Người đời thường “đóng đinh” nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ là tác giả của Xa khơi, Tiếng hát giữa rừng Pác Pó dù ông còn có những tác phẩm khác chẳng thua kém.
Hằng ngày nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ vẫn ngồi bên cây đàn. Ảnh: N.T.BÌNH |
Đúng là Nguyễn Tài Tuệ còn nhiều ca khúc khác như Lời ca gửi Noọng, Mùa xuân gọi bạn, Suối Mường Hum còn chảy mãi…, nhưng Xa khơi và Tiếng hát giữa rừng Pác Pó được ông viết khi còn rất trẻ, đồng thời ngay lập tức lan nhanh, tỏa rộng suốt hơn nửa thế kỷ qua. Thế thì người đời nhớ và “đóng đinh” Nguyễn Tài Tuệ với ca hai khúc ấy cũng là điều dễ hiểu. Nhiều người sáng tác cả đời mong như vậy cũng không được.
“Quý hồ tinh bất quý hồ đa”
Vậy mà Nguyễn Tài Tuệ đã sớm làm được điều đó. Có thể nói đó là may mắn cho cuộc đời nghệ thuật của ông. Nhưng nếu người làm nghệ thuật chỉ trông chờ vào phút may mắn trời cho thì thất bại là rất rõ. Nguyễn Tài Tuệ không vậy. Ông miệt mài nghiên cứu, suy nghĩ và sáng tạo. Sáng tác âm nhạc, với ông, là kết quả của quá trình nhận thức, phát hiện; là quá trình tự phê bình, khám phá mình. Ông không cho phép sự dễ dãi trong sáng tạo. Ông cũng luôn tự mình làm khó mình, để vượt qua.
Trái với sự nghiệp đồ sộ của nhiều đồng nghiệp: người này vài trăm ca khúc, người kia lên tới 500-700 tác phẩm, lần nào nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ gặp tôi cũng chỉ khẽ khàng: “Về ca khúc tớ chỉ có 15 cái thôi”. Rồi ông chậm rãi: “Tôi sáng tác vất vả lắm, không thể viết nhanh được”.
15 ca khúc, một con số đương nhiên là rất ít sau một đời đắm mình với âm nhạc như Nguyễn Tài Tuệ, nhưng ông luôn cảm thấy hài lòng. Ông vẫn bình thản với con số ít ỏi đó, dù ngày ngày ông vẫn ngồi bên cây đàn, luôn sẵn sàng giấy bút để viết khi ý tưởng đã chín và cảm xúc bật ra.
Ở tuổi 78, nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ vẫn viết. Nhưng viết xong ông thường để đó. Một thời gian sau xem lại, nghiền ngẫm, sửa chữa. Nếu thấy không hài lòng, ông sẵn sàng “vứt đi”, không thương tiếc. “Quý hồ tinh bất quý hồ đa” là cách ông chọn cho sự nghiệp của mình. Cũng là cách để ông làm trong sạch đời sống âm nhạc, để người nghe không phải tiếp cận với những bản nhạc mà chính “cha đẻ” ra nó cũng còn chưa tuyệt đối hài lòng. Với ông, làm nghệ thuật dù có hàng ngàn tác phẩm mà không có tuyệt tác thì không có gì cả. “Trong sáng tạo nghệ thuật không có chủ nghĩa trung bình, không có cái kha khá, được được, phải là hay, tuyệt tác thì càng tốt”, ông tâm niệm.
“Cập nhật” với từng thời đại
Cũng chính bởi sự không vội đó mà ông lại có nhiều thời gian chăm chút một cách kỹ lưỡng cho từng “đứa con” nghệ thuật của mình. Cái cách của ông cũng rất khác so với những nhạc sĩ khác. Người ta sáng tác xong một ca khúc khi đã phổ biến rồi thì coi như xong, “khóa lại” để làm cái mới. Nguyễn Tài Tuệ thì không. Ông vẫn tiếp tục đào sâu từng ca từ, từng nốt nhạc để phát hiện sự bất hợp lý, hoặc “cập nhật” với từng thời đại. Ví như ca khúc Xa khơi, ông không nhớ rõ mình đã sửa chữa bao nhiều lần trong suốt nửa thế kỷ qua. Cái câu hát “Kề vai bên nhau nắng biển cùng mưa nguồn” đã quá quen thuộc, cách đây ít lâu đã được nhạc sĩ sửa thành “chớp biển, mưa nguồn”. Ông bảo, già rồi mình ngẫm lại dân gian có câu: “Đêm qua chớp bể mưa nguồn/ Hỏi người tri kỷ có buồn hay chăng?”. Cái câu “chớp biển mưa nguồn”, theo ông, nó sâu sắc hơn hẳn.
