.
Nhạc pháo hoa đội Đà Nẵng tại DIFC 2013

Đà Nẵng nhìn từ phía mặt trời

.

Âm nhạc là một phần không thể thiếu của bữa tiệc pháo hoa, nơi những bông pháo thăng hoa, bay bổng, tỏa sáng, hòa quyện.

Nhạc sĩ An Thuyên, đạo diễn nhạc phần trình diễn pháo hoa của đội Đà Nẵng - Việt Nam tại Cuộc thi Trình diễn pháo hoa quốc tế Đà Nẵng 2013 (DIFC 2013), đã khẳng định như thế về đứa con tinh thần mang tên “Đà Nẵng nhìn từ phía mặt trời” đang được ông cùng ê-kíp công phu xây dựng từ mấy tháng nay. Dự án âm nhạc này còn có sự phối hợp của các nhạc sĩ Phó Đức Phương, Đỗ Bảo, Dương Cầm, Trần Mạnh Hùng, dự kiến đến cuối tháng 10 này sẽ hoàn thành.

DIFC 2013 hứa hẹn nhiều đột phá của đội chủ nhà Đà Nẵng. (Hình ảnh tại DIFC 2012)                                                                 Ảnh: VĂN NỞ
DIFC 2013 hứa hẹn nhiều đột phá của đội chủ nhà Đà Nẵng. (Hình ảnh tại DIFC 2012) Ảnh: VĂN NỞ

Khẳng định Đà Nẵng

Nhạc sĩ An Thuyên cho biết, trường nhạc pháo hoa của đội Đà Nẵng tại Lễ hội pháo hoa 2013 sẽ gồm 5 chương: Chương 1 “Ngũ hành”, chương 2 “Tam vân”, chương 3 “7 sắc cầu vồng”, chương 4 “Đệ nhất sông” và chương 5 “Đà Nẵng nhìn từ phía mặt trời”.

Theo nhạc sĩ, chương 1 “Ngũ hành” vừa là khởi đầu, vừa chứa đựng nhiều ý nghĩa sâu xa. An Thuyên lý giải, trong quy luật chung của vũ trụ, của đất trời, Đà Nẵng được hình thành và phát triển trong mối quan hệ tương sinh, tương khắc của vạn vật gắn với thuyết âm dương ngũ hành của người Á Đông. Không phải ngẫu nhiên mà chỉ ở nơi đây, thiên nhiên ban tặng Ngũ Hành Sơn, 5 ngọn núi tượng trưng cho vạn vật, âm dương quần tụ, sum vầy. Đà Nẵng là một phần của khúc ruột miền Trung Việt Nam dãi dầu mưa nắng, bão giông, chiến tranh nhưng vạn vật vẫn tồn tại và phát triển trong mối quan hệ ngũ hành. Tương khắc rồi tương sinh trong sự vận động của Ngũ hành đã tạo nên thế cân bằng vững chãi cho mảnh đất nơi đầu biển cuối sông. Vượt bao gian lao, Đà Nẵng trưởng thành từng ngày, từng bước trở thành một thành phố lớn thịnh vượng và văn minh bậc nhất nước. “Đi lên từ gian khó mới là sự phát triển đích thực. Như cầu vồng xuất hiện rực rỡ sau cơn mưa. Đó là phẩm chất kiên cường, quyết liệt của đất và người Đà Nẵng”, nhạc sĩ An Thuyên nhấn mạnh. Ông cũng cho biết, ca khúc để kể chuyện “ngũ hành” trong chương 1 sẽ vừa đậm chất dân gian vừa mang hơi thở cuộc sống hiện đại, vừa ngưỡng vọng tâm linh, huyền bí. Còn hình tượng pháo hoa sẽ là Ngũ sắc với từng chùm 5 cánh sao, 5 sắc màu tượng trưng cho Kim (trắng), thủy (xanh cô ban), mộc (xanh lá cây), hỏa (đỏ),  thổ (vàng).

