Về Đồng Tháp, đến thị xã Sa Đéc thăm nhà cổ Huỳnh Thủy Lê, du khách được nghe câu chuyện tình lãng mạn của một cô gái Pháp và chàng công tử người Hoa giàu có vào những năm đầu thế kỷ 20.
Câu chuyện đã được đạo diễn Jean-Jacques Annaud dựng thành phim Người tình, chuyển thể từ tác phẩm cùng tên của nữ văn sĩ Marguerite Duras từng lấy không ít nước mắt của nhiều người xem.
Với kiến trúc Đông - Tây hòa quyện, nhà cổ Huỳnh Thủy Lê có giá trị vượt thời gian. Ảnh: HOÀNG HÂN |
Bộ phim Người tình được dàn dựng công phu với nhiều cảnh quay tại Việt Nam như: dòng sông Tiền thơ mộng, bến phà Mỹ Thuận náo nhiệt, thành phố Sài Gòn hoa lệ…, và đặc biệt là ngôi nhà cổ Huỳnh Thủy Lê được lấy làm bối cảnh chính trong phim.
Giao thoa văn hóa Đông - Tây
Với nét đặc trưng của biệt thự kiểu Tây Âu ở bên ngoài kết hợp hài hòa với kiến trúc phương Đông ở bên trong, những ai đến thăm quan nhà cổ Huỳnh Thủy Lê đều không khỏi ngạc nhiên và thán phục bàn tay tài hoa của những người thợ vùng đất Sa Đéc.
Ngôi nhà cổ do ông Huỳnh Cẩm Thuận, thương gia người Hoa nổi tiếng giàu có bậc nhất một thời ở Sa Đéc, giao lại con trai út là Huỳnh Thủy Lê thừa kế. Ngôi nhà được xây dựng vào năm 1985 với vật liệu chính là gỗ quý mang dáng dấp của ngôi nhà ba gian truyền thống vùng Tây Nam Bộ. Bên cạnh đó, cũng có nhiều vật liệu được nhập từ Pháp như gạch men, sắt thép, vôi vữa... càng chứng tỏ mức độ “chịu chơi” của gia chủ.
Lối vào chính diện khu nhà cổ là những vòm cửa mang dáng cong theo kiểu La Mã được chạm trổ nhiều phù điêu cây cỏ và chim muông, trong khi mái nhà mang hình thuyền của miền Tây sông nước. Bên trong nhà cổ còn giữ nhiều vật dụng quý giá như chiếc máy hát, tủ bếp, phản gỗ… đều có tuổi đời trên 130 năm. Với những dấu tích còn lại cùng thời gian, ngôi nhà cổ đã phản ánh phần nào cuộc sống xa hoa, sung túc của dòng họ Huỳnh mà người dân thời bấy giờ hết lòng ngưỡng vọng.
Hơn một thế kỷ đã trôi qua, chiến tranh và bom đạn cùng với những biến động của lịch sử nhưng nhà cổ Huỳnh Thủy Lê vẫn vẹn nguyên kiến trúc cũ. Cùng với sự giao thoa độc đáo giữa nền văn hóa Đông - Tây, ngôi nhà cổ đã minh chứng cho cuộc tình không biên giới của nữ nhà văn Marguerite Duras và người tình đầu tiên của bà là ông Huỳnh Thủy Lê, tạo cảm hứng cho bà viết tiểu thuyết Người tình nổi tiếng sau này.
