.

Nhạc sĩ của thiếu nhi

.

Ở Hà Nội, thi thoảng tôi vẫn nhìn thấy nhạc sĩ Phong Nhã chống cây ba-toong lững thững đi dạo ở Bờ Hồ, cũng có lúc thấy ông ngồi trên ghế đá ở sân nhà Khai Trí Tiến Đức trò chuyện với bạn già. Đôi lần tôi thấy ông chống gậy đọc báo dán tường và xem triển lãm ảnh trước cửa báo Hà Nội mới.

Nhạc sĩ Phong Nhã với thiếu nhi. 				(Ảnh tư liệu)
Nhạc sĩ Phong Nhã với thiếu nhi. (Ảnh tư liệu)

Không gian sống mới

Năm nay nhạc sĩ Phong Nhã bước qua tuổi 90. Sau khi phải chia tay người vợ một đời gắn bó, các con đã thuyết phục ông tạm rời ngôi nhà nằm sâu trong ngõ ở phố Thanh Nhàn để trở về căn phòng nhỏ trong khu tập thể đầu phố Hàng Trống. Căn phòng ấy ông được chia hồi còn là cán bộ của Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, sau đó ông cho con trai làm chỗ sửa chữa máy ảnh. Đến sống với con, hằng ngày ra Hồ Gươm hóng gió, trò chuyện với nhiều bạn già, nhưng Phong Nhã vẫn rất nhớ căn phòng cũ trong ngõ phố Thanh Nhàn, ở đó ông có nhiều kỷ niệm.

Tôi đã đến căn phòng này, nhà số 29. Một căn phòng không rộng nhưng có nhiều kỷ vật đượm màu thời gian. Chiếc tủ chè khảm trai đen nhức. Chiếc ti-vi “màn hình cong” cũ kỹ. Trên tường, ở vị trí dễ nhận thấy nhất là tấm bằng Giải thưởng Nhà nước, do Chủ tịch nước Trần Đức Lương ký năm 2001.

Nhạc sĩ Phong Nhã kể, ông chưa từng theo học một lớp đào tạo âm nhạc chính quy, bài bản nào, mà chủ yếu là tự học. Thế hệ ông là thế. Sinh ra và lớn lên trong một gia đình thị dân nghèo, có bố và bác ruột rất thích chơi đàn tranh, cậu bé Nguyễn Văn Tường sớm được làm quen với đàn tranh, cây sáo, cây nhị và sử dụng thành thạo các loại nhạc cụ này. Về sau, khi đã viết một số bài, ông được các nhạc sĩ Văn Ký, Vũ Tự Lân… truyền giảng cho những kiến thức. Thuở thiếu thời, ông rất thích xem “cải lương hí viện” của cụ Nguyễn Đình Nghị và tham gia rất tích cực phong trào hướng đạo sinh, được bầu làm quản ca trong đội nhạc của trường. Ông còn tự tay làm nhiều cây sáo để dạy cho các em lớp dưới.

Năm 1944, ông đã về quê cha ở xã Hoàng Đông (Duy Tiên, Hà Nam) tham gia xây dựng phong trào thiếu nhi và gia nhập Việt Minh ở đây. Ca khúc đầu tay của nhạc sĩ Phong Nhã là Nhanh bước nhanh nhi đồng đã ra đời ở đây trong nỗi băn khoăn của “anh phụ trách” là làm sao phải có một bài hát với khí thế tươi vui, giục giã thế hệ măng non tiến bước.

Mua hụt cây piano cũ

Nhạc sĩ Phong Nhã không phải là người gìn giữ cẩn thận những gì cá nhân mình có được, như những tập nhạc cũ đượm màu thời gian, hay những tờ báo thiếu niên thuở mới được khai sinh ở chiến khu Việt Bắc. Cũng có thể bởi thời gian, bởi sự dịch chuyển đã làm mất mát đi những gì ông gìn giữ, nâng niu. Tôi nhớ mãi cái dáng ông lom khom, áp đôi kính dày vào mắt mà lật từng trang cuốn sổ nhỏ. Ở đó ông ghi chi chít những danh bạ điện thoại của con cái, bạn bè gần xa. Cuốn sổ ấy dễ đã gắn bó với ông vài ba chục năm có lẻ, đi đâu ông cũng mang theo bên mình.

