Với Trần Thu Hà (Hà Trần), người nghệ sĩ như một cái giếng, trong giếng nhiều nước nhưng cứ múc mãi rồi sẽ cạn. Mỗi lần xuất hiện, mỗi lần thu album, ra đĩa thì giống như múc đi đam mê, nhiệt tình trong đó nên phải biết khơi nguồn, đổ lại cho đầy giếng.
Hà Trần và Bằng Kiều trên sân khấu “Mùa đông Concert”. Ảnh: TUẤN ĐÀO |
Hà Trần và Bằng Kiều đã có những giây phút thăng hoa trên sân khấu quê nhà cùng với ca sĩ Hồng Nhung và Tùng Dương trong chương trình “Mùa đông Concert” ngày 12-1 tại Hà Nội. Giọng hát kỹ thuật mà tự nhiên như “đi rong chơi” của Hà Trần đã chinh phục người nghe.
* Chị và Bằng Kiều vừa có một đêm hát chung ở Hà Nội, chị thấy sao khi sau nhiều năm hai người lại có màn song ca tại chính nơi cả hai bắt đầu sự nghiệp?
- Tôi và Bằng Kiều vốn là bạn học chung ở Nhạc viện Hà Nội. Khởi nghiệp, hai đứa hát chung nhiều ở các quán bar, CLB. Chúng tôi học cùng và sau thì làm việc chung, rồi nổi cùng thời, cùng ký hợp đồng với Hãng phim trẻ. Tôi và anh Kiều hát chung nhiều, từ những bài hit khi ở Việt Nam, sang Mỹ có thêm bài hit mới. Chúng tôi hát “ăn ý” và chơi với nhau khá hợp. Dù anh Kiều có những người bạn thân hơn tôi nhưng chúng tôi gặp nhau rất thoải mái vì đã gắn bó trong công việc từ những ngày đầu. Và khi hát chung với nhau, chúng tôi thấy thật tuyệt vời.
Bằng Kiều song ca với nhiều giọng ca nữ và dường như hát chung với ai cũng đều có bài hit, từ Hồng Nhung, Mỹ Linh, đến những ca sĩ trẻ như Minh Tuyết, Nguyễn Hồng Nhung… Nhưng chính Bằng Kiều từng nói, anh ấy cảm thấy người hợp nhất là tôi. Thực tế, chất giọng của tôi và anh Kiều không phải có thể tôn nhau lên. Anh ấy là giọng nam cao, tôi là giọng nữ mỏng mảnh.
* Mỏng mảnh nhưng lại rất cuốn hút, đó là ưu điểm dễ nhận thấy nhất của Hà Trần?
- Giọng hát bẩm sinh của tôi không được như Thanh Lam, Hồng Nhung, Mỹ Linh, nên tôi phải dùng kỹ thuật để bù đắp. Trong 3 diva thì Mỹ Linh là ca sĩ rất “tròn trịa”, kể cả cách hát và phong cách biểu diễn. Chị Thanh Lam có giọng hát đặc biệt, khi kiểm soát được tình cảm thì hát rất hay nên tôi thích song ca với chị Lam nhất. Còn chị Hồng Nhung mỗi lần xuất hiện đều tạo sức hút bởi hình ảnh hoàn hảo về ngoại hình và cách biểu diễn. Đến bây giờ, mỗi khi xem họ hát, tôi đều học hỏi được điều gì đó. Tôi thấy ưu điểm để mình sống lâu với nghề này là tôi làm việc rất có trách nhiệm, nếu đã nhận lời ai về chương trình nào đó, thì tôi không muốn người làm việc chung với mình bị thất vọng.
Người nghệ sĩ như một cái giếng, trong giếng nhiều nước nhưng cứ múc mãi rồi sẽ cạn. Mỗi lần xuất hiện, mỗi lần thu album, ra đĩa thì giống như múc đi đam mê, nhiệt tình trong đó nên phải biết khơi nguồn, đổ lại cho đầy giếng. Vì thế, quan điểm của tôi là không nên múc nhiều. Ở Việt Nam, tôi không hát nhiều và ở bên Mỹ tôi cũng chọn chương trình hợp với mình. Tôi luôn biết làm sao để sự xuất hiện của mình vừa đủ nhất.
* Chị thấy thế nào khi “măng” mọc ngày càng nhiều hơn trên sân khấu âm nhạc? Chị có lo thời gian, tuổi tác sẽ khiến mình ít được chú ý hơn?
- Nhiều người thường nói “thầy đồ già, con hát trẻ”, nhưng tôi lại không nghĩ như vậy, những người có giọng ca đặc biệt thì càng về sau càng hay, kiểu như gừng càng già càng cay. Bởi người nghệ sĩ đó có nhiều trải nghiệm hơn, nhưng với điều kiện là vẫn tiếp tục yêu nghề, dám sống với âm nhạc.
