Sau thời gian thọ tang cha là nhạc sĩ Lữ Liên, danh ca Tuấn Ngọc sẽ tái ngộ khán giả trong nước bằng ba đêm nhạc đặc biệt kỷ niệm một năm chương trình In the spotlight mang tên Trịnh Công Sơn - Gọi tên bốn mùa.
Bất cứ ai yêu giọng hát Tuấn Ngọc đều đã từng nghe anh hát không ít các ca khúc nhạc Trịnh. Nhưng thật bất ngờ khi biết rằng trong số gần 30 album cá nhân của riêng mình, Tuấn Ngọc lại chưa từng có một album nhạc Trịnh. Anh cũng "bật mí" với Trịnh Công Sơn - Gọi tên bốn mùa, anh sẽ lần đầu thể hiện hai ca khúc nhạc Trịnh mà mình yêu thích.
Ca sĩ Tuấn Ngọc sẽ lần đầu thể hiện hai ca khúc nhạc Trịnh trong chương trình In the spotlight Gọi tên bốn mùa - Ảnh: Gia Tiến |
Và rất nhiều bí mật nho nhỏ khác về nhạc Trịnh, về nghệ danh, về đồng nghiệp… cũng đã được Tuấn Ngọc chia sẻ riêng với bạn đọc TTO với giọng điệu nghiêm túc mà hài hước quen thuộc.
* Dù rất hâm mộ anh nhưng rất nhiều bạn đọc, người hâm mộ vẫn không biết duyên cớ gì anh - từ một chàng trai tên Lữ Anh Tuấn trở thành ca sĩ Tuấn Ngọc?
- Tôi vốn dĩ họ Lã. Có người gọi là Lữ. Cha mẹ cho thêm cái tên Anh Tuấn. Tôi yêu cái tên của tôi lắm! Đà Lạt là nơi chào đời của tôi. Và tôi cũng yêu cái thành phố buồn của tôi lắm. Yêu luôn cả người Đà Lạt nữa. Lúc được 4 hay 5 tuổi thì cha cho đi hát ở đài phát thanh cùng với chị là Bích Chiêu. Nghệ danh của tôi lúc đó vẫn là cái tên cúng cơm Anh Tuấn mà cha mẹ cho.
Năm 1953, cha mẹ tôi dọn về Sài Gòn. Sau một thời gian ngắn thất nghiệp, hai chị em tôi được nhận vào hát mỗi tuần ở hai đài phát thanh của thành phố. Không may cho tôi là lúc đó ở trong đài đã có một người kịch sĩ cũng tên là Anh Tuấn.
Lấy lý do là việc trùng tên của hai nghệ sĩ có thể gây ra nhiều vấn đề nhầm lẫn thành ra trong đài yêu cầu tôi đổi tên vì tôi là... kẻ đến sau. Và kết quả là không cần phải hỏi ý kiến, hay nói theo kiểu của Diệu Hương là "không cần biết con là ai", cha tôi tặng ngay cho tôi cái tên mới là... Tuấn Ngọc. Cảm ơn cha nhiều lắm!
Tôi còn nhớ lúc đó tôi cũng bị "sốc" lắm vì mới đêm hôm qua ai cũng gọi mình là Tuấn mà sáng hôm nay vào trong đài người nào cũng gọi mình là... Ngọc! Tôi cũng mặc cảm với cái tên mới của tôi lắm vì đối với tôi, tên Ngọc nghe hơi... yếu!
Có thể nói là nếu không dọn về Sài Gòn thì chắc chắn là tôi đã không có cái tên Tuấn Ngọc. Ngày hôm nay, kịch sĩ Anh Tuấn mất cũng đã lâu lắm rồi, bây giờ, nếu muốn, tôi có thể lấy lại cái tên Anh Tuấn nhưng mà làm như vậy thì lại sợ đến lượt khán giả của tôi bị "sốc".
* Anh có thể chia sẻ về lần đầu tiên anh được biết hay được nghe một bản nhạc Trịnh?
- Khoảng cuối thập niên 1960, cái tên Trịnh Công Sơn bắt đầu được nhắc đến nhiều. Tôi không biết nhạc Trịnh hay dở như thế nào vì thời kỳ này tôi chỉ hát nhạc ngoại quốc và từ năm 11 tuổi tôi đã không theo dõi nhạc Việt Nam nữa. Cuối năm 1970, tôi bắt đầu hát ở phòng trà Tự Do ở góc đường Tự Do và Thái Lập Thành, bây giờ là Đồng Khởi và Đông Du.
Trong số các ca sĩ hát ở đó có cả nữ ca sĩ Khánh Ly. Đó là lần đầu tiên tôi được nghe nhạc Trịnh Công Sơn và nghe mỗi đêm. Không hiểu sao lúc bấy giờ tôi chỉ nhớ có hai bài Cát bụi và Tình xa. Đó là lý do tôi làm cái liên khúc “Cát bụi tình xa” cho các em tôi là ban tam ca Thúy - Hà - Tú. Không biết anh Trịnh Công Sơn có thích cái liên khúc này không mà tôi chỉ nhớ là lần đầu tiên gặp anh tại một phòng trà, câu đầu tiên anh nói với tôi là: “Ai làm hòa âm liên khúc này?”.
* Và lần đầu anh hát nhạc Trịnh? Đó là ca khúc tên gì?
