.
Họa sĩ Nguyễn Thượng Hỷ

Người Việt đầu tiên nhận giải bảo tồn kiến trúc cổ tại Nhật

.

Ngày 11-10, tại Trường Cao đẳng Thủ công mỹ nghệ quốc tế Toyama (Nhật Bản), họa sĩ Nguyễn Thượng Hỷ - nguyên cán bộ Bảo tàng Quảng Nam - đã được trao giải thưởng quốc tế DAIFUMI.

Họa sĩ Nguyễn Thượng Hỷ (phải) tại lễ nhận giải thưởng DAIFUMI.  (Ảnh do nhân vật cung cấp)
Họa sĩ Nguyễn Thượng Hỷ (phải) tại lễ nhận giải thưởng DAIFUMI. (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Giải thưởng quốc tế DAIFUMI mang tên người thợ mộc xuất sắc Fumio Tanaka từng được Nhật hoàng vinh danh. Tiêu chí xét giải thưởng dựa vào những đóng góp của các cá nhân trong quá trình bảo tồn kiến trúc cổ, đặc biệt là kiến trúc gỗ.

Giải thưởng được trao cho một tập thể và hai thợ mộc trẻ người Nhật. Riêng họa sĩ Nguyễn Thượng Hỷ được trao giải vì những đóng góp của ông trong công tác nghiên cứu, bảo tồn, lập hồ sơ di tích, đo vẽ… liên quan kiến trúc gỗ ở miền Trung và tham gia trùng tu di tích Mỹ Sơn.

Nguyễn Thượng Hỷ xuất thân trong gia đình quan lại thời phong kiến ở Huế. Sau khi tốt nghiệp đại học mỹ thuật năm 1979, ông công tác tại Bảo tàng Quảng Nam - Đà Nẵng. Không lâu sau, ông cùng kiến trúc sư Ba Lan Kazic vào Mỹ Sơn, Hội An nghiên cứu các di tích kiến trúc Chămpa và đô thị cổ mãi đến năm 1994. Năm 1995, Nguyễn Thượng Hỷ được tham dự một khóa tu nghiệp 6 tháng do Đại học Showa tổ chức tại Nhật Bản về trùng tu kiến trúc cổ, có sự hướng dẫn của ông Fumio Tanaka.

Khi Quảng Nam và Đà Nẵng chia tách thành hai đơn vị hành chính, Nguyễn Thượng Hỷ ở lại Quảng Nam, để rồi suốt gần 20 năm qua ông miệt mài, lặn lội đo vẽ, chụp ảnh, nghiên cứu và làm hồ sơ phục dựng; làm thủ tục đề nghị công nhận di tích cho những ngôi nhà, những đình chùa từ 300-400 trăm năm tuổi của người Việt còn lại ở đất Quảng. Trong đó, những ngôi đình cổ nổi tiếng như: đình Chiên Đàn (đầu thế kỷ 19), đình Long Xuyên (1749), đình Ngũ xã Trà Kiệu (cuối thế kỷ 18), đình Xuân Mỹ - Hội An… đã được nhóm chuyên gia trẻ của ông hoặc tổ chức trùng tu, hoặc tham gia phục dựng và tư vấn khảo sát để giữ lại những di sản quý giá.

Nguyễn Thượng Hỷ cho biết: “Hơn 400 ngôi nhà cổ ở Quảng Nam hiện nay - không kể tại Hội An, có thể được chia thành những ngôi tiêu biểu về đặc trưng nhà cổ do làng nghề Văn Hà (xã Tam Thành, huyện Phú Ninh), làng nghề Kim Bồng (Hội An) xây dựng hoặc ảnh hưởng, kế thừa cách xây dựng nhà lá mái của người Chăm trước đây. Trong phong cách Văn Hà có ngôi nhà nổi tiếng của cụ Nguyễn Huỳnh Anh (xã Tiên Cảnh, huyện Tiên Phước) bằng gỗ mít mà trước đây Ngô Đình Diệm đã hai lần gạ mua không được và nhà quan Án sát Trần Hưng Nhượng - thầy dạy học của vua Tự  Đức (xã Tam Xuân 2, huyện Núi Thành).

