.

Nhạc sĩ Thế Song với âm vang Nơi đảo xa

.

“Nơi anh đến là biển xa, nơi anh đến là đảo xa/ Từng mảnh đất quê ta, giữa đại dương mang tình thương quê nhà/ Đây Trường Sa, kia Hoàng Sa/ Ngàn bão tố phong ba ta vượt qua, vượt qua…”, nhạc phẩm Nơi đảo xa trở thành cầu nối đất liền với những hòn đảo xa xôi, nơi có biết bao người lính đang canh giữ vùng biển của Tổ quốc.

Nhạc sĩ Thế Song (bìa phải) và nhạc sĩ Lương Nguyên đến Trường Sa 16 năm sau khi sáng tác ca khúc Nơi đảo xa. (Ảnh Hoàng Thu Phố chụp lại)
Nhạc sĩ Thế Song (bìa phải) và nhạc sĩ Lương Nguyên đến Trường Sa 16 năm sau khi sáng tác ca khúc Nơi đảo xa. (Ảnh Hoàng Thu Phố chụp lại)

Nhạc sĩ Thế Song sáng tác Nơi đảo xa vào khoảng tháng 4-1979 khi ông có chuyến thực tế viết về biên phòng ở Thán Phún, Pò Hèn (Quảng Ninh).

Viết Nơi đảo xa khi chưa tới Trường Sa

Trong căn phòng tầng 2 nhìn xuống đường Tôn Đức Thắng (Hà Nội) nườm nượp xe cộ, nhạc sĩ Thế Song tâm sự: “Tôi sáng tác Nơi đảo xa khi chưa hề đến Trường Sa đâu nhé! Không định viết về Trường Sa mà lại thành mới vui!”.

Lúc đến Quảng Ninh, ông dự định viết về sự hy sinh anh dũng của Hoàng Thị Hồng Xiêm. Trên đường về, mới qua khỏi Quảng Ninh một đoạn thì dừng chân ở Trạm sửa chữa tàu biển Z48 của bộ đội hải quân. Khi ông được giới thiệu là nhạc sĩ Thế Song đang đi thực tế sáng tác ca khúc cho các đơn vị quân đội, anh em ở trạm này nói vui rằng phải viết về mọi người ở đây đã. Thế là ông được gặp các chiến sĩ hải quân và nghe những câu chuyện về biển đảo.

Nhạc sĩ Thế Song kể: “Từ lâu tôi định viết một bài về hải quân nhưng viết không thành. Ở đây, nghe các anh kể hằng ngày đi chiến đấu, đi dọc mấy nghìn cây số bờ biển khiến mình suy nghĩ. Đơn vị hải quân này đóng bên cạnh biển Hạ Long thơ mộng, xa xa thấy từng đoàn thuyền căng buồm, xa nữa là những đảo núi nhấp nhô trên biển. Đảo và biển của ta đẹp quá, cùng với hình ảnh người lính hải quân hiền hậu và mến khách, ngày đêm vượt sóng gió để canh giữ biển đảo thân yêu. Đi với họ, ăn với họ, tôi hiểu công việc của họ rất vất vả. Tự nhiên cảm xúc về biển đảo và người lính hải quân dâng trào trong tôi, giai điệu bài hát được hình thành rất nhanh ngay trong đầu. Tôi yêu biển và cảm phục người lính hải quân”.

Thế nhưng, phải đến năm 1995, tức 16 năm sau khi Nơi đảo xa ra đời, nhạc sĩ Thế Song mới lần đầu tiên đặt chân đến quần đảo Trường Sa. Ông cùng đi với các nhạc sĩ Doãn Nho, Lương Nguyên và các nhà báo Trần Bình Minh, Trần Gia Thái, Thu Uyên... “Các chiến sĩ khi biết trong đoàn công tác có nhạc sĩ Nơi đảo xa đều rất xúc động, thường nói rằng chú đã nói hộ nỗi lòng của chúng cháu. Chuyến đi ấy tôi thăm hết 17 hòn đảo của ta ở Trường Sa và đêm nào cũng hát cùng chiến sĩ bài hát ấy...”, nhạc sĩ Thế Song nhớ lại.

