.

Chủ tịch Hồ Chí Minh trong văn học - nghệ thuật

.

Với tinh thần xuyên suốt ca ngợi chủ nghĩa nhân văn Hồ Chí Minh nhìn từ phương diện nghệ thuật, thông qua các trước tác của Người, tập 9 trong bộ sách gồm 11 tập Hồ Chí Minh với văn nghệ sĩ - văn nghệ sĩ với Hồ Chí Minh do NXB Hội Nhà văn tổ chức biên soạn về cơ bản hoàn thành và chuẩn bị ra mắt công chúng trong thời gian sớm nhất.

Đại hội Văn nghệ toàn quốc lần thứ II vui mừng đón Chủ tịch Hồ Chí Minh tới thăm và nói chuyện (28-2-1957). (Ảnh tư liệu)
Đại hội Văn nghệ toàn quốc lần thứ II vui mừng đón Chủ tịch Hồ Chí Minh tới thăm và nói chuyện (28-2-1957). (Ảnh tư liệu)

Cuốn sách tập hợp 24 bài nghiên cứu được chia 5 nhóm vấn đề của các học giả hàng đầu trong nền học thuật Việt Nam từ những năm 60 của thế kỷ trước tới 10 năm đầu thế kỷ 21 như: Đặng Thai Mai, Trần Huy Liệu, Nguyễn Khánh Toàn, Hoàng Trung Thông, Xuân Diệu, Hoài Thanh, Đỗ Đức Hiểu v.v… Cùng với đó là các nhà Hồ Chí Minh học như: Thành Duy, Hồ Sĩ Vịnh, Song Thành (nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu Hồ Chí Minh và các lãnh tụ), Lữ Huy Nguyên, Hà Minh Đức, Phương Lựu… Mong muốn chung của đội ngũ tác giả là nhìn về Bác một cách toàn diện trong lĩnh vực văn học-nghệ thuật, nhưng xoáy sâu vào bình diện lý luận, phê bình văn học, đánh giá và nhìn lại tác phẩm Nhật ký trong tù, các vấn đề về văn xuôi của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nhìn vào đội ngũ tác giả có thể thấy có sự kế tiếp liên tục giữa các thế hệ nghiên cứu về vấn đề con người và sự nghiệp Hồ Chí Minh.

Trước tác và tư tưởng của Người

Tập 9 được chia thành 5 nhóm vấn đề: Nhóm thứ nhất bàn về các tác phẩm thơ văn của Bác, làm sáng rõ hơn những quan điểm nghệ thuật khi bàn về vai trò và ý nghĩa của các tác phẩm văn học-nghệ thuật của Người đối với sự nghiệp cách mạng dân tộc.

Văn học-nghệ thuật với Bác chỉ là công cụ để phục vụ tốt hơn công tác cách mạng. Vì lẽ ấy, thông qua các phương pháp như xã hội học, văn hóa lịch sử, tiểu sử học, phong cách học, thi pháp học..., các nhà nghiên cứu đã kết hợp việc nghiên cứu, tìm hiểu tác phẩm với các yếu tố ngoài tác phẩm, từ đó có cái nhìn sâu sắc và toàn diện hơn về sự nghiệp văn chương của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Nhóm thứ 2 là những vấn đề khung lý thuyết trong tư tưởng văn hóa-văn nghệ của Bác. Qua nghiên cứu, giới học thuật chỉ ra ý thức coi văn học như một công cụ với tinh thần mạch lạc, rõ ràng đã hình thành rất sớm ở Người. Và tư tưởng đó không ngừng được vun đắp và làm dày dặn thêm trong quá trình hoạt động cách mạng. Nhóm bài thứ 3 tập trung bàn về ngôn ngữ trong cách trình bày, diễn đạt, ngôn ngữ trong văn sáng tác cũng như văn chính luận của Bác. Nhóm thứ 4 đi vào các chủ đề chính được phản ánh trong trước tác của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Nhóm vấn đề thứ 5 tập trung làm sáng rõ nhân cách Hồ Chí Minh thông qua các sáng tác cũng như những bài chính luận. Qua đó để thấy, xuyên suốt và thấu rõ tư tưởng của Người suốt từ những năm tuổi trẻ cho tới phút cuối đời, trong văn phong luôn có sự nhất quán vì con người, chiến đấu cho hạnh phúc của con người.

