Nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo cho rằng, không thiếu các nhạc sĩ tài năng ở Đà Nẵng hay các nhạc sĩ cả nước đến với Đà Nẵng, nhưng họ vẫn chưa có cái duyên để làm nên bài hát mà người Đà Nẵng đang cần. Cái duyên đó chính là một sự cộng hưởng giữa Đà Nẵng và trái tim nhạc sĩ.
Nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo trong chuyến thăm Mỹ. (Ảnh do nhân vật cung cấp) |
Tôi quen biết Nguyễn Trọng Tạo đã hơn 20 năm. Ngày ấy ở Huế, tôi làm báo, còn anh làm văn nghệ nên anh em thỉnh thoảng gặp nhau ở nhà “bậc trưởng lão” Hoàng Phủ Ngọc Tường, trước là lai rai vài xị rượu gạo với xoài, me, cóc, ổi…, sau nữa là trao đổi vài điều về văn chương thơ phú mà tôi luôn là người nghe… Bởi lúc đó, trong mắt tôi - một sinh viên mới ra trường - anh đã là người nổi tiếng trong giới văn nghệ với những nhạc phẩm để đời như Làng quan họ quê tôi, Mặt trời trong thành phố, Khúc hát sông quê…; chưa kể các sáng tác văn học như thơ, truyện ngắn khác.
Sau 1990, Nguyễn Trọng Tạo ra Quảng Trị cùng nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường và nhà văn Nguyễn Quang Lập lập nên Tạp chí Cửa Việt, rồi sau đó anh lại chuyển ra Hà Nội…
Tôi gặp lại anh tại Đà Nẵng trong dịp hè này bên những người bạn như nhạc sĩ Đình Thậm, nhà văn Trần Kỳ Trung…, chúng tôi đã có những trao đổi xung quanh nguyên nhân đến bây giờ Đà Nẵng vẫn chưa có được bài hát đi vào lòng người dân cả nước…
* Anh nghĩ gì khi đến nay, thành phố Đà Nẵng vẫn chưa có được một ca khúc đi vào lòng người để khi những ca từ đó vang lên thì người ta nghĩ ngay về thành phố bên sông Hàn, kiểu như khi nghe “Dù có đi bốn phương trời…” của nhạc sĩ Hoàng Hiệp thì nhớ về Hà Nội, hay như “Trời mô xanh bằng trời Can Lộc…” trong bài hát Người con gái sông La của Doãn Nho là nghĩ đến đất và người Hà Tĩnh...?
- Thực ra, Đà Nẵng có những bài hát hay như Đà Nẵng tình người của nhạc sĩ Đình Thậm, Chiều Đà Nẵng của cố nhạc sĩ Trần Hoàn… Cái hay ở đây là nhạc sĩ sáng tác về Đà Nẵng khai thác những mảng đề tài riêng biệt như tình yêu quê hương, ngành, nghề…; riêng nhạc sĩ Trần Tiến đã có gần chục bài hát, mỗi bài mỗi vẻ cũng đã gây được sự xúc động nhất định. Nhưng để có một bài hát khái quát về Đà Nẵng hôm nay và “phủ sóng toàn quốc”, đi qua năm tháng thì hình như chưa có. Có lẽ người Đà Nẵng cũng rất thích một bài hát như thế, như Hải Phòng có bài Thành phố hoa phượng đỏ, Hà Tĩnh có Một khúc tâm tình người Hà Tĩnh, v.v… Tôi nghĩ không thiếu các nhạc sĩ tài năng ở Đà Nẵng hay các nhạc sĩ cả nước đến với Đà Nẵng, nhưng họ vẫn chưa có cái duyên để làm nên bài hát mà người Đà Nẵng đang cần. Cái duyên đó chính là một sự cộng hưởng giữa Đà Nẵng và trái tim nhạc sĩ.
