Nhà Văn hóa Lao động (VHLĐ) thành phố Đà Nẵng (thuộc Liên đoàn Lao động thành phố Đà Nẵng), được khánh thành và đi vào hoạt động từ tháng 7-2009. Đây là một trong 8 công trình trọng điểm của cả nước, tổng kinh phí đầu tư ban đầu ước tính khoảng 15 tỷ đồng. Tuy nhiên, thời gian qua, công trình này chưa hoạt động hết công năng; chưa tạo sức hút mạnh mẽ đối với phong trào văn hóa-văn nghệ, thể dục-thể thao trong cán bộ, viên chức, người lao động cũng như nhân dân trên địa bàn.
Sân khấu của hội trường lớn Nhà Văn hóa Lao động khá hoành tráng, là nơi diễn ra các hoạt động văn hóa, văn nghệ nhưng các tiêu chuẩn về âm thanh, ánh sáng không bảo đảm. Trong ảnh: Chương trình ca múa nhạc từ thiện diễn ra tại Nhà Văn hóa Lao động cuối năm 2013. |
“Nhàn” trong giờ hành chính
Trên diện tích 13.600m2, công trình Nhà VHLĐ thành phố được thiết kế quy mô, khang trang, hiện đại, thoáng đãng. Tuy nhiên, từ khi được thành lập đến nay, đặc biệt là khi các trung tâm văn hóa, thể dục-thể thao “mọc” nhiều như hiện nay, thì các hoạt động ở Nhà VHLĐ chủ yếu diễn ra vào sáng sớm hoặc chiều tối, các ngày thứ bảy, chủ nhật; thời gian còn lại khá “nhàn”. “Như hội trường lớn của nhà VHLĐ có sân khấu rất hoành tráng nhưng hiện chủ yếu phục vụ hoạt động của các CLB cầu lông, bóng bàn vào sáng sớm và chiều tối, rất lãng phí”, ông Nguyễn Tú, phụ trách Phòng Nghiệp vụ Nhà VHLĐ cho hay.
Hiện Nhà VHLĐ có 18 CLB văn thể như: khiêu vũ nghệ thuật, guitar, nhiếp ảnh - thư pháp - đá nghệ thuật, thẩm mỹ nữ, thể hình nam, võ cổ truyền, võ vovinam… nhưng hoạt động cũng khá trầm lắng. Ông Nguyễn Văn Nho, Chủ nhiệm CLB Guitar cho biết, mỗi khóa học cơ bản guitar ở CLB thu hút khoảng 25-30 học viên nhưng thường không ổn định, không ít học viên bỏ học giữa chừng; các buổi CLB tổ chức biểu diễn guitar tại đây được đầu tư bài bản nhưng không mấy người đến xem. “Lượng vé mời bao giờ phát ra cũng gấp 3-4 lần số ghế ngồi thực tế nhưng khán phòng các buổi trình tấu guitar luôn khá trống trải. Có lẽ người Đà Nẵng chưa có thói quen đến một nơi khá xa trung tâm thành phố để thưởng thức loại hình nghệ thuật này”, ông Nho nói.
Vũ sư Bùi Hà Nhật Huy, Chủ nhiệm CLB khiêu vũ nghệ thuật, cho biết để duy trì hoạt động, CLB này không chỉ dạy khiêu vũ mà còn mở các khóa đào tạo nhảy, múa hiện đại; học viên chủ yếu là cán bộ, viên chức, lao động trên địa bàn thành phố. Tuy nhiên, khi quá nhiều nơi mở lớp dạy các môn này thì cũng không nhiều người mặn mà với CLB.
Tiến tới tự thu, tự chi
Nói về nguyên nhân của thực trạng trên, nhạc sĩ Trương Duy Huyến, Giám đốc Nhà VHLĐ thành phố, cho rằng có cả nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan. Nhà VHLĐ cách trung tâm thành phố, xa khu công nghiệp; đa số người dân cũng như người lao động vẫn chưa có thói quen đi xa để tham gia các hoạt động tại Nhà VHLĐ; cơ sở vật chất tại Nhà văn hóa cũng chưa đảm bảo như hội trường lớn là hội trường đa năng, vừa dùng để tổ chức các hoạt động thể thao, vừa tổ chức các hoạt động cộng đồng, thiết kế sân nền, trần nhà, cửa kính nên mức độ tiêu âm hạn chế, âm thanh bị dội, gây tiếng ồn, khó nghe. Vì vậy, việc khai thác các hoạt động về văn hóa văn nghệ rất hạn chế.
Về nguyên nhân chủ quan, cán bộ nghiệp vụ còn mỏng, kinh phí hạn hẹp nên việc tổ chức các hoạt động đến với công nhân ở các khu công nghiệp cũng như các hoạt động lớn tại Nhà văn hóa nhằm thu hút đông đảo công nhân, viên chức, người lao động cũng như nhân dân trên địa bàn còn hạn chế. Nguồn thu các năm của đơn vị rất ít. Để bảo đảm hoạt động, những năm qua, nhà VHLĐ đã tiến hành xã hội hóa một số hoạt động và đang tiếp tục kêu gọi tư nhân cải tạo hội trường lớn thành nhà hát chuyên nghiệp để có thể là nơi diễn ra các chương trình nghệ thuật lớn, có chất lượng.
Theo chủ trương của Liên đoàn Lao động thành phố, từ năm 2015, Nhà VHLĐ thành phố phải áp dụng cơ chế tự thu, tự chi. Giám đốc Trương Duy Huyến cho rằng, đây là thách thức không nhỏ đối với đơn vị. Trước mắt còn rất nhiều việc phải làm như: nâng cao chất lượng hoạt động của các CLB hiện có; đồng thời phối hợp với các Hội chuyên ngành nghệ thuật của thành phố phát triển thêm các CLB sở thích có nhu cầu lớn như: CLB kịch nói, CLB ca múa nhạc, CLB người dẫn chương trình, CLB sáng tác thơ văn; mở các lớp đào tạo ngắn hạn về nữ công gia chánh, nhạc cụ dân tộc, dân ca, tuồng, múa dân gian, các lớp năng khiếu thẩm mỹ nghệ thuật, thể dục-thể thao, khoa học kỹ thuật; tăng cường cả về số lượng lẫn chất lượng các hội thi, hội diễn văn hóa, văn nghệ, thời trang, tổ chức diễn đàn, tọa đàm, nói chuyện chuyên đề, đặc biệt là các buổi giao lưu, biểu diễn nghệ thuật lồng ghép các chương trình tư vấn pháp luật, tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với các công nhân ở các khu công nghiệp, chế xuất…
Bài và ảnh: NGỌC DUNG