Việc CLB kịch nói của Trung tâm Văn hóa thành phố Đà Nẵng được thành lập và hoạt động khá bài bản trong 2 năm qua gieo hy vọng khôi phục thể loại sân khấu kịch nói vang bóng một thời ở Quảng Nam - Đà Nẵng. Tuy nhiên, từ hy vọng đến thực tiễn là khoảng cách khá dài.
Nhóm kịch Sân khấu cầu vồng đang tập vở Bóng ma nhà hát. Ảnh: thanh tân |
Đam mê nhưng không có “đất” diễn
Theo diễn viên Đinh Thị Bích Huyền, cán bộ Phòng Tuyên truyền Trung tâm Văn hóa thành phố, tiềm năng diễn viên sân khấu kịch của Đà Nẵng rất lớn. “Trong một số chương trình phối hợp với các ê-kíp diễn kịch của thành phố Hồ Chí Minh, có khi một ngày chúng tôi có thể huy động được cả trăm diễn viên vai chính lẫn quần chúng. Lực lượng đông, diễn lại rất đạt. Đặc biệt, với những diễn viên trưởng thành từ các đoàn dân ca và kịch nói Quảng Nam - Đà Nẵng trước đây, sau khi các đoàn lần lượt bị giải thể, họ vẫn khao khát được đứng trên sân khấu”, chị Bích Huyền chia sẻ.
Bản thân chị Huyền dù đã trải qua nhiều lận đận với nghề và trải qua nhiều công việc khác nhau, từ diễn viên đến người tổ chức, quản lý văn hóa nhưng tình yêu đối với sân khấu kịch trong chị vẫn chưa bao giờ nguội lạnh. Chị và những người chung đam mê vẫn mong mỏi một ngày Đà Nẵng sẽ có sân khấu kịch đỏ đèn hằng đêm, để chị và các bạn lại được đứng trên sân khấu, cống hiến cho khán giả những vở kịch xuất phát từ hơi thở cuộc sống.
Ông Cao Tuấn Ngọc, Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa thành phố, người rất tâm huyết với CLB sân khấu kịch nói từ khi thành lập đến nay, nói trong tiếc nuối: “Diễn viên chuyên, không chuyên trưởng thành từ các phong trào quần chúng đều rất có tiềm năng, tất cả đều tâm huyết và có thực tài nhưng không có “đất” để diễn”.
Chương trình “Giải trí cuối tuần” với những vở kịch ngắn, kịch hài, kịch vui, mang đậm bản sắc, hơi thở cuộc sống thành phố, sau khi phát sóng 12 số định kỳ hằng tuần đã phải tạm ngừng. Ông Cao Tuấn Ngọc cho biết, từ cuối năm 2013, CLB sân khấu kịch đã đề xuất kinh phí của chương trình trong năm 2014, nhưng chưa được duyệt vì ngân sách khó khăn. “Giữa năm, chúng tôi lại đề xuất thì cũng nhận được câu trả lời tương tự và nay gần hết năm rồi, phải tạm ngưng dài dài chứ không chỉ tạm thời”, ông
Ngọc nói.
Hy vọng từ Sân khấu cầu vồng?
Đến với Sân khấu cầu vồng - sân chơi dành cho các bạn trẻ đam mê sân khấu kịch do Nhà hát Trưng Vương phối hợp với sân khấu kịch Idecaf thành phố Hồ Chí Minh thành lập từ đầu năm đến nay, có thể thấy niềm đam mê kịch của gần 40 diễn viên không chuyên, hầu hết là sinh viên, cựu sinh viên của các trường chuyên ngành sân khấu hoặc những em có năng khiếu kịch đến từ các trường đại học và cao đẳng trên địa bàn thành phố. Hơn 6 tháng nay, đêm nào sân khấu, phòng tập của Nhà hát Trưng Vương cũng rộn ràng bởi không khí luyện tập hăng say của tập thể Sân khấu cầu vồng.
