.

Thiếu hụt nhân lực ngành văn hóa

.

Thành phố đang cấp bách đầu tư, nâng cấp các thiết chế văn hóa. Song, công tác đầu tư nguồn nhân lực ngành văn hóa cũng quan trọng không kém.

Diễn viên Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh biểu diễn hoạt cảnh về danh thần Thoại Ngọc Hầu.
Diễn viên Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh biểu diễn hoạt cảnh về danh thần Thoại Ngọc Hầu.

Thực trạng buồn

Theo báo cáo của Sở VH-TT&DL, nguồn nhân lực trong lĩnh vực văn hóa hiện có 2 phòng nghiệp vụ và 12 đơn vị sự nghiệp trực thuộc với 410 cán bộ, công chức, viên chức và người lao động. Trong đó, đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa của Sở có độ tuổi dưới 40 chiếm 60,5%. Điều này thuận lợi cho công tác quy hoạch, luân chuyển, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nhằm nâng cao chất lượng công tác.

Tuy nhiên, thực tế những năm qua, công tác đầu tư nguồn nhân lực cho ngành văn hóa chưa được chú trọng, dẫn đến tình trạng thiếu trầm trọng nguồn nhân lực chất lượng cao. Ông Trần Ngọc Tuấn, Giám đốc Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh cho biết: “Riêng lĩnh vực sân khấu, đội ngũ sáng tác (viết kịch bản, đạo diễn, nhạc sĩ sáng tác nền nhạc), đội ngũ dàn dựng (họa sĩ thiết kế, kỹ sư thiết kế) gần như là con số không. Nhà hát chúng tôi cũng thu hút nhân tài theo Đề án 47 nhưng không ai nộp hồ sơ. Vì sao ư? Vì công việc này quá khó, trong khi chế độ đãi ngộ không nhiều.

Mới đây, nhà hát đã đề nghị Sở VH-TT&DL cho 2 trường hợp đi học lớp đạo diễn ở Hà Nội. Tuy nhiên, Nhà nước chỉ hỗ trợ học phí, còn nghệ sĩ tự lo ăn ở, trong khi lương cơ bản của họ lại không cao. Cái khó nữa là để hoàn tất khóa học, họ phải dàn dựng một vở kịch với mức kinh phí hơn 100 triệu đồng. Thử hỏi còn mấy ai mặn mà! Thà cứ như vậy, ăn lương Nhà nước và biểu diễn kiếm thêm thu nhập”.

Ông Tuấn cũng trăn trở: “Nếu chúng ta nhìn dài hơi chút thì sẽ khác. Giữ chân ca sĩ Quang Hào với mức lương 15 triệu đồng/tháng, chưa bằng một đêm biểu diễn của các ca sĩ ở thành phố lớn, nhưng vẫn đang xét lên xét xuống. Bỏ ra 200-300 triệu đồng để đào tạo một đạo diễn sân khấu hoặc người viết kịch bản để dàn dựng chương trình, sáng tác nhiều kịch bản so với 300 triệu đồng để thuê đạo diễn và viết kịch bản chỉ cho một chương trình thì cái nào lợi hơn?”.

Không chỉ thiếu hụt về đội ngũ sáng tác, biểu diễn, ngay cả đội ngũ quản lý văn hóa cũng đang ở tình trạng báo động. “Lớp nghỉ hưu khá nhiều, trong khi lớp kế thừa không lấp kịp. Thật lạ lùng, những người đi trước ngày xưa sống và chiến đấu trên rừng, trên núi nhưng lại am hiểu và có năng lực nhất định về văn hóa, nghệ thuật; lớp sau được đào tạo bài bản, được đầu tư nhiều nhưng không hiệu quả. Có lẽ một phần do các em có học lực giỏi chỉ chọn những ngành kinh tế thị trường, các em chọn ngành văn hóa thì không thực sự yêu thích lĩnh vực này. Đây là thực trạng buồn cho ngành văn hóa”, ông Nguyễn Hữu Chiến, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL nói.

Cũng theo ông Chiến, sự thiếu hụt cán bộ chuyên môn có trình độ đại học và trên đại học của ngành văn hóa một phần do trước đây, trong chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao của thành phố chưa có ngành văn hóa.

Tìm hướng giải quyết

Theo ông Nguyễn Hữu Chiến, nguồn nhân lực của lĩnh vực văn hóa khá đặc thù, nếu xét theo tiêu chí Nhà nước ban hành thì sẽ dẫn đến mâu thuẫn: người làm lãnh đạo nghệ thuật thì không có kinh nghiệm và không am hiểu sâu sắc về nghệ thuật; ngược lại, những người nghệ sĩ lâu năm trong nghề thì không đủ tiêu chuẩn bằng cấp để làm quản lý.

Cũng theo ông Chiến, cần đầu tư nhân lực cho ngành văn hóa theo hướng dài hạn. Phải tìm những hạt nhân cho ngành văn hóa (có thể ngay từ các trường đào tạo chuyên ngành văn hóa), bồi dưỡng chuyên sâu và có chế độ đãi ngộ để thu hút các em về làm việc; hoặc đưa các cán bộ đi học để nâng cao nghiệp vụ. Đồng thời, xem xét đặc cách cho những người có kinh nghiệm, có tuổi nghề và năng lực thực sự nhưng đã quá tuổi để có được bằng cấp chính quy, đủ chuẩn để đảm nhiệm công tác quản lý. Đối với đội ngũ nghệ sĩ, diễn viên, nhạc công..., cần có chế độ, chính sách hợp lý.

“Lâu nay, các cấp quản lý Nhà nước nhận thức chưa đúng về việc đãi ngộ xứng đáng cho đội ngũ nghệ sĩ. Những người làm nghệ thuật thì “thanh sắc tuổi nghề” chỉ ở độ tuổi từ 20-40. Vì thế, với những cống hiến của họ, cần xây dựng mức lương gấp đôi, gấp ba cho giai đoạn này. Sau đó, nếu họ không còn đủ sức khỏe để hát, để múa thì sắp xếp công việc hành chính và mức lương lúc này có thể trở lại như những ngành nghề khác. Như thế mới gọi là đãi ngộ, như thế mới thu hút tài năng về công tác và gắn bó lâu dài với thành phố. Nếu không chú trọng điều này thì vô hình trung đi vào vết xe đổ bấy lâu nay của ngành văn hóa: nguồn nhân lực đủ số lượng nhưng không có chuyên môn chiều sâu!”, ông Chiến phân tích thêm.

Bài và ảnh: NGỌC HÀ

;
.
.
.
.
.