.
Bước phát triển văn học-nghệ thuật Đà Nẵng

Bài cuối: Lớn mạnh về lượng và chất

.

Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, lực lượng VHNT ở Quảng Nam - Đà Nẵng lớn mạnh hẳn về số lượng lẫn chất lượng. Đó là vốn quý góp phần quan trọng trong sự nghiệp VHNT của tỉnh.

Để phát huy năng lực tiềm tàng của đội ngũ văn nghệ sĩ đóng góp vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc XHCN, năm 1977, Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam - Đà Nẵng quyết định thành lập Ban vận động thành lập Hội Văn nghệ Quảng Nam - Đà Nẵng. Ngày 28-9-1977, UBND tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng đã ra quyết định đồng ý thành lập Hội Văn nghệ tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng.

Sau 6 tháng chuẩn bị tích cực, ngày 1-4-1978, Đại hội thành lập Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng chính thức khai mạc, đánh dấu một bước phát triển mới của phong trào VHNT Quảng Nam - Đà Nẵng. Đại hội đã bầu BCH gồm 17 người do nhà văn Phan Tứ làm Chủ tịch; nhà thơ Lưu Trùng Dương, nhà viết kịch bản sân khấu Hoàng Châu Ký, nhà văn Đoàn Xoa làm các Phó Chủ tịch.

Đại hội VHNT Quảng Nam - Đà Nẵng lần thứ II được tổ chức ngày 6-5-1983. Đại hội đã bầu BCH gồm 21 người do nhà văn Phan Tứ làm Chủ tịch. Các nhà văn Lưu Trùng Dương, Bùi Minh Quốc (kiêm Tổng biên tập tạp chí Đất Quảng), Đoàn Xoa làm Phó chủ tịch.

Đại hội VHNT tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng lần thứ III được tổ chức ngày 7-4-1988, bầu BCH gồm 20 người, do nhà văn Phan Tứ làm Chủ tịch (tháng 6-1988, nhà viết kịch Hồ Hải Học làm Chủ tịch); nhà thơ Hoàng Trọng Dũng làm Phó chủ tịch; nhà thơ Thanh Quế làm Phó chủ tịch kiêm Tổng biên tập tạp chí Đất Quảng.

Đại hội VHNT tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng lần thứ IV được tổ chức ngày 5-4-1993, đã bầu BCH 9 người do nhà văn Hồ Duy Lệ làm Chủ tịch, nhà thơ Thanh Quế làm Phó Chủ tịch kiêm Tổng biên tập Tạp chí Đất Quảng.

Từ năm 1978-1996, Hội VHNT Quảng Nam - Đà Nẵng đã đóng góp nhiều thành tựu cho văn nghệ của tỉnh và cả nước. Nhiều văn nghệ sĩ đã trở thành những tên tuổi quen thuộc: Phan Tứ, Lưu Trùng Dương, Đông Trình, Bùi Minh Quốc, Đoàn Xoa, Thanh Quế, Thái Bá Lợi, Ngô Thị Kim Cúc, Nguyễn Bá Thâm, Đỗ Văn Đông, Trương Văn Ngọc, Phạm Phát, Bùi Công Minh… (văn học); Nguyễn Hoàng Kim, Phạm Hồng, Nguyễn Đức Hạnh, Mai Ngọc Chính, Phó Đức Vượng, Nguyễn Thị Phi, Đỗ Toàn, Phạm Văn Hạng, Duy Ninh, Lê Huy Hạnh, Vũ Dương, Hoàng Đặng, Hà Dư Sinh, Phan Ngọc Minh, Hoàng Ân, Từ Duy, Nguyễn Long Bửu… (mỹ thuật); Phan Ngọc, Thanh Anh, Minh Đức, Hoàng Bích, Trần Hồng, Trương Đình Quang… (âm nhạc); Hoàng Châu Ký, Hồ Hải Học… (sân khấu); Lê Huân (múa); Vũ Thanh Tú, Ông Văn Sinh, Xuân Quang… (nhiếp ảnh); Hoàng Hương Việt, Nguyễn Văn Bổn, Bùi Văn Tiếng… (văn nghệ dân gian); Phạm Sĩ Chức (kiến trúc); Đoàn Huy Giao, Hồ Trung Tú (điện ảnh)…

