Là một trong những nhạc sĩ nổi tiếng với dòng nhạc tình tự dân tộc, Phạm Thế Mỹ được biết đến với hàng trăm ca khúc quen thuộc từ trước và sau năm 1975. Đặc biệt, trong đó ca khúc Bông hồng cài áo cùng nhiều tác phẩm gây tiếng vang được ông sáng tác trong thời dạy Việt văn và âm nhạc tại các trường trung học ở Đà Nẵng.
Phạm Thế Mỹ lúc dạy học tại Đà Nẵng và tập nhạc Trái tim Việt Nam xuất bản năm 1971 (Bìa và minh họa của tập nhạc này do Hồ Đắc Ngọc - một họa sĩ trẻ tại Đà Nẵng vẽ). |
Nhắc đến Phạm Thế Mỹ, nhiều người nghĩ ngay đến những khúc tình ca thấm đẫm tình yêu quê hương, với ánh trăng thanh bình, đồng lúa xanh tươi như: “Đây xóm nghèo quê tôi khi nắng lên/ Hương lúa ngọt tình quê thêm trìu mến/ Đôi bướm vàng nhẩn nhơ khi quyến luyến/ Và cô gái làng ngẩn ngơ một tình duyên/ Bên luống cày đời vui đang nở hoa/ ôi ảo mộng đầu tươi sao đẹp quá!” (Nắng lên xóm nghèo); hoặc: “Trăng sáng ngời trên môi hoa/ Trăng lên tiếng hát vui đêm già” (Thương quá Việt Nam); hay hình ảnh “Có tằm mến nương dâu/ có trầu vấn vương cau/ và đào tơ thơm ngát ngát hương trinh ban đầu” (Đường về hai thôn). Ngoài ra, một số ca khúc về tình yêu đôi lứa của ông cũng được nhiều người yêu mến bởi lời ca thơ mộng: “Theo gió heo may đến đêm gọi tình/ Một trời áo tím trong mắt trên môi/ Như chiếc nôi êm ru cơn mộng lành/ Gọi vầng trăng cũ sáng cho hồn vui…” (Tóc mây).
Có thể nói, trong suốt nhiều thập niên qua, hầu hết các ca khúc của Phạm Thế Mỹ đều được phổ biến rộng rãi và đặc biệt có sức ảnh hưởng lớn với học sinh - sinh viên miền Nam trong giai đoạn khốc liệt nhất của cuộc chiến tranh chống Mỹ. Từ năm 1970, Hãng băng nhạc Việt Nam đã cho ấn hành các băng nhạc Việt Nam 1, 2, 3, trong đó phần lớn chủ yếu giới thiệu tiếng hát sinh viên mới lạ của Miên Đức Thắng và những nhạc phẩm đặc sắc của Phạm Thế Mỹ như: Thương quá Việt Nam, Bông hồng cài áo, Bóng mát, Hoa vẫn nở trên đường quê hương, Đưa em về quê hương…
Nhắc lại những kỷ niệm về Phạm Thế Mỹ, nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân cho biết: “Trong những năm 1971, 1972, nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ dựa vào ĐH Vạn Hạnh tiếp tục cuộc tranh đấu chống Mỹ, đấu tranh cho hòa bình dân tộc bằng âm nhạc. Nhiều sáng tác của ông được sinh viên tranh đấu ở Huế hát, góp phần hâm nóng tinh thần đấu tranh chống Mỹ. Bài hát nổi tiếng ở Huế là bài Trang sử mới. Ông đã đi đến cùng khát vọng của ông bằng tinh thần đấu tranh bất bạo động của Phật giáo. Năm 1966, ông khuyên tôi “Muốn lâu dài và thành công phải trở lại tinh thần tranh đấu bất bạo động của Phật giáo!”. Tôi không thực hiện được nên phải thoát ly. Còn ông, trung thành với tinh thần bất bạo động đó nên ông giữ vững được trận địa đô thị cho đến ngày viên mãn khát vọng hòa bình, thống nhất đất nước. Ngày nay, dù trong hoàn cảnh thuận lợi hay khó khăn nào, nghe lại nhạc tranh đấu của Phạm Thế Mỹ, đặc biệt là tập Trái tim Việt Nam, tôi càng thấy thấm thía với ý tưởng “vẫn tin vào mộng đẹp ngày mai” mà nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ đã gieo vào tâm trí tôi…”.