* Không ít người hát hay nhưng lại lận đận với các giải thưởng, trong khi nhiều giọng ca bình thường thôi cũng được tung hô. Chị nghĩ sao?
- Thực ra tùy thuộc vào việc lựa chọn bài hát. Có những người sở hữu giọng hát rất hay nhưng khi đi thi thì chọn những bài không chuẩn. Bài toán khó trong các cuộc thi là chọn được những giây phút làm mình bật sáng, ăn thua nhau ở cách chọn bài. Như ca sĩ Susan Boyle, cô ấy không có ngoại hình đẹp, nhưng khi cất giọng hát thì khán giả cả rạp đứng dậy hết. Bởi lẽ, hình ảnh của cô ấy quá tương phản với giọng hát nên tự nhiên cô ấy tạo được giây phút huyền diệu và có thể thu hút người nghe. Và đôi khi trong cuộc đời của một ca sĩ, họ bất ngờ làm lên lịch sử bằng cái phút huyền diệu như vậy.
* Chị đã có những khoảnh khắc bật sáng, thu hút khán giả?
- Tôi nghĩ trong cuộc đời của tôi có vài bài chứ không hẳn là một bài “xuất thần” như thế. Bài đầu tiên là Sắc màu (Trần Tiến). Tôi đứng trên sân khấu hát mà không hiểu sao khán giả lại vỗ tay ầm ầm vậy. Nhưng sau đó tôi biết đằng sau mình có một cái phông nền mà hình ảnh rất hay. Mỗi câu tôi hát, khán giả lại được xem một hình ảnh đẹp mà họ thích, lại phù hợp với nội dung bài hát. Đây là cái quan trọng của nghề ca hát, trong một giây phút nào đó mình làm khán giả thích - đó là giây phút đắt giá. Tôi may mắn có được giây phút “xuất thần” ở lần khác trong chương trình Nhật thực.
* Vậy còn giây phút ấn tượng nhất với chị trong cuộc sống?
- Đối với phụ nữ, khoảnh khắc tuyệt nhất là khi đứa con chào đời, không gì khác có thể so sánh được. Khi nhìn thấy em bé chào đời, tôi đã khóc như một đứa trẻ, thậm chí tôi còn khóc to hơn cả em bé, đến nỗi em bé đang khóc thấy mẹ khóc to hơn nên nín khóc luôn (cười). Tôi đã mong chờ điều này quá lâu rồi và thấy đó quả là giây phút cảm động nhất, kỳ diệu nhất.
* Có vẻ như chưa bao giờ Hà Trần hạnh phúc như lúc này?
- Biết đủ là đủ, bạn ạ. Tôi hài lòng với cuộc sống của tôi, và tôi thấy chẳng có gì để chê cả. Tôi có một người chồng giúp đỡ, hỗ trợ, ủng hộ mình trong sự nghiệp từ khi mình chưa có con. Đến khi có con thì lại trông con và bế con cho mình. 10 năm nay trên con đường nghệ thuật, tôi vẫn luôn nhận được thành công, và đương nhiên trong những thành quả đã đạt được này có sự hy sinh rất lớn của người bạn đời.
Tôi thấy mình may mắn, vì trước đây cuộc sống của tôi không hề suôn sẻ, rất lận đận trong tình yêu. Trải qua nhiều tình yêu nhưng không thấy nơi đâu để mình có thể yên tâm và đỗ bến được, nhưng khi gặp chồng mình, thì thấy một cảm giác yên tâm mà dường như không có sự lo lắng nào.
* Cảm giác như Hà Trần rất tự bằng lòng?
- Là người duy tâm nên tôi nghĩ, mẹ tôi mất sớm, tôi khó khăn, vất vả nên đến khi lập gia đình, những điều buồn khổ, rắc rối trong cuộc sống tôi đã trả. Khi gặp được anh ấy, tôi cảm giác như đó là sự phù hộ của mẹ, của ông bà tổ tiên như câu các cụ thường nói “Phúc đức tại mẫu”. Nhất là sau đó tôi lại sinh được đứa con gái đầu lòng. Khi sinh con ai cũng có cảm xúc thiêng liêng. Tôi có mối liên hệ tâm linh rất sâu sắc với mẹ của tôi. Từ khi bà còn sống đến khi mất, tôi chưa bao giờ cảm giác rằng mẹ đã mất, mà luôn cảm thấy sự hiện hữu của mẹ trong cuộc sống hiện tại. Nó như sợi dây vô hình nối giữa tôi và mẹ. Khi tôi viết ca khúc Hát ru ngày đông là tôi viết cho con của tôi, nhưng cũng là tự viết cho mình, vì những điều mất mát như những sợi dây được nối lại từ quá khứ. Điều đó khiến tôi hiểu được rằng khi mẹ mang thai mình thì mẹ mình yêu mình đến như thế nào, giống như bây giờ tôi có cô con gái đáng yêu thì càng hiểu được tình yêu đó.
DUNG NHI thực hiện