Nhạc sĩ Thế Song 80 tuổi vẫn chơi đàn. 				      Ảnh: HOÀNG THU PHỐ
Nhạc sĩ Thế Song 80 tuổi vẫn chơi đàn. Ảnh: HOÀNG THU PHỐ

“Ăn lộc” với Nơi đảo xa

Sự nghiệp âm nhạc của Thế Song không chỉ có Nơi đảo xa. Ông còn là tác giả của hơn 500 ca khúc khác, rất nhiều bài trong số đó viết về những vùng đất ông đã đi qua: Tam Đảo, Sa Pa, Mộc Châu, Móng Cái, Đà Nẵng, Đà Lạt… Hôm tôi đến, ông khoe vừa lĩnh được hơn 7 triệu đồng nhuận bút từ Trung tâm Bản quyền âm nhạc (Hội Nhạc sĩ Việt Nam). Tuy vậy, nhạc sĩ Thế Song công nhận thời điểm này ông đang được “ăn lộc” khá nhiều từ bài hát Nơi đảo xa.

Nhạc sĩ Thế Song cho biết, người đầu tiên thể hiện Nơi đảo xa là NSƯT Tiến Thành. Ngay sau đó, ca khúc đã nhận được nhiều thư yêu cầu của thính giả nghe Đài Tiếng nói Việt Nam đề nghị phát lại. Sau này NSND Trung Đức và nữ ca sĩ Tuyết Mai là những người thể hiện thành công Nơi đảo xa. Những năm gần đây, ca khúc được ca sĩ Trọng Tấn, Việt Hoàn, Tùng Dương thể hiện cũng khiến người nghe hài lòng. Đặc biệt, năm ngoái, bài hát đã được dựng thành clip “Chúng ta hát về Trường Sa” với 600 người đồng ca, bao gồm: các ca sĩ, công chức, doanh nhân, học sinh, sinh viên… Nhạc sĩ Thế Song chia sẻ rằng, các ca sĩ chuyên nghiệp hát mỗi người có cái hay riêng, nhưng ông rất xúc động với clip 600 người hát, cũng như ông từng nghẹn lời khi nghe những người lính đảo ôm đàn guitar hát Nơi đảo xa giữa biển trời bao la của Tổ quốc.

80 tuổi vẫn đạp xe trên phố

Trò chuyện với nhạc sĩ Thế Song, ít ai nghĩ ông đã bước sang tuổi tám mươi. Trí nhớ ông cơ bản vẫn còn tốt, nhớ khá chi tiết nhiều sự kiện, chỉ đôi khi có sự “nhớ nhớ quên quên”. Lần nào tôi đến, anh Thế Huy - con trai cả của ông - cũng luôn ngồi bên cạnh bố, để sẵn sàng gợi nhắc hoặc bổ sung những câu chuyện. Anh Huy kể, 4 năm trước nhạc sĩ Thế Song bị tai biến, cũng may là nhẹ, nhưng từ đó có nhiều chi tiết ông quên hoặc nhầm lẫn. Bây giờ, ông nói chậm và có chút khó khăn hơn trước. Vì vậy, cứ có nhà báo hẹn đến nhà, anh Huy lại trở thành “thư ký tự nguyện”, vừa để giúp bố, vừa để các nhà báo có thông tin đầy đủ và chính xác.

Nhưng khác với sự lo lắng của các con, nhạc sĩ Thế Song tỏ ra là người có trí nhớ tốt. Và ông còn chứng tỏ sức khỏe của mình khi vẫn đều đặn ra khỏi nhà từ 5 giờ. Đam mê thể thao từ hồi trẻ, khi về già, tác giả Nơi đảo xa vẫn giữ thói quen tập thể dục hằng ngày. Hồi trẻ ông mê bóng bàn. Về già ông ham… đi xe đạp. Bất kể ngày nắng hay mưa phùn, bất kể mùa hè hay mùa đông giá lạnh, ông vẫn thường thức dậy và đạp xe đi tập thể dục. Trước đây cung đường quen thuộc của ông là từ nhà lên Hồ Tây, đạp một vòng rồi về. Gần 3 tháng nay có thay đổi, đó là buổi lên Hồ Tây, buổi xuống Hà Đông. Mỗi “vòng” như thế hết hơn một tiếng đồng hồ, sau về mới ăn bát mì lăn do con trai nấu. Ông khoe: “Mình phải đạp cật lực cho ra hết mồ hôi, chứ không phải vừa đạp vừa nghỉ đâu nhé!”. Vào mùa đông lạnh giá, ông cũng đạp xe vào buổi sáng sớm như thế với lý do rằng: “Thể dục hằng ngày vừa khỏe người, vừa lành mạnh và khiến tôi thêm yêu cuộc đời này”.

HOÀNG THU PHỐ

;
.
.
.
.
.