Chương hai “Tam vân” nói về ba ngọn núi Sơn Trà, Hải Vân, Bà Nà bao quanh, che chắn và là chỗ dựa vững chắc cho người và đất nơi đây. Ba ngọn núi như thế chân kiềng trụ vững cho Đà Nẵng vươn lên tầm cao mới. Sơn Trà, Hải Vân, Bà Nà còn là những thắng cảnh của thiên nhiên, tinh hoa trời đất, biển cả dưới ánh mặt trời chiếu sáng. “Nhạc không lời, lãng mạn, giai điệu đẹp, huyền ảo sẽ làm đẹp cho hình tượng pháo hoa vẽ hình 3 ngọn núi và những đám mây la đà, huyền ảo trên nền trời”, nhạc sĩ An Thuyên nói.

Chương ba “7 sắc cầu vồng” tượng trưng cho 7 thành tựu đặc biệt, độc đáo mà Đà Nẵng đã lao động, sáng tạo qua cảm nhận của người nhạc sĩ, như: thành phố văn minh, hiện đại và thân thiện; thành phố có bãi biển đẹp nhất hành tinh; thành phố có núi non tiên cảnh bồng lai, có cáp treo 2 kỷ lục thế giới; thành phố của những chiếc cầu hiện đại; thành phố của những sự kiện nổi bật; thành phố của lòng dân, thành phố “5 không” và “3 có”; thành phố anh hùng trong chiến đấu, tiên phong trong sự nghiệp đổi mới.

Để làm nổi bật ý tưởng pháo hoa ở chương này, dưới mặt sông, nhạc không lời dào dạt, rộng rãi, bay bổng, có kịch tính, pha lẫn bi hùng, nội tâm. Trên nền trời, pháo hoa sẽ hình cầu vồng 7 sắc đỏ, xanh, vàng, lục, lam, chàm, tím liên tục xuất hiện sau những tia chớp, sấm rền như cuộc đấu tranh quyết liệt để trở về bình yên.

Chương bốn “Đệ nhất sông”, với nền nhạc không lời, trữ tình, nhẹ nhàng và pháo hoa lả lướt trên mặt sông lấp lánh sẽ đưa người xem trở về với dòng sông Hàn thơ mộng, hiền hòa qua bao tháng năm vẫn rì rào tự tình với quê hương. Và theo tác giả, cảm hứng lắng đọng về sông sẽ xen lẫn niềm tự hào với những khúc nhạc giàu tính cách điệu: “Bên sông nay là phố mới/ Điện giăng giăng như lưới nhạc/ Thành phố như mơ, sông Hàn như thơ…” (ca khúc “Sông Hàn tình yêu của tôi”, nhạc sĩ An Thuyên).

Khát vọng vươn cao

Trên mảnh đất ngũ hành quần tụ, vượt lên những khắc nghiệt của tự nhiên, chiến tranh, người Đà Nẵng bằng sức lao động và sáng tạo của mình đã đưa thành phố phát triển vượt bậc: văn minh, hiện đại và giàu tính nhân văn. Nếu như ở 4 chương đầu như sự khẳng định nguồn cội, bản lĩnh vốn có cùng những bước đi vững chắc của Đà Nẵng thì đến chương cuối này, câu chuyện về thành phố đầu biển cuối sông qua hình tượng pháo hoa sẽ bùng nổ khi “Đà Nẵng nhìn từ phía mặt trời” cho thấy nội lực, niềm tin, sự hưng phấn của một thành phố trẻ. Ca khúc “Đà Nẵng nhìn từ phía mặt trời” cũng là chủ đề xuyên suốt trường nhạc và sẽ đọng lại sau cùng như một khúc tráng ca về thành phố biển: “Đà Nẵng thênh thang hôm nay/ Thênh thang ngày mai/ Tình người, tình đời chen vai/ Nguy nga ta xây tương lai/ Thành phố dưới mặt trời tỏa sáng /Đà Nẵng rực rỡ.../ Việt Nam rực rỡ...”.

 THANH TÂN
 

;
.
.
.
.
.