Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử thành phố Đà Nẵng
Cuốn sách Đà Nẵng chống Liên quân Pháp - Tây Ban Nha (1858-1860) là công trình sử học được biên soạn nhân kỷ niệm 155 năm ngày Đà Nẵng bước vào cuộc chiến tranh Mậu Ngọ, thay mặt cả nước và cùng cả nước đánh Pháp trận đầu và kỷ niệm 140 năm ngày danh tướng Nguyễn Tri Phương hy sinh vì đất nước.
Các bài viết trong cuốn sách chủ yếu được tuyển chọn từ kỷ yếu các hội thảo khoa học diễn ra ở Đà Nẵng từ năm 1998 đến nay liên quan đến cuộc chiến tranh Mậu Ngọ 1858, chủ yếu từ kỷ yếu Hội thảo khoa học Vai trò Nguyễn Tri Phương trên mặt trận Đà Nẵng trong kháng chiến chống Liên quân Pháp - Tây Ban Nha 1858-1860, do Hội Khoa học Lịch sử thành phố Đà Nẵng phối hợp với Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Thừa Thiên-Huế tổ chức tại thành Điện Hải ngày 28-9-2013.
Đọc cuốn sách này, nhất là các bài viết Thái độ của vua Tự Đức với trận đầu chống Pháp tại Đà Nẵng của Phan Thuận An, Sự trọng dụng của vua Tự Đức đối với Nguyễn Tri Phương trước và trong thời gian Pháp tấn công Đà Nẵng của Dương Thị Tuyết và Nguyễn Quốc Luật…, độc giả sẽ dễ dàng cảm nhận được cuộc chiến tranh Mậu Ngọ 1858 thực sự là một chiến dịch cấp quốc gia mà tổng tư lệnh tối cao là vua Tự Đức và tổng hành dinh trực tiếp điều hành chiến dịch đóng ngay ở kinh thành Huế.
Và vì là một chiến dịch cấp quốc gia nên người Đà Nẵng không chỉ thay mặt cả nước mà còn cùng với cả nước đương đầu với Liên quân Pháp- Tây Ban Nha. Và sự thực lịch sử ấy được thể hiện rất rõ trong các bài viết Người đương thời với sự kiện Đà Nẵng của Đỗ Quang Hưng và Chia lửa với chiến trận tại cửa Hàn của Nguyễn Vinh Phúc...
Đọc cuốn sách này, đặc biệt là các bài viết Nguyễn Tri Phương với mặt trận Đà Nẵng (1858-1859) của Mai Khắc Ứng, Tư tưởng chiến lược và chiến thuật dụng binh của Nguyễn Tri Phương tại mặt trận Đà Nẵng (1858-1860) của Ngô Văn Minh, Nguyễn Tri Phương và chiến thuật phòng thủ nhiều tầng tại mặt trận Đà Nẵng chống cuộc tấn công xâm lược của thực dân Pháp (1858-1860) của Nguyễn Mạnh Hồng, Thành bại của Nguyễn Tri Phương trong công cuộc chống Tây xâm của Nguyễn Quang Trung Tiến…, độc giả sẽ dễ dàng cảm nhận rằng mặc dù cuộc đời xông pha trận mạc của danh tướng Nguyễn Tri Phương trải dài khắp đất nước, nào là chỉ huy chiến đấu bảo vệ Sài Gòn từ năm 1860-1861, nào là chỉ huy chiến đấu tử thủ Hà Nội năm 1873…, nhưng có lẽ cuộc kháng chiến chống liên quân Pháp - Tây Ban Nha từ năm 1858-1860 trên mặt trận Đà Nẵng mới thực sự làm cho tên tuổi Nguyễn Tri Phương lưu danh thiên cổ, mới thực sự khẳng định tài năng và nghệ thuật quân sự của ông.
Đọc cuốn sách này, nhất là qua các bài viết Công cuộc phòng thủ cửa biển Đà Nẵng của triều đình Huế trước sự xâm lược của thực dân Pháp năm 1858 của Lê Đình Liễn, Những hạn chế của hệ thống quân sự Đà Nẵng dưới triều Nguyễn (1802-1858) của Lưu Trang, Công cuộc bảo vệ biển đảo Tổ quốc dưới triều Nguyễn trước năm 1858 - trường hợp tỉnh Quảng Nam của Bùi Văn Tiếng…, độc giả cũng sẽ dễ dàng cảm nhận vai trò của thành Điện Hải trong toàn bộ hệ thống phòng thủ cửa biển Đà Nẵng của triều đình Huế và trong cuộc chiến tranh Mậu Ngọ 1858; đồng thời cũng dễ dàng cảm nhận rằng thành trì không giữ được nước, chỉ có lòng dân mới giữ được nước! Cuốn sách cũng sẽ giúp quý độc giả dễ dàng cảm nhận rằng quá khứ không hoàn toàn là dĩ vãng, rằng cuộc chiến đấu dưới chân thành Điện Hải vẫn luôn đồng hành cùng lịch sử đấu tranh giữ nước và dựng nước của dân tộc Việt Nam.
Chiều 24-5, tại NXB Giáo dục, Chi nhánh Đà Nẵng, Hội Khoa học lịch sử thành phố tổ chức ra mắt cuốn sách Đà Nẵng chống liên quân Pháp - Tây Ban Nha (1858-1860). Ông Bùi Văn Tiếng, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử thành phố Đà Nẵng đánh giá: Việc xuất bản cuốn sách này rất có ý nghĩa trong tình hình chủ quyền biển đảo Việt Nam đang bị Trung Quốc xâm phạm, đặc biệt là việc nhà báo Dmitri Kosyrevg của hãng RIA Novosti, một trong những hãng thông tấn lớn nhất nước Nga, vừa có bài viết xuyên tạc lịch sử Việt Nam. Cuốn sách này cũng khẳng định các nhà nghiên cứu lịch sử bằng ưu thế của mình sẽ tiếp tục phát huy trách nhiệm tham gia bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc và góp phần giáo dục lòng yêu nước cho thế hệ trẻ. Theo đại diện khoa Sử, Trường ĐH Sư phạm (ĐH Đà Nẵng), cuốn sách là nguồn sử liệu quý giá phục vụ cho công tác nghiên cứu và giảng dạy sử của khoa. S.T |
BÙI VĂN TIẾNG