Nhiều tác giả trẻ dồi dào sức lực cũng xuất hiện, là lực lượng chủ lực cho giai đoạn sau…

Ngày 1-1-1997, Quảng Nam - Đà Nẵng được chia tách thành 2 đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương. BCH Đảng bộ Quảng Nam - Đà Nẵng cũ đã chỉ định lãnh đạo các sở, ban, ngành của hai đơn vị trên. Nhà thơ Thanh Quế được chỉ định làm quyền Chủ tịch Hội Văn học - Nghệ thuật Đà Nẵng. Nhà văn Hồ Duy Lệ làm Chủ tịch Hội Văn nghệ Quảng Nam.

Tuy chia tách nhưng lực lượng văn nghệ sĩ hầu hết vẫn ở lại thành phố Đà Nẵng. Lúc này, tại Đà Nẵng có lực lượng của Hội Văn nghệ Quảng Nam - Đà Nẵng (cũ) và lực lượng của Hội Văn nghệ thành phố Đà Nẵng (cũ) nhập lại, đặc biệt là lực lượng trẻ được phát triển mạnh mẽ từ các thập niên 70, 80, 90 trong tất cả các ngành VHNT.

Để tập hợp lực lượng văn nghệ sĩ thành phố, Đại hội VHNT lần thứ V - Đại hội đầu tiên của thành phố Đà Nẵng trực thuộc Trung ương, đã khai mạc vào ngày 24-3-1998. Đại hội đã bầu BCH nhiệm kỳ 1998-2003 gồm 11 người do nhà viết kịch Hồ Hải Học làm Chủ tịch; nhà thơ Thanh Quế, Phó chủ tịch kiêm Tổng biên tập tạp chí Non Nước.

Ngày 26-4-2001, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Bá Thanh có quyết định đổi tên Hội VHNT thành phố thành Hội Liên hiệp VHNT thành phố Đà Nẵng.

Xét thấy lực lượng VHNT ngày càng phát triển và đi vào chuyên nghiệp theo từng bộ môn, ngày 24-12-2001, Chủ tịch UBND thành phố đã ký quyết định cho phép thành lập các hội văn học và nghệ thuật chuyên ngành. Theo đó, từ năm 2002, Hội Liên hiệp VHNT Đà Nẵng gồm các hội thành viên: Hội Nhà văn, Hội Mỹ thuật, Hội Âm nhạc, Hội Nhiếp ảnh nghệ thuật, Hội Nghệ sĩ sân khấu, Hội Nghệ sĩ múa, Hội Văn nghệ dân gian, Hội Kiến trúc sư. Đến năm 2007, Hội Điện ảnh được thành lập.

Đại hội Hội Liên hiệp VHNT thành phố Đà Nẵng lần thứ VI (lần 2 khi thành phố trực thuộc Trung ương) diễn ra ngày 24-3-2003. Đại hội đã bầu BCH gồm 13 người, do nhà viết kịch Hồ Hải Học làm Chủ tịch, nhà thơ Thanh Quế làm Phó chủ tịch kiêm Tổng biên tập Tạp chí Non Nước.

Sau đại hội này, được sự đồng ý của UBND thành phố Đà Nẵng, Hội Liên hiệp VHNT Đà Nẵng được đổi tên thành Liên hiệp các Hội VHNT thành phố Đà Nẵng.

Đại hội Liên hiệp các Hội VHNT thành phố lần thứ VII (lần thứ 3 khi thành phố trực thuộc Trung ương) được tổ chức vào tháng 9-2009. Đại hội đã bầu BCH gồm 13 người do nhà thơ Bùi Công Minh làm Chủ tịch, nhiếp ảnh gia Ông Văn Sinh và nhà văn Nguyễn Thị Thu Hương làm Phó Chủ tịch; nhà thơ Nguyễn Nho Khiêm làm Phó Chủ tịch kiêm Tổng biên tập tạp chí Non Nước.

THANH QUẾ

;
.
.
.
.
.