Nhìn chung, giữa 5 nhóm vấn đề này có sự giao thoa, xen kẽ lẫn nhau. Qua đó, cả người viết lẫn công chúng thưởng thức văn học đều có thể tìm thấy những bài học bổ ích và lý thú, nhất là trong xu thế toàn cầu, hội nhập hiện nay.

Nét mới trong tư liệu

Trong quá trình làm sách, nhóm biên tập đã dày công sưu tầm tư liệu từ nhiều nguồn khác nhau và trên cơ sở đó tiến hành so sánh, đối chiếu để tìm ra tư liệu tối ưu. Chẳng hạn, có những bài cùng viết về chủ đề, như bàn về truyện Nhật ký chìm tàu, những người soạn sách chọn tác phẩm của chuyên gia viết đầy đủ nhất, nhiều tư liệu nhất và cũng có chất lượng văn chương nhất. Trường hợp cùng một đề tài, nếu người ở thế hệ sau có bài viết hay hơn thì vẫn chọn đưa vào sách, không quá câu nệ. Chẳng hạn, có nhiều bài viết của GS Hoàng Xuân Nhị không còn đúng nữa về mặt văn bản học, các nhà làm sách đã chọn bài của ông Trần Huy Liệu. Còn với các đánh giá về mặt khoa học lịch sử, họ chọn bài của GS Nguyễn Khánh Toàn.

Có những tài liệu không còn phù hợp với bối cảnh của thế kỷ 21 về mặt tư liệu. Chẳng hạn, về cách hiểu bài Du kích ca của Bác, có những học giả viết chưa chính xác, có người chỉ ra được điển tích, chỉ ra việc Bác đã kế thừa bao nhiêu phần trăm trong thơ Đường, bao nhiêu phần trăm trong tác phẩm Tam quốc diễn nghĩa. Việc này cần được minh định để người đời sau khi học tập tư tưởng của Bác sẽ thấy rằng, Bác kế thừa trên cơ sở có dụng ý cách mạng rõ ràng. Tức là, Bác học tập tinh hoa văn chương nước ngoài, nhưng phải học và vận dụng đúng ngữ cảnh, chứ không phải vì sính ngoại. Ngoài ra, cũng có nhiều bài của các chuyên gia, GS đầu ngành nhưng lại thiên về bình giảng văn học hay chỉ là bài nói chuyện, xa với văn học viết thì họ cũng không đưa vào sách.

Có thể dẫn ra một số trường hợp về nét mới trong tư liệu, chẳng hạn, đã có nhiều người viết về Tuyên ngôn độc lập, về bản Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhưng GS Song Thành chỉ ra được cái gọi là cốt lõi của văn hóa người Việt thông qua cách lựa chọn những dẫn chứng của Bác trong bản Tuyên ngôn độc lập. Đó là khi Người dẫn ra các ý trong tuyên ngôn độc lập của Pháp và của Mỹ. Hay GS Phương Lựu, bằng phương pháp tiểu sử học, ông chỉ ra chính nền tảng căn cốt của văn hóa phương Đông đã giúp Chủ tịch Hồ Chí Minh không dễ bị choáng ngợp hay mê hoặc khi tiếp xúc với văn hóa phương Tây. GS Đỗ Đức Hiểu còn đối sánh văn học của Người trong bối cảnh văn học phương Tây, từ đó để thấy những truyện ngắn của Chủ tịch Hồ Chí Minh đều mang âm hưởng thời đại. Không những thế, GS Đỗ Đức Hiểu chỉ ra các ưu điểm, vị thế của truyện ngắn Hồ Chí Minh trong tổng thể lịch sử văn học Việt Nam.

Còn nhiều khoảng trống cần nghiên cứu

Trong cảm nhận của nhóm làm sách, có những học giả, cả đời học tập, nghiên cứu ở nước ngoài cũng đã dày công nghiên cứu các vĩ nhân trong lịch sử loài người, nhưng khi nghiên cứu về con người và sự nghiệp Chủ tịch Hồ Chí Minh, họ vẫn thấy bị những giá trị tư tưởng của Người chinh phục. Điều đáng nói, chính bản thân họ, vì lòng kính nể, có nhu cầu tự thân tìm hiểu về kho trước tác đó cũng như về tư tưởng Hồ Chí Minh.