- Tôi vẫn không nghe nhạc Việt cho đến lúc định cư ở Hoa Kỳ. Năm 1981, vì muốn thực hiện một cuốn băng nhạc Việt nên tôi chọn 10 bài hát mà trong đó có bài Hạ trắng của anh Sơn. Cuốn băng này tôi phát hành năm 1983 với tựa là Thuở ban đầu. Đó là bài nhạc Trịnh đầu tiên mà tôi hát và bây giờ nghĩ lại mới thấy Hạ trắng cũng là bài đầu tiên tôi chọn để mở màn trong chương trình live show đầu tiên của tôi ở Việt Nam năm 2006.
Ca sĩ Tuấn Ngọc trong chương trình In the spotlight số 2 vào tháng 5-2012 - Ảnh: Gia Tiến |
* Nếu nghe nhạc Trịnh, anh sẽ chọn giọng ca nào để "chìm" vào đó?
- Khánh Ly là ca sĩ đầu tiên hát nhạc Trịnh Công Sơn và hát nhiều nhất. Không biết trong cuốn sách về những kỷ lục trên thế giới tên là Guinness Book có nhắc đến điều này không?
Tôi nghĩ rằng trong đời này chúng ta không bao giờ có thể kiếm được một người nào yêu nhạc Trịnh Công Sơn bằng Khánh Ly cả. Yêu và bảo vệ từng nốt nhạc, từng lời ca. Đã có lần Khánh Ly và tôi ngồi cả đêm tranh luận với nhau thành ra tôi biết Khánh Ly yêu nhạc Trịnh Công Sơn như thế nào. Vì lý do đó mà Khánh Ly hát nhạc Trịnh Công Sơn tự nhiên nhất, nồng nàn nhất, như một người mẹ yêu thương đứa con của mình, yêu tất cả những gì thuộc về nó mà không cần phải đóng kịch.
* Trong những ca khúc nhạc Trịnh, anh có bị "ám ảnh" bởi một ca khúc nào không? Hoặc có kỷ niệm, tình cảm đặc biệt với ca khúc nào không?
- Nghe nhạc còn tùy ở hoàn cảnh và tâm sự của mình. Tôi chỉ nhớ là lần đầu tiên năm 1989 khi tôi mới trở về đất liền từ tiểu bang Hawaii, nhạc sĩ Duy Cường có đánh đàn cho tôi nghe bài Phôi pha và giống như tiếng sét ái tình, tôi thích ngay bài hát này. Không có một bài nào của anh Trịnh Công Sơn gây cho tôi ấn tượng như thế. Đó là lý do mà một thời gian sau đó tôi thực hiện một cuốn băng có tựa đề là Phôi pha.
* Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn từng nhận định anh là một trong những giọng nam hát nhạc của ông "đỉnh" nhất. Riêng anh đã có khoảng 30 album cá nhân nhưng hình như chỉ có một album nhạc Trịnh?
- Tôi chưa bao giờ thực hiện một cuốn băng nhạc Trịnh Công Sơn cả, mặc dù đó là một điều tôi rất mong muốn mà chưa làm được. Album mà mọi người thấy trên thị trường có lẽ chỉ là những sự chắp nối của một số trung tâm băng nhạc. Có khi họ còn lấy nhạc của nhau để làm ra một CD cho trung tâm mình. Rất là tự nhiên! Tôi mong rằng một ngày gần đây tôi sẽ có một CD nhạc Trịnh Công Sơn riêng của tôi.
* Và anh sẽ chọn những ca khúc nào cho đêm nhạc Trịnh Công Sơn - Gọi tên bốn mùa sắp tới?
- Tôi chưa bao giờ hát những bài như là Cuối cùng cho một tình yêu hay Dấu chân địa đàng. Tôi cũng không biết là tôi hát hai bài đó có hợp không nữa. Nhưng mà đó là những bài mà tôi sẽ trình diễn đêm 22 tới. Tôi sẽ dành nhiều thời gian tập dượt với ban nhạc. Chỉ tới lúc tập với nhau mới biết được là mình phải làm gì để đạt được kết quả tốt nhất.
* Được biết anh sẽ có phần song ca "hai thế hệ" với Tùng Dương. Là giọng ca đàn anh, anh đánh giá thế nào về giọng ca đàn em đang ngày càng nhận được sự yêu mến của bạn yêu nhạc này?
- Cách đây cũng khá lâu, lúc phòng trà Văn Nghệ còn hoạt động và ca sĩ Duy Quang còn trong ban giám đốc của phòng trà, tôi cùng cha vợ là Phạm Duy hay đến đó nghe nhạc.
Tôi còn nhớ có một đêm nhạc sĩ Phạm Duy và vợ chồng tôi đến Văn Nghệ chơi và tình cờ lại là đêm của ca sĩ Tùng Dương. Đó là lần đầu tiên tôi nghe Tùng Dương hát. Đối với tôi đêm hôm đó Tùng Dương hát rất hay! Chưa có một nam ca sĩ trẻ nào của thế hệ sau này gây cho tôi một ấn tượng tốt như vậy khi mới nghe lần đầu.
Theo tôi biết thì những bài hát mà Tùng Dương hát trong chương trình Gọi tên bốn mùa lần này đều là những bài để người ca sĩ có dịp phô trương giọng hát của mình và Tùng Dương lại đang ở cái tuổi sung mãn nhất của người nghệ sĩ.
Chưa kể là tôi nghe nói trong cuộc họp báo vừa rồi ở TP.HCM, Tùng Dương hứa lần này anh sẽ không... lên đồng thành ra tôi nghĩ rằng nếu Tùng Dương giữ lời hứa thì đêm hôm đó khán giả sẽ yêu Tùng Dương và những bài hát của anh lắm. Tôi nói như vậy không có nghĩa là tôi không thích Tùng Dương lên đồng (cười)!
TTO