Với những người quen sống nơi thị thành, thân thuộc với phố phường chật chội, mỗi năm hay vài ba năm được đứng trước biển một lần, thường cảm thấy choáng ngợp. Choáng ngợp rồi thích thú hít căng lồng ngực vì cái vị mặn mòi của biển, tung tẩy từng bước chân trên cát, đùa cùng sóng biển, để rồi một vài ngày sau lại quay về với không gian sống thường nhật của mình.
Còn với cư dân sống suốt dọc dài các vùng biển Việt Nam, biển với họ là nhà, là đường phố, là cánh đồng màu mỡ, là nơi chốn gần gũi thân quen.
Biển cả mênh mông, đẹp đấy, lãng mạn đấy, giàu có đấy, bao dung đấy mà cũng vô cùng ác liệt, dữ dội. Nhưng họ sinh ra đã thấy biển và luôn ý thức một điều: có thể ra đi trong sóng nước biển khơi. Như những người lính của hải đội Hoàng Sa trên đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) năm xưa, thân xác họ đã hòa vào sóng nước quê hương để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, dù trước khi đi, ai nấy đều đã được làm lễ thế mạng với những hình nhân. Mỗi chuyến đi thường kéo dài 6 tháng, trong không gian sống trên thuyền nhỏ nhoi giữa biển, họ vẫn để bên mình một đôi chiếu, 7 đòn tre, 7 sợi dây mây, 1 thẻ bài, nếu không may ngã xuống thì đôi chiếu kia, chiếu đòn tre kia và sợi dây mây này sẽ là vật dụng để bạn thuyền bó xác họ rồi thả xuống biển, nổi giữa trùng khơi với hy vọng thân xác này sẽ trôi về nơi bản quán. Vì vậy, hằng năm, các tộc họ trên huyện đảo Lý Sơn tổ chức lễ khao lề tế lính Hoàng Sa - nghi thức dân gian mang đậm màu sắc của của cư dân miền biển.
Một nghi thức để người sống tri ân những người nằm lại với biển xanh, để nhắc nhở người đang sống về giá trị thiêng liêng của bờ cõi.
Và cư dân biển, bao đời nay cuộc sống vẫn gắn liền với biển. Ở huyện đảo Lý Sơn bây giờ, tàu thuyền tấp nập, bất kể ngày đêm hay dưới cái nắng trưa như đổ lửa.
Trời vẫn xanh, biển vẫn xanh như ngàn năm vẫn vậy. Cuộc mưu sinh cũng là ra với biển, thân với biển, bám vào biển để nhận lấy sản vật phong phú mà biển và bà mẹ thiên nhiên ban tặng. Và hơn thế nữa, những ngư dân vạm vỡ coi biển như cánh đồng, như làng xóm chính là những “cột mốc chủ quyền” để góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo, biên giới lãnh hải Việt Nam.
Trong không gian sống của người đi biển, ngoài màu xanh của biển trời, màu trắng của những con sóng bạc, còn có màu đỏ của những lá cờ Tổ quốc. Chiếc thuyền nào cũng có ít nhất một lá cờ như thế, kiêu hãnh giữa trùng khơi. Những lá cờ thấm nắng, thấm mưa, thấm gió biển nhưng luôn bay phần phật trên các chuyến tàu thuyền làm người dân nơi đây thấy rõ hạnh phúc cũng như vinh dự, trách nhiệm của mình nơi đầu sóng ngọn gió.
Còn du khách đến đây không thể không rưng rưng. Đó là hình ảnh còn lưu lại rất lâu trong tâm trí để một mai lại muốn tạm xa phố xá về sống với biển.
NGUYỄN THANH BÌNH