Tuổi cao khiến những câu chuyện với nhạc sĩ Phong Nhã trở nên rời rạc và có nhiều đứt đoạn. Ký ức của ông không còn sống động như thời trai trẻ, cũng không còn hào hứng như vài chục năm trước, nhưng vẫn có thể bắt gặp những chi tiết thú vị mà người ta cứ ngỡ như là giai thoại. Ấy là cả cuộc đời làm nghề, chưa bao giờ ông sắm được cho mình một cây đàn piano. “Những năm tháng đất nước còn chiến tranh, cuộc sống khắc khổ, lo ăn từng bữa, phải vất vả lắm mới nuôi được 5 đứa con khôn lớn. Làm sao dám nghĩ đến chuyện mua đàn. Suốt cuộc đời tôi chỉ sáng tác trên cây sáo và cây đàn mandolin thôi…”, nhạc sĩ nhớ lại.

Nhưng khi cái thời quá khổ quá khó ấy đi qua, Phong Nhã cũng từng quyết tâm sắm cho mình một cây đàn piano, dù chỉ là đàn cũ. Ông kể: “Có lần Hội Nhạc sĩ đứng ra tổ chức thanh lý mấy cây đàn piano cũ. Tôi muốn có một cái, cũng đăng ký mua hẳn hoi, nhưng cuối cùng không được”. Vậy là ông “hụt” mất chiếc đàn. Suốt cả một đời sáng tác, chỉ với cây sáo trúc và đàn mandolin giản dị, Phong Nhã đã trở thành “ông vua ca khúc thiếu nhi” với khoảng 250 bài. Điều thú vị là trong số đó có nhiều hành khúc vui tươi, rộn rã, thúc giục. Trong số đó, 4 ca khúc của ông đã được bình chọn vào danh sách “50 ca khúc thiếu nhi hay thế kỷ 20”: Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu niên nhi đồng, Hành khúc Đội, Kim Đồng và Đội ta lớn lên cùng đất nước.

Từng bị phiền với... bút danh

Điều rất thú vị, đến nay, những đứa trẻ sinh ra đầu thế kỷ 21 này vẫn hằng ngày hát vang những ca khúc của nhạc sĩ Phong Nhã… Đó là sự may mắn, là niềm hạnh phúc cho các em và cho cả chính nhạc sĩ Phong Nhã.

Chính nhạc sĩ Phạm Trọng Cầu lúc sinh thời đã gọi nhạc sĩ Phong Nhã là “ông vua ca khúc thiếu nhi”. Một cách tôn xưng chính xác. Bởi không ai có thể phủ nhận, ở mảng ca khúc viết cho các em thiếu nhi, nhạc sĩ Phong Nhã đã thành công rất sớm khi mới bước vào độ tuổi 20 và trở thành một trong những nhạc sĩ đầu tiên của Hội Nhạc sĩ Việt Nam. Ông là một trong những người đóng góp đầu tiên có giá trị cho nhạc thiếu nhi từ những ngày đầu cách mạng…

Nhưng ít ai ngờ, cái tên Phong Nhã ấy lại có lúc cảm thấy phiền hà. Tên khai sinh của ông là Nguyễn Văn Tường, nhưng để bày tỏ niềm tiếc nhớ người anh em trong dòng tộc có tên Phong Nhã đã mất vì bị nhiễm bệnh trong quá trình cùng hoạt động cách mạng, ông lấy tên đó làm bút danh của mình. Dần dần tên ấy gắn chặt với các ca khúc thiếu nhi, được nhiều người nhớ. Nhưng rồi chính cái bút danh ấy cũng từng gây cho ông những “phiền toái nho nhỏ”. “Khi cái tên này nổi tiếng, được gọi phổ biến rồi thì nhiều người cứ thắc mắc rằng sao lại lấy tên anh em của tôi làm bút danh? Nhưng may là trong tất cả các giấy tờ, bằng khen, giấy khen của tôi đều ghi là “Nguyễn Văn Tường (Phong Nhã)”, chứ không chỉ ghi mỗi Phong Nhã”, nhạc sĩ kể. Trân trọng một cái tên đẹp, nhạc sĩ cũng quyết định đặt tên các con mình là Phong Vân, Phong Quang…

NGUYỄN THANH BÌNH

;
.
.
.
.
.