Từ cuối tháng 3-1986, bên cạnh Báo Quảng Nam-Đà Nẵng (QNĐN) khổ lớn phát hành 4 số/tuần có thêm ấn phẩm QNĐN-Chủ nhật khổ nhỏ (khoảng 20cm x 30cm) phát hành mỗi tuần một kỳ (số đầu tiên phát hành ngày 23-3-1986). Đây là ấn phẩm dạng “đặc san” nằm trong quy trình tập dượt, chuẩn bị cho điều kiện quy trình - nhân sự - nội dung “chín muồi” để Báo QNĐN tiến đến ra hằng ngày vào năm 1996 sau này.
Nhà thơ Phùng Quán (khoảng năm 1987) |
Ngay sau khi QNĐN-Chủ nhật ra đời, bản thân nó đã mang một “dáng dấp cơ chế mới”, bao gồm tổ chức bộ máy vận hành, lực lượng viết và nội dung chuyển tải. Về tổ chức rất gọn nhẹ, gồm tôi lúc ấy là Phó Tổng Biên tập (sau ngày 1-4-1986 là quyền Tổng Biên tập) phụ trách chung, một phóng viên chuyên trách là Nguyễn Trung Dân cùng với hai hợp đồng phát hành là Phạm Phúc và anh Nguyễn Ngọc Hải.
Về lực lượng viết, ngoài phóng viên trong cơ quan tham gia thì chủ yếu là huy động cộng tác viên. Riêng nội dung, ngoài “bài đinh” là trang chuyên đề nóng mang tính thời sự trong tỉnh, còn mở ra nhiều lĩnh vực phong phú như văn hóa văn nghệ, thể thao, sưu tầm, giải trí, v.v... Đáng kể nhất, tuy tờ báo mới ra đời, chất lượng giấy xấu và kỹ thuật in ấn còn lạc hậu nhưng đã thu hút rất đông cộng tác viên trong và ngoài tỉnh; trong đó có rất nhiều người thuộc giới văn nghệ sĩ - báo chí có tên tuổi lúc bấy giờ.
Tờ QNĐN-Chủ nhật trở thành “hiện tượng” khi phát hành lên đến hai vạn số/kỳ và có mặt ở nhiều địa bàn: thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, miền Tây Nam bộ, miền Trung-Tây Nguyên, v.v... Việc đóng gói gửi báo cho các nơi xa khiến hai anh em phát hành Phúc-Hải trở nên khẩn trương và vất vả gấp bội (nhưng bên cạnh đó là niềm vui). Các “đại lý” và quầy báo trong thành phố Đà Nẵng nhiều khi sốt ruột không đợi được người của Báo QNĐN đến “bỏ báo”, đã chủ động đến ngay nhà in từ bốn rưỡi, năm giờ sáng để nhận báo...
Công việc cứ theo cái đà ấy tiến triển cho đến một ngày xảy ra một “sự kiện” liên quan đến một nhà văn - nhà thơ nổi tiếng nhưng phải trải qua một khoảng thời gian đầy cay đắng, trắc trở trong 30 năm. Đó là Phùng Quán...
Một ngày đầu tháng 2 năm 1987, Nguyễn Trung Dân đi Huế về đưa cho tôi 4 trang giấy Tân mai đã ngả màu vàng được đính với nhau ở đầu góc bằng cơm. Đó là bản viết tay “Trường ca cây cà” của nhà thơ Phùng Quán. “Trường ca” có 6 chương, gồm: Chương 1 - Cây cà; Chương 2 - Thương cây cà; Chương 3 - Lời cây cà; Chương 4 - Cà Gióng; Chương 5 - Cà Nghệ và Chương kết – tất thảy là 56 câu! Dưới trang cuối “Trường ca” có ghi năm sáng tác là 1980 và có chữ ký của Phùng Quán.
