.
Nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát:

Phim tư nhân đang áp đảo

.

Lễ trao giải Cánh diều 2013 được VTV “phát nguội” vào tối qua (16-3). Vì sao năm nay giải thưởng thường niên của Hội Điện ảnh Việt Nam không được phát sóng trực tiếp? Vì sao ở hạng mục phim điện ảnh chỉ có 13 phim tham dự nhưng có đến 11 phim mang tính giải trí, thị trường? Có nên duy trì giải Cánh diều nữa hay không?

Nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát.
Nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát.

Những băn khoăn đó đã được đặt ra trong cuộc trò chuyện với nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát - Phó Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam, thành viên Ban giám khảo (BGK) Cánh diều 2013.

* Thưa bà, trước đêm trao giải Cánh diều 2013, có thông tin cho rằng, sở dĩ năm nay những cánh diều vàng, cánh diều bạc không được “bay” trực tiếp trên sóng VTV vì lý do… kinh phí?

- Không phải vì chuyện thiếu kinh phí, mà là chúng tôi không muốn bị sức ép về thời lượng phát sóng. Cái gì cũng bị giục “nhanh nhanh nhanh không hết thời lượng bây giờ”. Đi nhanh, nói nhanh, thậm chí muốn cảm ơn đồng nghiệp cũng sợ không đủ thời gian. Chúng tôi muốn buổi lễ trao giải diễn ra thật ấm cúng, gần gũi. Các đạo diễn, biên kịch có thể phát biểu, tâm sự với nhau dài một chút, thậm chí thân tình một chút mà cũng không ngại nhỡ nói “hớ” hay động tác lúng túng vì xúc động trong khi truyền hình trực tiếp. Chúng tôi muốn chuyển tới công chúng một chương trình ít “sạn” nhất.

* Giải Cánh diều có sự tham gia của hơn 160 tác phẩm tham dự ở các hạng mục: phim điện ảnh, phim truyền hình, phim hoạt hình, phim tài liệu điện ảnh, công trình nghiên cứu, lý luận phê bình điện ảnh… Trong đó, phim điện ảnh được chú ý hơn cả. Nhưng lần này, xem ra “cán cân” nghiêng hẳn về dòng phim giải trí? Điếu ấy có bất thường không, thưa bà?

- Đúng là trong số 13 phim điện ảnh dự giải Cánh diều thì có tới 11 phim mang yếu tố giải trí, thương mại. Cán cân lệch quá, nhưng tôi không thấy bất thường, vì lâu nay Nhà nước “buông” thì phải chịu. Bao nhiêu năm nay chúng ta thấy có phim nào cho thiếu nhi đâu? Rồi các đề tài đương đại cũng rất thiếu vắng, trong khi xã hội ngày nay có biết bao đề tài mới, hấp dẫn.

Qua giải thưởng thường niên của Hội Điện ảnh Việt Nam, tôi thấy càng ngày các hãng phim tư nhân tham gia càng nhiều, ngược hoàn toàn với trước đây, chủ yếu là “sân chơi” của các hãng phim Nhà nước. Đó là một điều nên vui chứ.

* Sự nhập cuộc của các nhà làm phim tư nhân đã mang lại làn gió mới cho điện ảnh. Điều ấy có thể nhận ra, nhưng chúng ta cũng nhận ra cả cái mặt trái của nó, đó là phim giải trí dùng mọi cách để “câu khách”, thưa bà?

- Đúng vậy. Các đơn vị làm phim tư nhân đã làm điện ảnh nước ta có thêm những sắc màu mới. Nói sòng phẳng, họ bỏ tiền đầu tư thì phải thu hồi vốn. Vì vậy, ta không thể trách họ được. Làm giải trí, họ phải xoay đủ kiểu, nếu không sẽ lỗ vốn. Phim tư nhân đang áp đảo, nhưng chúng ta cũng lại thấy chủ yếu là các đơn vị phía Nam. Các nhà làm phim miền Bắc hầu như vắng bóng.

* Vậy bà có nhận xét gì về các bộ phim điện ảnh tham dự Cánh diều năm nay?

- Tôi thấy mỗi phim một vẻ. Chọn lấy phim hay của năm để trao giải nên không tránh khỏi “so bó đũa chọn cột cờ”. Về nghề nghiệp, cũng có một số phim nổi trội nên đã được BGK đưa vào khung giải. Riêng tôi, tôi đánh giá cao công nghệ làm phim của phía Nam, rất chuyên nghiệp và bài bản. Nhiều bộ phim chất lượng âm thanh rất tốt như: Đường đua, Âm mưu giày gót nhọn, Cô dâu đại chiến 2...

Phim Những người viết huyền thoại, âm nhạc, âm thanh cũng tốt, thiết kế mỹ thuật tốt, nhưng tiếc là cách kể chuyện chưa gây được xúc động lắm. Còn những phim khác thì góp thêm một “màu” khác, tiếc là không lọt vào khung giải.