Người tình gây tiếng vang lớn
Là con của gia đình giàu có và tài giỏi, sau nhiều năm du học ở Paris, chàng công tử Huỳnh Thủy Lê trở về phụ giúp cha kinh doanh, buôn bán. Năm 1929, trong một lần từ Sài Gòn về Sa Đéc thăm nhà, ông tình cờ gặp nữ nhà văn Marguerite Duras khi đi cùng trên chuyến phà Mỹ Thuận. Lúc này, gia đình bà Marguerite lâm vào cảnh khó khăn phải rời nước Pháp sang Việt Nam sinh sống và ngụ lại ở Sa Đéc. Trên chuyến phà định mệnh chiều năm ấy, Huỳnh Thủy Lê cảm thấy choáng ngợp trước vẻ đẹp yêu kiều, dịu dàng của nàng thiếu nữ Marguerit. Ông cảm nhận tình yêu mãnh liệt chỉ có thể đến một lần trong đời dù khi ấy ông 32 tuổi, còn Marguerite chưa đầy 16 tuổi. Tình yêu đầu đời sớm nảy nở giữa hai con người tuy mang dòng văn hóa khác nhau nhưng có sự gắn kết của hai tâm hồn đồng điệu. Huỳnh Thủy Lê đưa người yêu đến chung sống tại Sài Gòn và họ có những tháng ngày hạnh phúc bên nhau.
Năm 2009, nhà cổ Huỳnh Thủy Lê được công nhận là di tích văn hóa cấp quốc gia, là một điểm du lịch hấp dẫn được nhiều du khách lựa chọn khi đến Đồng Tháp, đặc biệt là khách nước ngoài muốn tìm hiểu về thiên tình sử của nữ văn sĩ Marguerite. Theo thống kê của Sở VH-TT&DL tỉnh Đồng Tháp, mỗi tháng nhà cổ đón khoảng 2.000 lượt khách nước ngoài đến tham quan, trong đó 50% là du khách Pháp. |
Khi gia đình biết chuyện, ông Lê cầu xin cha cho kết hôn với người con gái mà ông nguyện gắn kết cả cuộc đời này với nàng. Song, vì sự khác biệt văn hóa Đông - Tây, sự chênh lệch về tuổi tác và không môn đăng hộ đối giữa hai gia đình, ông Huỳnh Cẩm Thuận đã không thuận tình. Sau đó, gia đình đã buộc ông Huỳnh Thủy Lê lấy cô vợ trẻ người Trung Hoa giàu có để chóng quên mối tình với Marguerite. Marguerite đau khổ đến não lòng, quyết định theo gia đình trở về Pháp, chia tay dứt khoát với mối tình đầu đời chỉ kéo dài chưa đến 2 năm.
Ông Huỳnh Thủy Lê với vợ có 5 người con và đều cho đi du học ở Pháp. Nhiều năm, sau biết bao dâu bể của cuộc đời, ông Lê biết được chỗ ở của bà Marguerite tại Pháp. Mỗi khi sang Pháp thăm các con, ông đều điện cho Marguerite mong được gặp bà để thỏa niềm nhớ nhung mấy mươi năm xa cách nhưng đều bị bà chối từ. Một lần khi không còn biết nói gì nữa, giọng Huỳnh Thủy Lê run run: “Marguerite! Dù thế nào suốt đời này tôi vẫn mãi yêu em, không ngừng yêu em, yêu em cho đến khi tôi nhắm mắt”. Bà Marguerite không ngờ rằng đó là lần cuối cùng bà nghe giọng nói của người năm xưa. Tình cảm chân thành đó gợi lại những kỷ niệm xưa, khi bà Marguerite có ý định quay về Sa Đéc thì hay tin ông Huỳnh Thủy Lê đã qua đời. Bà Marguerite cảm thấy tiếc nuối và ân hận.
Bằng con tim và nước mắt, bà Marguerite đã viết nên thiên tình sử nổi tiếng, kể lại câu chuyện tình hơn 50 năm trước tưởng đã ngủ yên trong lòng. Năm 1984, tiểu thuyết Người tình (tiếng Pháp là L’Amant) được xuất bản, gây tiếng vang lớn, được dịch ra 43 thứ tiếng trên thế giới và đoạt được giải thưởng Goncourt (giải thưởng văn học danh giá nhất của Pháp). Năm 1986, cuốn tiểu thuyết được dựng thành phim cùng tên và được công chiếu tại Việt Nam lần đầu tiên vào năm 1991.
Bài và ảnh: HOÀNG HÂN