Sáng tạo đôi khi như trời cho. Tôi tin rồi trời cũng “cho” Đà Nẵng một bài hát vừa riêng cho Đà Nẵng, lại vừa chung cho tất cả mọi người. Người ta thường nói “cầu được ước thấy”. Vậy thì Đà Nẵng cứ hãy mơ về nó và chắc chắn sẽ được thấy nó thôi… Không chóng thì chầy, không thể không có một bài hát “thành phố ca” cho Đà Nẵng đang vươn vai từ đại ngàn ra biển lớn, bởi thành phố này xứng đáng với điều đó!
* Nhà văn, nhà giáo Hoàng Ngọc Hiến từng nhận xét về thơ của Nguyễn Trọng Tạo là thơ của những cái chớp mắt… với những cảm hứng không hề dễ dãi… Và ở đó có cả nhạc điệu nữa để làm nên những sắc màu long lanh… Mối quan hệ lương duyên giữa nhà thơ và người nhạc sĩ sẽ làm cho các ca khúc thêm lay động thính giả. Vậy thơ tôn vinh nhạc hay nhạc tôn vinh thơ?
- Không hẳn thơ hay là có tác phẩm nhạc hay, nhiều bài thơ khi đến với công chúng qua tác phẩm âm nhạc đã được nâng lên, làm sang nhờ nhạc. Ngược lại, cũng có những bản nhạc được phổ từ những bài thơ hay, nhưng cũng không vì thế mà nổi tiếng và được công chúng biết đến nhiều. Ở đây là mối lương duyên và sự đồng điệu của nhà thơ và nhạc sĩ. Tôi rất đồng ý với nhạc sĩ Đình Thậm khi cho rằng không phải lúc nào “thơ đi tới đâu là nhạc bâu tới đó”.
* Trước áp lực của công chúng luôn đòi hỏi cần có một ca khúc hay về thành phố, chính quyền Đà Nẵng đã tổ chức nhiều cuộc vận động sáng tác ca khúc hay về thành phố với những giải thưởng có giá trị lớn, rồi những nhạc sĩ nổi tiếng của Việt Nam đương đại cũng đã về đây, nhưng vẫn chưa đáp ứng được đòi hỏi của công chúng? Theo anh, nguyên nhân là gì?
- Cũng đã có nhiều bài thơ hay về Đà Nẵng như bài Đà Nẵng của nhà thơ Đoàn Thị Lam Luyến với những câu như: …Rồi từng ngày hoang dại/Rồi từng đêm thơ ngây/Em vỡ hoang quá khứ/ Để biển anh đong đầy. Hoặc hai câu kết của bài thơ… Ngày em xa Đà Nẵng/Hồn em treo cột buồm! Nhưng để có được bài hát hay từ đó là điều không dễ. Như tôi đã nói ở phần đầu, có lẽ là các nhạc sĩ đang thiếu cái duyên thì đúng hơn, vì ở đây đã sẵn có mọi thứ thiên thời, địa lợi, nhân hòa…, thế nhưng vẫn chưa có được “Đà Nẵng ca” thật sự được công chúng cả nước biết tới.
* Với những sáng tác gần đây của các nhạc sĩ ở Đà Nẵng, nếu có sự góp ý, anh sẽ nói gì?
- Tôi luôn quan tâm đến các hoạt động văn hóa nghệ thuật nói chung và mảng đời sống âm nhạc nói riêng của Đà Nẵng, vì ngoài việc đây là “thành phố đáng sống”, tôi còn có những người bạn thân ở nơi này như nhà văn Thái Bá Lợi, nhạc sĩ Đình Thậm, nhà báo Ngô Quy Nhơn… và nhiều người bạn văn nghệ khác. Nếu nói góp ý cho một tác phẩm âm nhạc cụ thể, tôi xin mạo muội đề nghị nhạc sĩ Đình Thậm sửa hai chữ cuối của bản nhạc Huyền diệu sông Hàn (phổ thơ Đỗ Quý Doãn) từ sông Hàn huyền diệu sáng lung linh thành sông Hàn huyền diệu ánh trăng nghiêng…, vì từ đó sẽ nói được nỗi nhớ đến quay quắt của ai đó khi nghĩ về Đà Nẵng.
* Xin cảm ơn anh về cuộc trao đổi này, mong anh có được một tác phẩm để đời cho Đà Nẵng!
CHUNG ANH thực hiện