Các hoạt động văn hóa-nghệ thuật nói chung, sân khấu ca nhạc nói riêng ở Đà Nẵng đang có những tín hiệu khởi sắc. Tuy nhiên, những người làm nghệ thuật tại thành phố này vẫn cần điều gì đó sôi nổi hơn từ môi trường âm nhạc để họ có thể cống hiến nhiều hơn.
Thiếu sân khấu ca nhạc
Ngoài một số bar, phòng trà, sàn nhảy có sân khấu nhỏ phục vụ người đến nghe nhạc hằng đêm, hiện các sân khấu ca nhạc chính trên địa bàn Đà Nẵng bao gồm: Nhà hát Trưng Vương, Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh, Trung tâm văn hóa, Cung Thể thao Tiên Sơn, Nhà Văn hóa Lao động. Tuy nhiên, các sân khấu này chủ yếu được dùng để tổ chức các lễ mít-tinh, kỷ niệm hoặc thi đấu thể thao…; không có nhiều chương trình ca nhạc được tổ chức bài bản và có sức hút khán giả Đà Nẵng.
Ông Trần Kim Hùng (50 tuổi, phường Hòa Cường Bắc, quận Hải Châu) bộc bạch: “Những người ở tuổi như tôi rất cần những nơi biểu diễn ca nhạc phong phú như các sân khấu ca nhạc ở thành phố Hồ Chí Minh. Nhiều khi muốn đưa vợ con đi xem một chương trình ca nhạc cũng rất khó. Hằng tuần, tại các bar, sàn nhảy ở Đà Nẵng có mời ca sĩ ở thành phố Hồ Chí Minh hoặc Hà Nội đến biểu diễn, nhưng những nơi đó chỉ dành cho giới trẻ, một số nơi không hợp với không khí gia đình”.
Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Hội An, Hiệu trưởng Trường Trung học Văn hóa- Nghệ thuật Đà Nẵng cho biết hiện một số học sinh tốt nghiệp các khóa múa hay thanh nhạc của trường may mắn được làm việc tại các đoàn nghệ thuật Nhà nước hoặc tư nhân; một số khác đơn lẻ đi phục vụ nhà hàng, tiệc cưới; còn lại rất khó tìm việc…
Vũ sư Bùi Hà Nhật Huy- Chủ nhiệm CLB Khiêu vũ nghệ thuật, Nhà văn hóa lao động thành phố cho biết, phần lớn những người tham gia học tập múa hay khiêu vũ chủ yếu học cho vui, học cho biết chứ rất ít người theo đuổi để thành nghệ sĩ thực thụ. “Phần vì kinh phí, phần vì người Đà Nẵng có thói quen dùng “cây nhà lá vườn” để tổ chức các sự kiện, ngày kỷ niệm của cơ quan, ban, ngành, đoàn thể thay vì mời các đoàn chuyên nghiệp. Không có sân khấu, ngay ca sĩ còn không có “đất” diễn…”, vũ sư Huy nói.
Cần những thay đổi
Ca sĩ ở Đà Nẵng hiện thiếu “đất” để biểu diễn, rất khó để sống được bằng chính giọng hát của mình là điều không khó nhận thấy tại Đà Nẵng. Là nghệ sĩ mà không có nơi để diễn, hay lâu lâu mới có dịp được diễn thì ngoài việc không có thu nhập, họ ít có cơ hội tiếp cận đông đảo khán giả để “khoe” giọng hát, với mong muốn chính đáng là tiếng hát của họ có thể đến gần hơn với công chúng.
Thiếu “đất” diễn được cho là một trong những nguyên nhân khiến những tài năng ca nhạc của Quảng Nam-Đà Nẵng như: Ánh Tuyết, Mỹ Tâm, Đàm Vĩnh Hưng, Kasim Hoàng Vũ, Lê Cát Trọng Lý… phải tìm mảnh đất khác để phát triển sự nghiệp. Một số ca sĩ có tên tuổi trụ lại ở Đà Nẵng thì cuộc sống cũng khá bình lặng, công chúng không biết nhiều đến họ, cũng như ít có cơ hội thể hiện, phát triển. Như ca sĩ Quang Hào về đầu quân cho Đoàn ca múa nhạc Đà Nẵng hơn 2 năm nay nhưng người dân thành phố rất hiếm khi được thưởng thức giọng ca của anh. Hơn nữa, khi Đà Nẵng có ca khúc mới, để “đánh bóng” ca khúc, các nhạc sĩ hoặc đơn vị phụ trách cũng thường mời các ca sĩ hàng “sao” ở hai đầu đất nước về diễn, thay vì trao cơ hội cho ca sĩ Đà Nẵng.
Bên cạnh đó, một thực trạng đáng buồn là vì không có đất diễn nên nhiều ca sĩ ở Đà Nẵng chấp nhận hát tại những phòng trà với cát-sê chỉ từ 60.000 - 70.000 đồng/bài, có người còn bỏ nghề…
Đà Nẵng cần những sân khấu ca nhạc đa dạng, cần những nhà tổ chức chuyên nghiệp, khán giả Đà Nẵng cần thay đổi cách đón nhận với những sân khấu, những nghệ sĩ địa phương… là những giải pháp, định hướng được nhiều người nhắc đến. Tuy nhiên, để những thay đổi này trở thành hiện thực thì có lẽ không phải là chuyện một sớm một chiều…
THANH TÂN