Trước đó tuy chưa một lần được gặp Phùng Quán, nhưng cái tên của ông đối với tôi không xa lạ gì! Ngay khi học lớp 4G – Trường Học sinh miền Nam số 21 ở Cầu Rào-Hải Phòng năm 1958, tôi đã thích thú đọc quyển Vượt Côn Đảo của ông. Rồi sau đó, tôi được biết ông tham gia Nhóm Nhân văn Giai phẩm, bị khai trừ khỏi Hội Nhà văn Việt Nam và bị đi “cải tạo” lao động ở một số địa phương, đơn vị trên miền Bắc. Tên tuổi ông không còn xuất hiện trên văn đàn nữa. Bẵng đi mấy chục năm, đến 1987 này tôi mới được cầm trên tay “Trường ca cây cà” của ông.
Đọc qua trường ca, tôi thấy cảm xúc thật mới lạ. Lạ ở chỗ gọi là trường ca, có 6 chương nhưng vỏn vẹn chỉ có 56 câu. Nó khác xa những trường ca của những tác giả mà tôi đã từng đọc và yêu mến như: “Trường ca chim Chrao” của Thu Bồn; trường ca “Con đường của những vì sao” của Nguyễn Trọng Tạo, v.v... Cảm xúc mới lạ còn ở chỗ nét thâm trầm, ẩn dụ và ý tứ sâu xa, sắc sảo của những câu thơ, khổ thơ thể hiện trong trường ca.
Tôi băn khoăn hỏi Nguyễn Trung Dân vì sao bản trường ca được sáng tác từ 1980 mà chưa được nơi nào in, nay lại gửi đăng ở báo mình. Rồi tôi lại hỏi Dân có biết Phùng Quán là ai không? Dân cho biết ông Quán có gửi cho Tạp chí Sông Hương ở Huế, nhưng có lẽ vì lý do nào đó, Tạp chí Sông Hương không đăng nên ông lại gửi cho QNĐN-Chủ nhật. Dân còn cho biết, ông Phùng Quán đã được khôi phục biên chế năm 1964 và nhận công tác ở một số cơ quan ở Trung ương. Ông cũng đã viết nhiều tác phẩm thơ, văn xuôi, truyện tranh, v.v... nhưng dưới những cái tên khác được in rải rác đây đó. Qua một số tác phẩm của Phùng Quán và bài viết về Phùng Quán, tôi biết thêm sau vụ Nhân văn Giai phẩm, Phùng Quán bị tước quyền sáng tác xuất bản trong 30 năm qua. Vì lẽ đó, những tác phẩm của Phùng Quán được ấn hành phải mượn tên của người khác và ông gọi đó là “in chui”.
Cầm bản thảo “Trường ca cây cà” của Phùng Quán trên tay, tôi phải đắn đo, suy nghĩ rất căng trước khi quyết định. Bởi giờ đây, tôi là quyền Tổng Biên tập của một tờ báo Đảng địa phương, là người phải chịu trách nhiệm cao nhất trước Luật Báo chí, tuân thủ những kỷ cương, kỷ luật tuyên truyền trên lĩnh vực văn hóa-văn nghệ của Đảng, cũng như chịu áp lực trái chiều của người đọc. Trong lúc còn băn khoăn, tính toán thiệt hơn về quyết định của mình, trong tôi chợt lóe lên tinh thần đổi mới của Đại hội VI của Đảng do đồng chí Nguyễn Văn Linh làm Tổng Bí thư với câu khẩu hiệu nổi tiếng: “Nhìn thẳng vào sự thật, phản ánh đúng sự thật, đánh giá đúng sự thật”, “Hãy cởi trói cho văn nghệ sĩ”.
