.
Đào chuông xuống núi

Đà Nẵng qua cái nhìn của Bùi Văn Tiếng

.

Đào chuông xuống núi là tập hợp những bài viết của Bùi Văn Tiếng xuyên suốt cảm hứng của ông về Đà Nẵng, nơi ông sống, làm việc và gắn bó.

Khi chặt chẽ, khúc chiết, lúc tâm tình, kể lể…, người đọc có thể  tiếp xúc với Đà Nẵng trong cái nhìn của Bùi Văn Tiếng trên nhiều phương diện: từ một Đà Nẵng trong những “ký ức tuổi thơ”, dòng chảy bên trong sâu thẳm gắn liền đô thị này với những “làng quê, dòng họ và văn hóa làng”, lịch sử một vùng đất từ dấu vết còn lại trong Bảo tàng Chăm, từ âm vọng hào hùng của “Chiến thắng Bạch Đằng” hay hào khí ngất trời cùng “Trần Quý Cáp với phong trào Duy Tân” đến một Đà Nẵng của ngày hôm nay với những “tản mạn Đà Nẵng 10 năm”, “Đà Nẵng 15 năm phát triển”, “ 39 năm nhìn lại”…

Đấy là không khí lan man như được chuyện trò với người viết từ niềm vui Đào chuông xuống núi, “Thành phố và những cây cầu”, “Cảm nhận mùa xuân”, những băn khoăn, trăn trở về một “Đà Nẵng đáng sống”, “Thương hiệu nụ cười”,  day dứt về “Cái đọc của thanh niên”, “Nghĩ về tuổi trẻ Đà Nẵng thế hệ @”; và chậm rãi, sẻ chia sâu lắng hơn với “Tản mạn chiều cuối năm 2009”, “Nghĩ về người Việt già thời công nghiệp hóa”, “Tiền tháng chạp”, “Tản mạn về những buổi học cuối cùng”…

 

Là người quan tâm đến thời cuộc, Bùi Văn Tiếng không chỉ nhìn Đà Nẵng hun hút trên những nẻo đường rêu phong của lịch sử, ông còn đau đáu những trăn trở về Đà Nẵng hiện tại. Trong cái nhìn của ông, Đà Nẵng không chỉ là đô thị nằm ngay bên bờ sông Hàn mà đấy là một Đà Nẵng trong chằng chịt những mối liên hệ khác, những tương quan khác… những ràng buộc, đan xen, tương hỗ làm nên sự đa dạng và phức hợp của thành phố này. Hình-hài-Đà-Nẵng với Bùi Văn Tiếng, đã đành trong màu thời gian của viên gạch Chàm, giữa loáng thoáng bóng người xưa trên đường Nam tiến, trong bóng râm xào xạc cỏ hoa nơi chân thành Điện Hải, hay ẩn sau một nét cổ tự trang nghiêm chùa chiền trên Ngũ Hành Sơn…

Hình-hài-Đà-Nẵng với Bùi Văn Tiếng còn là một đô thị đang vận động phát triển trong tương quan với các chuyển động không ngừng nghỉ của các đô thị miền Trung, trong kết nối với đại ngàn Trường Sơn hùng vĩ “Rừng núi dang tay nối lại biển xa”, trong cảm nhận của riêng ông về cách đặt tên của Lê Thánh Tông trong trường hợp địa danh Quảng Nam “không chỉ mở rộng về phương nam mà còn mở rộng về phương đông biển cả”…

Và trong cái nhìn bao quát không chỉ về một Đà-Nẵng-đất-liền mà còn là một Đà-Nẵng-hải-đảo đó, có một nỗi đau cứ đi về trong đời sống tinh thần của Bùi Văn Tiếng: nỗi đau Hoàng Sa! Bàn về tư duy đại dương, ông nhắc đến Hoàng Sa. Bàn về ngư dân và biển cả, ông nhắc đến Hoàng Sa. Bàn về việc giáo dục truyền thống yêu nước, ông nhắc đến Hoàng Sa… Và trong thái độ dứt khoát, ông viết: “Có thể nói, giờ đây lòng mỗi người Đà Nẵng lúc nào cũng cháy bỏng một khát vọng: Phải đòi lại Hoàng Sa!… Và Hoàng Sa của tôi ơi / Chân mây sáng quắc như lời thanh gươm! (thơ Bùi Văn Tiếng).