Anh Sơn Huy (Nguyễn Ngọc Túy) - người học trò cũ của nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ- kể về một kỷ niệm đặc biệt với ca khúc Bông hồng cài áo: “Vào những năm đệ thất hay đệ lục (khoảng năm 1963-1964), lúc đó tôi đang hát trong ban Tiếng Thùy Dương của nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ tại Đà Nẵng, một buổi chiều đến nhà nhạc sĩ để tập nhạc như thường lệ, tôi vô cùng ngạc nhiên nhìn thấy thầy của mình đang ngồi nghiêm vòng tay bên cạnh cây đàn piano quen thuộc ở góc nhà. Thấy tôi bước vào, thầy nói rằng: “Thầy có lỗi bị mẹ thầy phạt, vậy em đứng chờ đi, khi nào mẹ thầy tha thì thầy sẽ dạy em”. Ngay lúc đó, mẹ thầy từ nhà sau bước ra và nói: “Thôi học trò con đến rồi, mẹ tha cho con đó”. Nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ đứng dậy và nói “Con cảm ơn mẹ!”. Hình ảnh cảm động đó đeo đuổi tôi suốt đời vì chỉ có tình yêu thương mẹ vô vàn, bằng cả tấm lòng quý mến vô biên, nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ mới viết được ca khúc Bông hồng cài áo”.
Về hoàn cảnh ra đời ca khúc này, nhạc Phạm Thế Mỹ kể lại: “Năm 1963, do tham gia phong trào đấu tranh của Phật giáo, tôi bị chính quyền cũ bắt giam một năm. Ở trong tù, người tôi nghĩ đến nhiều nhất là mẹ. Vì vậy, khi ra tù, tình cờ đọc được tập văn xuôi Bông hồng cài áo của thiền sư Thích Nhất Hạnh, những tình cảm trìu mến về mẹ lại bùng lên và tôi đã hoàn thành ca khúc Bông hồng cài áo sau đó”.
Nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ sinh ngày 15-11-1930 tại An Nhơn, Bình Định. Ông từng là phóng viên của Báo Quân đội Nhân dân (Phòng Chính trị Liên khu V). Sau hiệp định Genève, ông theo học Trường Quốc gia Âm nhạc kịch nghệ Sài Gòn (1954-1959). Ông là em ruột của nhà văn Phạm Văn Ký (nhà văn Pháp, gốc Việt, 1910-1992) và nhà thơ Phạm Hổ (1926-2007). Nhiều tài liệu cho rằng, ca khúc đầu tay của ông là Nắng lên xóm nghèo, nhưng theo ông tiết lộ thì đó là bản nhạc Đường về quê em. Ông mất ngày 16-1-2009. |
Ca khúc Bông hồng cài áo tuy dựa ý từ văn xuôi, nhưng lại mang nặng chất thơ và ca dao: “Mẹ, mẹ là dòng suối dịu hiền/ Mẹ, mẹ là bài hát thần tiên, là bóng mát trên cao, là mắt sáng trăng sao, là ánh đuốc trong đêm khi lạc lối/ Mẹ, mẹ là lọn mía ngọt ngào/ Mẹ, mẹ là nải chuối buồng cau, là tiếng dế đêm thâu là nắng ấm nương dâu, là vốn liếng yêu thương cho cuộc đời”. Những người chắp cánh cho ca khúc này đến với công chúng thành công nhất là các ca sĩ Miên Đức Thắng, Đăng Lan và Diệu Lý (người về sau thành bạn đời của Phạm Thế Mỹ). Cả ba đều trưởng thành từ Đội văn nghệ Vạn Hạnh. Miên Đức Thắng nói: “Phạm Thế Mỹ rất nghiêm khắc, đôi khi hơi khó tính, nhưng gần ông lâu mới hiểu ông sống rất chân tình và dìu dắt anh em đến nơi đến chốn”.
Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, Phạm Thế Mỹ công tác tại Phòng Văn hóa-Thông tin quận 4 (thành phố Hồ Chí Minh) cho đến khi về hưu. Trước khi mất, nằm trên giường bệnh, ông cũng kịp hoàn chỉnh 2 trường ca lớn là Con đường thế kỷ (đường Hồ Chí Minh) và Gió Củ Chi. Ông thường nhắc nhở các con: “Âm nhạc khó có thể nuôi sống mình nhưng phải có nó để làm đẹp cho mình, cho đời”.
TRẦN TRUNG SÁNG