Về phong cách Kim Bồng, ngoài đô thị cổ Hội An, có nhà cổ của cụ Nguyễn Nho Phán (làng Bồng Lai, thị trấn Vĩnh Điện, huyện Điện Bàn), hoặc nhà cụ Nguyễn Sắc (xã Đại Quang, huyện Đại Lộc), có đặc điểm chái kép rất lạ, nhưng rất tiếc chủ nhân đã bán”.

Đặc biệt, về đề tài phục dựng lại làng cổ Lộc Yên tại thôn 4 xã Tiên Cảnh, huyện Tiên Phước, theo Nguyễn Thượng Hỷ: “Đó là một làng đặc biệt với gần chục ngôi nhà cổ có kết cấu lá mái (mái hai lớp gồm đất và lá lợp là vật liệu bản địa để vừa chống cháy, vừa chống nóng) kế thừa truyền thống làm nhà của người Chăm, tất cả tồn tại trong một không gian đồi vườn trung du rất đặc trưng. Nhà cụ Huỳnh Thúc Kháng gần đó trước đây cũng thuộc loại này, nhưng rất tiếc đã thay bằng mái ngói từ năm 1942… Đây là dự án bảo tồn văn hóa, đồng thời sẽ là dự án du lịch làng quê trung du trong tương lai…”.

Vài năm gần đây, sau khi xin về hưu trước tuổi, Nguyễn Thượng Hỷ đến giữa khu đồi thôn Mỹ Sơn dựng một ngôi nhà tranh tre, vách đất. Mái nhà có 3 lớp, trên cùng là tranh, giữa là đất nện, dưới là tre. Từ giường đến bàn nước đều bằng tre, phên vách bằng đất. Ông nói rằng, không thích nhà xây vì cả đời ở nhà tranh vách đất quen rồi. Hơn nữa, ông cho rằng, căn nhà tranh vách đất ấy đúng nguyên mẫu nhà tranh cổ của người Quảng Nam, là nhà sinh thái thân thiện với môi trường. Nó cũng nằm trong khu homestay (du lịch nhà dân) vừa được tỉnh Quảng Nam thực hiện sau bao nhiêu năm khách du lịch đến Mỹ Sơn mà không có chỗ lưu trú (dù trước đó, nhà của ông không nằm trong dự án này).

Là người Việt Nam đầu tiên nhận giải thưởng DAIFUMI, họa sĩ Nguyễn Thượng Hỷ nói: “Thật sự tôi hết sức bất ngờ. Bởi hằng năm, Ban tổ chức giải tự bình chọn đối với nhiều nhà chuyên môn hoạt động liên quan công tác bảo tồn ở nhiều nước trên thế giới. Trong khi đó, tôi là họa sĩ chứ không phải kiến trúc sư. Hơn nữa, lâu nay tôi nghĩ, mình đang làm công việc bảo tồn di sản trên mảnh đất quê nhà bằng tất cả đam mê và trách nhiệm, chứ đâu có nghĩ thi thố với ai.

Dù vậy, khi được chọn trao giải thưởng này, tôi cảm thấy thật vinh dự và tự tin hơn, cảm thấy công việc mình được quan tâm và được công nhận rõ rệt. Đặc biệt, đối với Nhật Bản - đất nước gắn bó và thấu hiểu về kiến trúc gỗ, việc bảo tồn di sản cổ khó nơi đâu so bì được, thì giải thưởng này càng khẳng định trách nhiệm hơn nữa không chỉ với riêng tôi mà với tất cả những người làm công tác bảo tồn di sản kiến trúc cổ tại Việt Nam”.

TRẦN TRUNG SÁNG

;
.
.
.
.
.