Bùi Văn Tiếng vốn là thầy giáo dạy Văn, một thầy giáo yêu công việc dạy Văn và nhận được rất nhiều tình yêu thương, quý trọng đối với nhiều thế hệ học trò Đà Nẵng. Dạy Văn, học sâu chuyên ngành văn chương, gắn bó với giáo dục…, những trao đổi của ông về văn chương, về nhà trường, về giáo dục thật chân tình và sâu sắc. Ông nghĩ về tấm lòng yêu thương con người của những người làm nghề dạy học bằng cái nhìn sẻ chia, thông cảm; ông bàn về văn xuôi, về đội ngũ sáng tác văn chương, về nhà trường, về con người, về nghề dạy học, về niềm vui của một cộng đồng khi xây dựng được một ngôi trường… không phải bằng cái-nhìn-trách-nhiệm của một người có chức vụ, có quyền hạn - ngay lúc ông là người đứng đầu một địa phương (Bí thư Quận ủy) hay đứng đầu một ngành (Trưởng ban Tổ chức Thành ủy) - mà là bằng cái-nhìn-trách-nhiệm của một người bạn đồng hành. Chọn cách nhìn ấy, cách đứng ấy, cách tâm tình ấy, những điều ông nghĩ, ông trình bày, ông xúc cảm, mong đợi, hy vọng… thật có sức quyến rũ và thuyết phục.

Làm giáo dục, làm văn chương, làm công tác cán bộ, làm quản lý… đã đành những trao đổi của ông về các lĩnh vực ấy có sự hiểu biết sâu sắc và tin cậy, thế mà ông đã không dừng lại ở đấy, ít nhất bằng những điều ta đọc được trong tập sách này. “Vượt biên” trong lĩnh vực viết lách là cách nhiều người cầm bút lựa chọn khi muốn tìm những cảm xúc mới, những suy tư mới. Thật thú vị khi ta nhẩn nha với những ghi chép của ông khi ông bàn đến những lĩnh vực rộng rãi khác. Bàn về ẩm thực, chợ, doanh nhân, ngư dân, du lịch, cả những bếp núc của nghề làm hướng dẫn viên, nghề đầu bếp…, những lan man này chỗ nào cũng có chuyện, có thông tin bổ ích, duyên dáng và lịch thiệp. Duyên dáng và lịch thiệp một phần nằm trong cách viết của Bùi Văn Tiếng.

Đột ngột những liên tưởng, đột ngột những cảm xúc, giữa những trò chuyện đôi khi lan man. Lúc cần tranh luận thì chặt chẽ, lúc chiều theo cảm xúc thì chảy trôi. Những câu phức dài, các mệnh đề phức, trong tỷ lệ chung, là lựa chọn ưu tiên của tác giả. Kiểu kết cấu “không những… mà còn...”, “Tuy rằng… vậy mà...”, “Không phải là… mà là…”, “Chính vì… vậy nên…”… lấn lướt các kiểu câu đơn ngắn gọn. Lối diễn đạt ấy thường chủ động dẫn người đọc đi theo mạch tư duy, mạch cảm xúc của mình. Người đọc, trong thế tương tự, dễ bị rủ rê, mời gọi, và vì thế, trong nhiều trường hợp bị dẫn dắt vào những mê trận của lập luận mà vẫn không cảm thấy khó chịu. Xua câu chữ đi vào những ngã rẽ, thoắt đậm thoắt nhạt, đó không chỉ là một kiểu tổ chức ngôn ngữ, đó là một kiểu tư duy…

Chọn cách cấu trúc 4 phần: từ “Trên hành trình hình thành thương hiệu Đà Nẵng”, “Đà Nẵng phát triển nguồn nhân lực”, “Đà Nẵng giữa hiện tại và quá khứ”, đến “Đà Nẵng nhìn từ nơi xa Tổ quốc”, có thể nói đây là một chuyên luận của Bùi Văn Tiếng riêng về Đà Nẵng. Từ những chuyện vĩ mô đến những chuyện nhỏ nhặt, từ những khái quát, tổng kết đến những đàm đạo, bàn bạc riêng tư, từ chuyện đất nước, cộng đồng đến từng lĩnh vực, nghề nghiệp…