Tuy nhiên, theo ông Trần Quang Kỳ, Trưởng phòng Tổ chức sự kiện và biểu diễn - Nhà hát Trưng Vương, Chủ nhiệm Sân khấu cầu vồng thì hoạt động của sân khấu kịch chủ yếu dành cho sinh viên này cũng đang hoạt động khá chật vật. Sân khấu cầu vồng bước đầu mới dàn dựng và ra mắt khán giả các vở kịch tổng hợp dành cho thiếu nhi và điều đáng mừng là hiệu ứng từ khán giả khá tốt. Hai vở kịch dành cho thiếu nhi: Những đứa con của Rồng và đặc biệt là Giải cứu mặt trăng biểu diễn trong dịp Trung thu vừa qua đã thu hút lượng lớn khán giả nhí. Đặc biệt, các phụ huynh rất hào hứng khi con em họ có một sân chơi mới.
“Có điều, Sân khấu cầu vồng hiện tại vẫn hoạt động chủ yếu trong sự phối hợp với Idecaf thành phố Hồ Chí Minh. Chúng ta chỉ có mặt bằng và diễn viên, còn phần lớn kịch bản, đạo diễn, phục trang phải nhờ Idecaf hỗ trợ. Vừa qua, chúng tôi thử nghiệm viết kịch bản, dàn dựng một số trích đoạn pháp luật, vở kịch vui phát trên sóng Đài Phát thanh - Truyền hình Đà Nẵng (DRT) thì thấy không thua kém ai. Rõ ràng, chúng ta có khả năng độc lập, chỉ ngặt nỗi kinh phí không có”, ông Kỳ nhận định.
Ông Kỳ cũng cho biết, gần một tháng nay, Sân khấu cầu vồng đang tập trung cho vở Bóng ma nhà hát, do đơn vị tự biên kịch và dàn dựng, nhằm hướng đến đối tượng khán giả khác: thanh thiếu niên. “Chúng tôi rất mong muốn sẽ tạo một loại hình giải trí mới cho người Đà Nẵng, trước hết ưu tiên các em nhỏ sau sẽ mở rộng ra nhiều lứa tuổi khác. Ở Đà Nẵng còn thiếu sân khấu kịch quá. Mọi việc đang được tiến hành theo từng bước và còn rất nhiều khó khăn. Vì vậy, chúng tôi không muốn hứa hẹn điều gì lớn lao”, ông Kỳ khiêm tốn.
Trở lại CLB sân khấu kịch của Trung tâm Văn hóa thành phố, ông Cao Tuấn Ngọc cho rằng, bên cạnh vấn đề kinh phí, sân khấu kịch nói của Đà Nẵng đang gặp khó khăn trong công tác phục hồi vì những lo ngại về đầu ra. Theo ông Ngọc, đã qua rồi thời người dân tụ tập tại các rạp hằng đêm để ngóng xem có chương trình văn hóa, văn nghệ, rồi có cái gì họ sẽ xem cái đó. Ngày nay, khán giả rất kén chọn, đặc biệt là khán giả Đà Nẵng vẫn chưa có thói quen đi xem kịch như ở hai đầu đất nước.
Nhiều ý kiến cho rằng, có thể học tập mô hình “sân khấu Bệt” ở thành phố Hồ Chí Minh để đưa kịch nói cùng nhiều loại hình sân khấu, giải trí khác đến gần hơn với công chúng, từ đó có thể tạo đất sống cho loại hình sân khấu độc đáo này. Có điều, tìm được người mạnh dạn đầu tư, chấp nhận rủi ro và làm người tiên phong đối với sân khấu kịch nói ở Đà Nẵng không phải chuyện dễ dàng.
Theo nhà biên kịch Hồ Hải Học, kịch nói là loại hình nghệ thuật tổng hợp phản ánh nhanh nhạy nhất, kịp thời nhất nhịp độ của cuộc sống hiện đại. Và sẽ thật đáng tiếc nếu một thành phố trẻ như Đà Nẵng lại không phát triển loại hình sân khấu này. “Một thành phố công nghiệp, hiện đại mà không có sân khấu kịch nói sẽ là một nghịch lý”, nhà biên kịch Hồ Hải Học nhấn mạnh. |
THANH TÂN