Anh Nguyễn Văn Sơn, biên tập viên NXB Hội Nhà văn, một thành viên trong ban biên tập sách cho biết, khi tới gặp các nhà nghiên cứu, các nhà Hồ Chí Minh học như Hồ Sĩ Vịnh, Thành Duy, Phương Lựu, Song Thành, Nguyễn Đình Chú…, lúc anh đặt vấn đề tìm hiểu các bài nghiên cứu về Người, anh thấy họ đều lặng đi một thoáng. Thoạt đầu, anh chưa hiểu chuyện gì, nhưng sau mới biết, các học giả, hầu hết cao niên, đều đã rất xúc động khi đề cập vấn đề này. Họ nhắn nhủ: “Các anh phải làm thật cẩn thận về Bác, Bác lớn lắm, vĩ đại lắm”.

GS Hoàng Như Mai hiện sống ở thành phố Hồ Chí Minh, qua điện thoại trao đổi với biên tập viên NXB, giọng rưng rưng xúc động. GS cho biết, ông đã dành cả đời nghiên cứu về thơ văn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhưng tới nay thấy vẫn còn nhiều khoảng trống chưa thể nghiên cứu hết. Vậy nên ông hy vọng sẽ có những người sau ông tiếp tục nghiên cứu thơ văn Người. Theo GS Hoàng Như Mai, ngày nay, khi thế giới đang có rất nhiều lý thuyết, trào lưu, xu hướng nghiên cứu mới, ông thấy cần phải đọc lại trước tác của Bác. Ông không có tham vọng lấp hết khoảng trống cho lý thuyết văn học thế kỷ 21, nhưng theo ông, chắc chắn công việc này sẽ đem lại rất nhiều gợi mở. GS Hoàng Như Mai cho rằng, “ở Ông Cụ, đó là một giá trị vô cùng lớn, rất giàu tiềm năng cho nghiên cứu. Về mặt triết học, người ta mới chỉ thấy cái bề ngoài, bề nổi ở Cụ. Nên chúng ta cần nghiên cứu nhiều hơn nữa, sâu hơn nữa về Cụ”.

GS Hà Minh Đức tâm sự, ông đã viết rất nhiều công trình về Chủ tịch Hồ Chí Minh và cũng đã được giải thưởng lớn từ những công trình đó, nhưng tự bản thân ông thấy vẫn chưa xứng đáng với tầm vóc của Người. Hay như GS,TSKH Phạm Đức Dương, nguyên Viện trưởng Viện Đông Nam Á học, trước đây từng dự định cùng GS Trần Quốc Vượng viết chung một cuốn sách có tên Chủ nghĩa nhân văn từ Trần Nhân Tông đến Hồ Chí Minh. Bước sơ thảo, Phạm Đức Dương viết về bối cảnh văn hóa Đại Việt thời Trần Nhân Tông, còn GS Trần Quốc Vượng phác thảo đề cương Hồ Chí Minh - con người chuyên chở những giá trị Đông, Tây kim cổ. Tuy nhiên, năm 2005, GS Trần Quốc Vượng lâm bệnh nặng qua đời, còn lại mình GS Phạm Đức Dương vẫn nghiên cứu vấn đề về Trần Nhân Tông. Ông hy vọng nếu trời cho ông sức khỏe, sau khi hoàn thành phần viết về Trần Nhân Tông, ông sẽ tiếp tục viết phần về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ông cũng tâm sự rất ý nhị rằng, đó là công việc ông làm không phải vì để thêm một chút danh lợi, mà chỉ bởi lòng yêu kính với Người và ông thấy cần tìm hiểu để nhận thức rõ hơn những giá trị tư tưởng đích thực của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Tập sách thứ 9 trong bộ sách Hồ Chí Minh với văn nghệ sĩ - văn nghệ sĩ với Hồ Chí Minh sẽ là một cách tiếp cận nữa, sâu sắc hơn với mỗi độc giả với thế giới tư tưởng và nghệ thuật của Người. Và hẳn nhiên, những người làm sách mong muốn, qua cuốn sách, độc giả không chỉ thêm hiểu và yêu kính hơn các giá trị tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh, mà qua đó còn xây dựng cho mình những hệ giá trị riêng, từ đó làm giàu thêm cho vốn tri thức cũng như hiểu biết về văn chương cũng như cuộc sống.

DƯƠNG KIM THOA
 

;
.
.
.
.
.