Cẩn thận, tỉ mỉ với từng câu từng lời trong mỗi bản nhạc, nên khi thấy nhiều ca sĩ trẻ không chịu cập nhật cái mình đã sửa, ông buồn. Người ta vẫn cứ hát Xa khơi, Tiếng hát giữa rừng Pác Pó theo văn bản cũ khiến sự chăm chút của ông cho những đứa con của mình như đổ ra sông ra bể. Tôi hỏi ông, hay bởi việc ông sửa nó quá đỗi âm thầm, các ca sĩ không biết được nên không “cập nhật”. Ông cười độ lượng: Nhiều khi là thế. Nhưng cũng có ca sĩ biết tôi đã sửa lời vẫn cứ quen miệng mà hát như xưa…
Người ta có thể viết ca khúc trong vài tiếng, thậm chí một đêm là xong. Nhưng Nguyễn Tài Tuệ thì khác, ca khúc nào ông viết cũng “tốn” đến mươi năm. Như Mơ quê mấy năm nay được ca sĩ Anh Thơ hát, ít người biết nó được ông khởi viết từ năm 1994 với tựa đề Nhớ quê. Khi viết xong, Thanh Thanh Hiền đã hát nhưng không có tiếng vang. 8 năm sau, ông sửa lại, đổi lại thành “Hồn quê” nhưng “thực quá cũng vứt đi”. Phải đến năm 2010, nhạc sĩ quyết liệt sửa lại, và Mơ quê đã đến với công chúng.
Nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ là người sống chừng mực. Sống cùng đại gia đình ở cách Hồ Gươm (Hà Nội) 7km, ông chọn cho mình một căn phòng nhỏ ở tầng 2. Ông ví căn phòng của mình là “4 trong 1”, vừa là nơi tiếp khách, nơi làm việc, nơi ngủ và… toilet. “Giờ mình già rồi, mọi thứ phải khép kín như thế”, ông nói, rồi cười nhìn qua ban-công sang vòm khế xanh mướt… nhà hàng xóm. Trong căn phòng nhỏ, một giá sách lớn kê liền với giường ngủ. Đó là không gian sống của ông. Ở đó, ông đọc từ những tác phẩm xa xưa cho tới đương đại, đọc cả thơ Vi Thùy Linh cho tới tiểu thuyết của Murakami. Đọc nhiều, nhưng Nguyễn Tài Tuệ là một trong số rất ít nhạc sĩ không “mê mải” phổ thơ người khác. Bởi thế, trong bản thảo các ca khúc của mình, ông thường trân trọng: “Âm nhạc và lời ca: Nguyễn Tài Tuệ”.
Vợ chồng nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ luôn suy nghĩ sống sao cho đúng, bởi chính các bậc cha mẹ ăn ở phải làm gương cho các con noi theo. Cuộc sống gia đình phải bằng tình thương là chính chứ không phải bằng những luật lệ hà khắc. Cha mẹ sinh con trời sinh tính, nên ở nhà nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ không có chuyện bắt buộc con cái phải sống giống như nhau. Ông bà có hai con trai, một sinh năm 1974, một sinh năm 1979. “Thằng đầu tôi định hướng. Đến đứa thứ hai thì cả bà ấy và tôi cùng thống nhất để tùy con quyết định. Tôi cũng có nói với con, làm nghệ thuật thì sẽ vất vả và cơ cực lắm”. Với con dâu cũng vậy. Ông bà dùng tình thương yêu để sống, thương yêu như con gái. Đến bây giờ, nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ vẫn nói chân thành: “Vợ chồng tôi coi con dâu như con gái. Con trai thì như con rể”. Bí quyết của ông bà là “phải hiểu từng đứa để nói chuyện, thích nghi”. |
NGUYỄN THANH BÌNH