Ở mảng phim điện ảnh, bộ phim Thần tượng (đạo diễn: Nguyễn Quang Huy, nhà sản xuất: Công ty CP truyền thông thế giới giải trí WEPRO) được trao Cánh diều vàng. Đây cũng là bộ phim được các nhà báo, nhà phê bình lựa chọn trao giải Báo chí - phê bình điện ảnh cho phim truyện điện ảnh xuất sắc năm 2013. Đạo diễn Nguyễn Quang Huy cũng được vinh danh Đạo diễn xuất sắc. Ca sĩ Ngô Kiến Huy giành giải Nam diễn viên phụ xuất sắc nhất với vai diễn Lê Trần Nguyễn trong Thần tượng. Giải Quay phim xuất sắc dành cho Trang Công Minh cũng góp phần tạo nên chiến thắng ngoạn mục của Thần tượng tại Cánh Diều 2013.

* Còn phim Thần tượng thì sao, thưa bà?

- Đây là phim làm về giới showbiz, đề tài không mới, nhưng câu chuyện lại có ý mới, một nhóm bạn cùng chí hướng tập luyện khó nhọc để trở thành ca sĩ, nhạc sĩ có ý tưởng phụng sự nghệ thuật, không chạy theo đồng tiền... và cuối cùng mục đích đó đã chiến thắng... Với dàn diễn viên trẻ trung, cách xử lý ở phần kết gây được xúc động cho người xem...

* Thưa bà, mặc dù Hội Điện ảnh Việt Nam đã tha thiết kêu gọi các cá nhân, đơn vị có phim gửi tham gia giải Cánh diều 2013 nhưng rốt cuộc sân chơi nghề nghiệp này vẫn không “hút” được hết các nhà làm phim, phải chăng một phần là bởi… giải thưởng quá thấp?

- Tôi còn chưa biết giải thưởng được bao nhiêu kia mà... Năm nào Nhà nước cũng chỉ cho ngần ấy tiền để trao giải thưởng, mục nào vào mục ấy... Thật ra tiền bạc cũng rất cần, rất quan trọng nhưng theo tôi, phần thưởng về tinh thần khi phim đoạt giải còn quý hơn và hãnh diện hơn nhiều. Một số đơn vị không gửi phim tham dự còn là vì những lý do khác, chứ không phải do giải thưởng thấp. Người ta bỏ một đống tiền, đưa phim đi dự thi được giải thì tốt, nếu không được giải thì con đường ra rạp, thu hồi vốn của họ sẽ bị ảnh hưởng. Vì vậy, họ phải cân nhắc. Chúng tôi chỉ biết kêu gọi, làm hết lòng, chứ không thể ép họ tham dự được.

* Có ý kiến cho rằng, đã đến lúc cần phải thay đổi cách tổ chức giải Cánh diều, thậm chí nên hủy bỏ giải thưởng Cánh diều. Theo bà thì sao?

- Tôi nghĩ rằng thay đổi hay không thì thực chất đây là cuộc liên hoan tổng kết năm về nghệ thuật (tôi nhấn mạnh 5 từ này) của những người làm điện ảnh trên cả nước. Hơn 10 năm nay, giải thưởng mang tên gọi Cánh diều. Cộng với việc phát triển như vũ bão của truyền thông nên nó được khuếch đại lên, được làm đẹp hơn lên, màu cờ sắc áo lộng lẫy thêm lên... Các nghệ sĩ được VTV truyền hình trực tiếp nên cái hay cũng như cái chưa hay càng được khuếch đại... Làm nghệ sĩ, có dịp như thế này được tiếp xúc với công chúng cũng thú vị, cũng được động viên nhiều.

Tôi thấy giải Cánh diều là một ngày hội để những người làm phim gặp gỡ nhau, là một ngày vui với những nghệ sĩ. Có điều, phải làm phim thật hay và số lượng ngày càng phải nhiều lên thì nó mới tương xứng với sự mong đợi của công chúng yêu mến điện ảnh.

* Xin cảm ơn bà!

Một số giải thưởng chính khác:

- Cánh diều bạc: Tèo em (đạo diễn: Charlie Nguyễn) và Âm mưu giày gót nhọn (đạo diễn: Hàm Trần)

- Nam diễn viên chính: Thái Hòa (phim Tèo em)

- Nữ diễn viên chính: Kathy Uyên (phim Âm mưu giầy gót nhọn)

- Nữ diễn viên phụ: Thùy Linh (phim Và anh sẽ trở lại)

- Âm thanh: Bành Bắc Hải (phim Những người viết huyền thoại)

- Âm nhạc: Hoàng Lương (phim Những người viết huyền thoại) và Nguyễn Mạnh Duy Linh (phim Đường đua)

- Giải thiết kế mỹ thuật: phim Thần tượng và phim Những người viết huyền thoại

Dành cho truyền hình:    

- Phim xuất sắc nhất: phim Thuyền giấy (đạo diễn: Nhâm Minh Hiền)

- Nữ diễn viên chính xuất sắc: Ngọc Lan (phim Thuyền giấy)

- Nam diễn viên chính xuất sắc: Quang Tuấn (phim Thuyền giấy)

- Phim hoạt hình: Đàn sếu có trở về

- Phim khoa học: Chuyện của đá

- Biên kịch xuất sắc: Phạm Thùy Nhân (phim Bình Tây Đại nguyên soái)

- Đạo diễn xuất sắc: Nhâm Minh Hiền (phim Thuyền giấy)

HOÀNG THU PHỐ thực hiện

;
.
.
.
.
.