Tinh thần của những câu khẩu hiệu trên cũng như những chuyên mục: “NVL”, “Những việc cần làm ngay” đăng trên trang nhất Báo Nhân Dân của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh như kim chỉ nam và tiếp cho tôi nguồn nghị lực, ý chí và năng lượng mới để đi đến quyết định cho đăng “Trường ca cây cà” mang tên tác giả Phùng Quán trên Báo QNĐN-Chủ nhật số 7, ngày 15-2-1987. Rất tiếc do lỗi kỹ thuật nên khi in chương 3 – Lời cây cà không có trong bài. Nguyên văn chương này như sau: Biết khổ đấy mà không ngại khổ/ Vì đất sinh là để làm cà/ Mặc cho sâu róm đầy cành/ Rễ còn bám đất/ Còn khôn nguôi tím nguôi xanh... (tôi đã tạ lỗi cùng tác giả).
Tờ báo phát hành, trở thành một “sự kiện” với những cách nhìn, đánh giá trái chiều trong bạn đọc, trong lãnh đạo các cơ quan chức năng của tỉnh; từ đó dần lan ra nhiều địa phương nơi tờ báo QNĐN-Chủ nhật số 7 ngày 15-2-1987 xuất hiện...
Sau khi báo ra được ít ngày, nhà thơ Phùng Quán đến Tòa soạn gặp tôi. Ông mặc bộ bà ba nâu, đầu đội mũ lá, vai mang chiếc bị cói và chân đi đôi dép lốp tự làm. Ông tỏ ra bối rối và như có phần ái ngại cho tôi. Ông nói rằng: Vì in “Trường ca cây cà” mà ông bị Công an theo dõi và chắc rằng tôi sẽ bị vạ lây. Tôi an ủi ông và bảo ông không việc gì phải lo lắng ái ngại. Tôi cũng cam đoan với ông rằng mọi điều xảy ra dù kết cục thế nào đi chăng nữa với việc đăng “Trường ca cây cà” chỉ có tôi chịu trách nhiệm mà thôi.
Ngoài nhuận bút tác giả, tôi còn quyết định tặng ông 200 tờ báo QNĐN-Chủ nhật 15-2-1987. Hai trăm tờ báo đó, nhân dịp gặp mặt văn nghệ sĩ đầu xuân ở Huế, nhà thơ Phùng Quán đem ra làm quà tặng bạn bè. Và... lại thêm một “sự cố” nữa xảy ra do 200 tờ báo này đem lại.
Số là, có lẽ trong lúc không kìm được cảm xúc sau 30 năm bao lần phải mượn tên người khác cho tác phẩm của mình mà ông gọi là “in chui”; giờ đây tên ông mới đường đường, chính chính để trong tác phẩm và được in công khai trên báo Đảng địa phương. Ông tức cảnh làm 4 câu thơ và ghi trên các tờ báo làm quà tặng: “Ba mươi năm trước tôi chết giữa Hồng Hà sóng dữ/ Nay lại hồi sinh giữa xanh thẳm Hàn Giang/ Chính cây cà quê mùa lao lực/ Đã cho tôi dũng khí bền gan”.
Bốn câu thơ này lập tức gây nên một đợt sóng cồn mới... Lại dấy lên những tranh luận, suy diễn theo cách nghĩ, cách cảm nhận của mỗi người khác nhau khi đọc nó.
Theo thời gian, vừa là nhân chứng, vừa là trọng tài khách quan, có thể kết luận rằng: Báo QNĐN-Chủ nhật là nơi đã trả lại tên thật cho nhà văn-nhà thơ Phùng Quán sau 30 năm mất tích trên văn đàn Việt Nam. Từ dấu ấn này, Tạp chí Sông Hương tiếp tục đăng những bài viết của Phùng Quán và để tên thật của ông. Một số tờ báo, tạp chí, NXB cũng lần lượt đăng những sáng tác với bút danh Phùng Quán một cách minh bạch - xóa nạn “in chui” cho ông. Năm 1998, ông được phục hồi Hội tịch Hội Nhà văn Việt Nam để rồi chính thức từ đó trở đi, cái tên Phùng Quán lại gắn liền với những tác phẩm nổi tiếng như “Thơ Phùng Quán”, tiểu thuyết “Trăng hoàng cung”, bộ tiểu thuyết “Tuổi thơ dữ dội”... Năm 2007, ông được Chủ tịch nước trao tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật.