Bùi Văn Tiếng luôn biết cách xoay trục những bài viết của mình quanh cái cốt lõi chủ yếu là những vấn đề lớn nhỏ liên quan đến thành phố Đà Nẵng nơi anh đang sống. Có cái Đà Nẵng gắn với những trầm tích lịch sử; có cái Đà Nẵng bận rộn của những nỗ lực dựng xây; có cái Đà Nẵng của những trăn trở, băn khoăn trên hành trình đi tới; cũng có cái Đà Nẵng gắn với những kỷ niệm riêng tư, bùi ngùi và sâu lắng. Kể cả những lúc xa Đà Nẵng, do công việc phải đi lại nơi này nơi khác, làm gì, ở đâu, ông cũng loanh quanh với những so sánh đối chiếu, và qua so sánh đối chiếu mà nhìn, mà nghĩ về Đà Nẵng, vui buồn cùng Đà Nẵng, bàn bạc đề xuất những ý kiến liên quan đến lịch sử hình thành, phát triển, con đường đi tới gắn với vận mệnh của thành phố mà ông hết lòng yêu mến này…

Có thể lý giải khác được không về tấm lòng của ông đối với Đà Nẵng ngoài tình yêu lớn lao ông dành cho thành phố này. Cũng dễ hiểu thôi khi ta hình dung con đường của cậu bé Bùi Văn Tiếng từ lúc ôm cặp sách vở lòng với kỷ niệm “Hằng năm cứ vào cuối thu, lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc” đến lúc đỗ á khoa vào một trường tiểu học, rồi học trung học, lớn lên ra trường đi dạy, viết lách, gắn bó với gia đình, bạn bè, người thân, làm việc, có trách nhiệm cụ thể với một số lĩnh vực mà mình phụ trách ở cái thành phố có quá khứ và hiện tại nhiều biến động và cũng nhiều năng động này…

Có lỗi với ông không khi tôi đọc bản thảo của một người nhiều hiểu biết và chữ nghĩa như ông mà liên tưởng đến những người lính biên phòng đầy đức hy sinh, những nông dân hiền lành, thầy giáo già ở miền biên ải giữa những ngày lang thang ở những nơi lưng chừng trời chỉ có mưa và gió rét của miền Tây Bắc? Trí thức là ai? Tôi loay hoay với dăm ba cuốn tự điển để đưa ra cách hiểu chung nhất đấy là những người có kiến thức sâu xa về một hay nhiều lĩnh vực hơn sự hiểu biết của mặt bằng chung xã hội vào từng thời kỳ, một người có tư tưởng và suy luận, một người có kiến thức sâu rộng mà tiếng nói và việc làm của họ có ảnh hưởng đến công chúng. Trong tình cảm của tôi, bằng lời nói và hành động của họ, những con người ấy hiểu theo nghĩa chung nhất là những trí thức.

Bằng sự quý trọng của mình, tôi xin giới thiệu tập sách Đào chuông xuống núi theo cái cách của những người Mông, người Dao… mang những cuộc chuyện trò đầy những chiêm nghiệm, suy tư nhất của cuộc đời họ đến bên một bếp lửa trong những ngày rét buốt tặng cho khách lữ hành…

"Là người quan tâm đến thời cuộc, Bùi Văn Tiếng không chỉ nhìn Đà Nẵng hun hút trên những nẻo đường rêu phong của lịch sử, ông còn đau đáu những trăn trở về Đà Nẵng hiện tại. Trong cái nhìn của ông, Đà Nẵng không chỉ là đô thị nằm ngay bên bờ sông Hàn mà đấy là một Đà Nẵng trong chằng chịt những mối liên hệ khác, những tương quan khác… những ràng buộc, đan xen, tương hỗ làm nên sự đa dạng và phức hợp của thành phố này. Hình-hài-Đà-Nẵng với Bùi Văn Tiếng, đã đành trong màu thời gian của viên gạch Chàm, giữa loáng thoáng bóng người xưa trên đường Nam tiến, trong bóng râm xào xạc cỏ hoa nơi chân thành Điện Hải, hay ẩn sau một nét cổ tự trang nghiêm chùa chiền trên Ngũ Hành Sơn…"

TRƯƠNG VŨ QUỲNH

;
.
.
.
.
.