc Ấn Độ, Trung Hoa. Có điều, kiến trúc và điêu khắc Đồng Dương dẫu sao chăng nữa vẫn được ghi nhận là đậm đặc yếu tố bản địa. Thông qua những cổ vật còn lại đã phản ánh được thời đại cực thịnh của một vương quyền khẳng định bằng sức mạnh của chính mình, đồng thời đưa nghệ thuật điêu khắc Chămpa lên hàng tột đỉnh. Dưới góc độ tôn giáo, Đồng Dương đã đóng góp đặc sắc vào nghệ thuật Phật giáo của nhân loại, mẫu mực trong cách phô diễn, trong ý nghĩa tượng thờ, phù điêu, bố cục, cũng thuộc loại hiếm hoi trong số di tích Phật giáo cổ xưa còn lại tới hôm nay ở Việt Nam và cả Đông Nam Á.
Phật viện Đồng Dương nay thuộc làng Đồng Dương, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam, cách thành phố Đà Nẵng khoảng 65km về phía Tây Nam. Theo nội dung tấm bia tìm thấy tại Đồng Dương, năm 875, Vua Indravarman II đã cho xây một tu viện phật giáo và đền thờ một vị Bồ tát bảo hộ cho vương triều là Laksmindra Lôkesvara Svabhayada. Tính chất Phật giáo đại thừa được thể hiện rõ qua nội dung bi ký cũng như các tác phẩm điêu khắc ở Đồng Dương. Năm 1901, L.Finot, một học giả người Pháp, đã công bố việc phát hiện 229 hiện vật ở Đồng Dương. Năm 1902, H.Parmentier đã khai quật di tích Đồng Dương và tìm thấy khu kiến trúc chính của thánh địa cùng với nhiều tác phẩm điêu khắc quý giá. Theo khảo tả của H.Parmentier, toàn bộ khu đền thờ chính và các thác nằm lân cận phân bố trên một trục từ Tây sang Đông, dài 1.300m. Khu di tích Phật viện Đồng Dương được công nhận di tích cấp quốc gia ngày 5-1-2001. Phần lớn các tác phẩm điêu khắc ở Đồng Dương hiện được trưng bày tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng |
Bài và ảnh: NGỌC DUNG