Cũng xin nói thêm, sau khi tác phẩm “Trường ca cây cà” ra mắt bạn đọc không lâu, ngày 23-2-1987, tôi nhận được quyết định điều động đến nhận công tác và giữ chức vụ Phó Văn phòng Tỉnh ủy QNĐN từ ngày 1-3-1987. Tất nhiên lúc đó, tôi đã hiểu rằng việc điều động này là do yêu cầu công tác của Thường vụ Tỉnh ủy QNĐN đối với bản thân tôi chứ không liên quan gì đến việc QNĐN-Chủ nhật đã đăng “Trường ca cây cà” của Phùng Quán như nhiều người vẫn nghĩ, vẫn nói... Tháng 7-1992, tôi rời chức vụ quyền Chánh Văn phòng Tỉnh ủy QNĐN về giữ chức Tổng Biên tập Báo QNĐN và Báo Đà Nẵng sau khi chia tách cho đến lúc nghỉ hưu.
Trở lại làm báo ở cương vị Tổng Biên tập, nhiều lần trên Báo QNĐN và Báo Đà Nẵng tôi vẫn tiếp tục cho đăng những bài viết về con người và sự nghiệp văn-thơ Phùng Quán. Nhất là trong dịp ngày giỗ ông hoặc trên các số báo đặc biệt như số Tất niên, Báo Xuân – Tết Nguyên đán, với thành ý để bạn đọc ngày càng hiểu đúng hơn về con người và sự nghiệp Phùng Quán. Tôi nhớ trong một số Báo Đà Nẵng-Cuối tuần năm 2002, có đăng bài viết của nhà thơ Nguyễn Bùi Vợi với tiêu đề “Gần nửa thế kỷ đi qua, bài thơ “Chống tham ô lãng phí” vẫn nguyên tính thời sự”. Đây chính là bài thơ của Phùng Quán in trên Giai phẩm mùa thu – tháng 10-1956, cũng là tác phẩm độc nhất mà ông tham gia vào Nhóm Nhân văn Giai phẩm, để rồi sau đó bị quy kết chống Đảng, bôi đen chế độ và ông đã phải trả giá quá đắt vì nó!
Đúng như nhận xét của nhà thơ Nguyễn Bùi Vợi: “Bài thơ “Chống tham ô lãng phí” là bài thơ về đề tài chính trị-xã hội, trong đó nhà thơ Phùng Quán có cái nhìn hiện thực đời sống, phát hiện những vấn đề bức thiết của cuộc sống hàng chục triệu người lao động...”. Ông đã đứng về phía nhân dân, bảo vệ quyền lợi của nhân dân, lên án những kẻ tham ô lãng phí, quan liêu mà Đảng đã phê phán, đấu tranh nhằm loại trừ chúng ra khỏi đời sống xã hội. Phùng Quán đã viết lên bài thơ bằng gan ruột của mình với mong muốn được hành động, muốn đi trong hàng ngũ tiên phong của Đảng để trừ diệt tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí. Đấy chẳng phải là tài năng, bản lĩnh của nhà thơ chống lại cái ác, cái xấu hay sao? Chẳng phải chỗ dựa vững chắc của bài thơ là Nhân Dân và Đảng hay sao?
Hiện nay trong đời sống xã hội, tham nhũng đã trở thành quốc nạn hoành hành ở các cấp, các ngành mà chúng ta chưa có biện pháp chống trả hữu hiệu, thì rõ ràng bài thơ “Chống tham ô lãng phí” của Phùng Quán vẫn giữ nguyên giá trị và càng mang đậm tính nhân văn, tính thời sự sóng hổi của nó...
NGÔ QUY NHƠN