.

Sức sống tuồng Quảng Nam - Đà Nẵng

.

Trải qua hàng trăm năm, tuồng Quảng Nam - Đà Nẵng vẫn âm ỉ cháy trong đời sống của người dân nông thôn vùng đất này. Tuy nhiên, để nghệ thuật tuồng được bảo tồn, gìn giữ và lan tỏa mạnh, cần sự chung tay của các nghệ sĩ, nghệ nhân tâm huyết và cả sự quan tâm của lãnh đạo ban, ngành liên quan.

Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh đưa nghệ thuật tuồng vào chương trình biểu diễn phục vụ du khách.	           Ảnh: TÚ PHƯƠNG
Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh đưa nghệ thuật tuồng vào chương trình biểu diễn phục vụ du khách. Ảnh: TÚ PHƯƠNG

Âm ỉ cháy

Theo thống kê của Trung tâm Quản lý di sản văn hóa thành phố Đà Nẵng, trên địa bàn tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng hiện có 23 CLB, đoàn hát tuồng với khoảng hơn 300 nghệ nhân, nghệ sĩ. Ngoài Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh là đơn vị nghệ thuật Nhà nước của thành phố Đà Nẵng, đoàn hát bán chuyên nghiệp Sông Thu (thuộc huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam), còn lại là các CLB không chuyên, các nghệ sĩ hoạt động riêng lẻ. Tại Đà Nẵng có nghệ sĩ Cẩm Phô (quận Sơn Trà), gia đình nghệ sĩ Kim Anh (quận Thanh Khê). Tại Quảng Nam có 7 CLB ở huyện Duy Xuyên, 6 CLB huyện Quế Sơn, 5 CLB huyện Nông Sơn, 1 CLB thành phố Hội An.

Khá bất ngờ khi trong số các diễn viên tuồng không chuyên là nông dân, lao động bình thường nhưng đã tự biên, tự diễn các vở gắn liền với đời sống người dân vùng quê. Nhìn anh nông dân Phạm Cảng (51 tuổi, huyện Quế Sơn) hát và múa một vài động tác tuồng mới thấy được niềm đam mê tuồng của người dân nơi đây. “Hồi trước, đội diễn của tôi có tới 15-16 người, nhưng bây giờ kinh tế khó khăn, có người đi làm ăn xa nên muốn tập trung để diễn như ngày trước khó lắm”, anh Cảng chia sẻ. Còn một chị buôn bán ở huyện Duy Xuyên thì mời các diễn viên tuồng không chuyên về diễn tại nhà cho bà con xem.

Ông Nguyễn Quỳnh, Chủ tịch Hội Bảo trợ tuồng huyện Duy Xuyên cho biết: “Người dân vùng nông thôn mê tuồng lắm. Đến nay, các đoàn tuồng sống được đều do dân nuôi. Có đêm những cụ già ngồi đội mưa xem tuồng. Nếu diễn hay, người dân cho tiền nghệ sĩ; nhiều người không có tiền thì sau đêm diễn bắt cặp vịt cho đoàn… Dù số tiền cho các đêm diễn không đáng là bao nhưng những nghệ sĩ dân gian ấy vẫn diễn vì niềm đam mê”.

Theo nhạc sĩ Trần Hồng, người có thâm niên nghiên cứu về nghệ thuật tuồng, người dân vùng quê vẫn còn yêu tuồng nhờ những diễn viên nhiệt huyết như vậy. Thêm nữa, sân khấu ở đình làng hay khoảnh đất giữa làng nên rất gần gũi, người dân sau một ngày lao động muốn đến đây xem người quen biểu diễn, xem anh A, chị B xóm trên xóm dưới hôm nay diễn thế nào hay đơn giản để gặp gỡ nói chuyện với người trong xóm…

Cần bảo tồn

Tại buổi tọa đàm khoa học về di sản văn hóa phi vật thể “Tuồng Quảng Nam - Đà Nẵng” cuối tháng 8 vừa qua, ông Hồ Tấn Tuấn, Giám đốc Trung tâm Quản lý di sản văn hóa thành phố Đà Nẵng cho biết hiện nay, một số địa phương rất quan tâm việc giữ gìn sức sống của nghệ thuật tuồng. Cụ thể, từ năm 1992, huyện Duy Xuyên đã hình thành Hội Bảo trợ nghệ thuật tuồng. Hằng năm, Hội mời các nghệ sĩ chuyên nghiệp về bồi dưỡng các hạt nhân tuồng của địa phương, đứng ra đỡ đầu, hỗ trợ cho các đơn vị biểu diễn tuồng của huyện duy trì hoạt động. Trong khi đó, UBND huyện Quế Sơn đã ra hẳn nghị quyết về bảo tồn và phát triển nghệ thuật tuồng, dân ca; huyện Nông Sơn triển khai Đề án khôi phục và phát triển bộ môn nghệ thuật tuồng…

Nhưng dù cố gắng mấy thì cũng như muối bỏ biển, những người tâm huyết với nghề luôn trăn trở làm sao để duy trì ngọn lửa đam mê. Bà Nguyễn Thị Thu Trang, con gái nghệ sĩ tuồng Diệu Thông, Trưởng đoàn tuồng Sông Thu chia sẻ: “Tuồng đã thấm vào tôi từ khi con nhỏ. Năm 16 tuổi, tôi chọn nghề này và tôi sẽ hát cho đến hơi thở cuối cùng. Nhưng cuộc sống của người nghệ sĩ tuồng quá khó khăn, nhất là những đoàn tuồng tự làm tự ăn như chúng tôi. Những lúc khó khăn, nhiều diễn viên trong đoàn bỏ đi kiếm việc khác làm, rất khó trong quản lý và duy trì đoàn hát”.

“Vì kinh phí hạn hẹp nên không thể đầu tư cho trang phục. Có những buổi diễn chúng tôi phải ra mượn nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh. Tuồng không mai một nhưng nếu không được đầu tư thì dần dần sẽ “chết”. Dù người dân yêu thích tuồng đi chăng nữa mà người nghệ sĩ cứ diễn đi diễn lại các vở cũ thì họ cũng chán thôi”, nghệ sĩ Văn Phước Phổ (huyện Duy Xuyên) nói.

Các nghệ sĩ, nhà nghiên cứu về tuồng đều cho rằng cần phải quyết liệt hơn trong hành động để bảo tồn và giữ gìn nghệ thuật tuồng. Vì thế, khi biết Trung tâm Quản lý di sản văn hóa thành phố Đà Nẵng lập hồ sơ trình Bộ VH-TT&DL công nhận tuồng là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, những người tâm huyết với tuồng rất vui. Theo họ, nếu được công nhận thì loại hình nghệ thuật này sẽ được quan tâm nhiều hơn. Trước hết, đó là sự quan tâm, đầu tư của lãnh đạo cho di sản cấp quốc gia. Kế đến, sẽ có các chính sách hỗ trợ để bảo tồn nghệ tuật tuồng, nhiều kế hoạch thực hiện để tuồng lan tỏa trong đời sống văn hóa của người dân...

NGỌC HÀ

;
.
.
.
.
.