.

Kiểm tra việc sử dụng linh vật ngoại lai, gỡ khó cho làng nghề

.

ĐNĐT - Sáng 29-10, tại buổi làm việc với Bộ VH-TT&DL về việc không sử dụng biểu tượng, sản phẩm, linh vật không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ khẳng định: Chủ trương của Bộ hoàn toàn đúng đắn và đề nghị phải đẩy mạnh công tác truyền thông để đạt được hiệu quả tốt nhất.

Nhiều tượng ế ẩm do làm những người sản xuất đá mỹ nghệ rơi vào cảnh khốn khó.
Nhiều tượng sư tử, lân, nghê ế ẩm, làm cho những người sản xuất đá mỹ nghệ rơi vào cảnh khốn khó.

Qua khảo sát thực tế, trên địa bàn Đà Nẵng hiện nay, chủ yếu sử dụng tượng lân (nghê), sư tử đá mang phong cách tả thực, châu Âu, Trung Quốc và tập trung ở các khách sạn, chùa, trung tâm thương mại, nhà hàng…

Tại các di tích, đình làng, về cơ bản không trưng bày các linh vật không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam; tại các chùa, cơ sở tôn giáo có trưng bày tượng lân và sư tử đá (chùa Linh Ứng, một số chùa ở quận Ngũ Hành Sơn); tại các cơ quan, công sở vẫn trưng bày các sư tử đá phong cách tả thực và phong cách châu Âu.

Vướng mắc khó gỡ nhất là Làng đá mỹ nghệ Non Nước chuyên sản xuất, kinh doanh sản phẩm tượng đá mỹ nghệ, đặc biệt chế tác các linh vật đang bị ảnh hưởng nặng.

Theo thống kê của Ban quản lý Làng đá mỹ nghệ Non Nước, ở làng nghề hiện nay có khoảng 500 cơ sở sản xuất, kinh doanh đá mỹ nghệ với hơn 3.000 lao động. Trong đó, có gần 1.000 nhân công là thợ chuyên làm nghề tạc tượng lân, sư nhưng thị phần và doanh thu mỗi năm chiếm tới 2/3 của cả làng nghề. Hiện nay, mặt hàng sư tử đá ế ẩm, tồn kho tại xưởng do không thể tiêu thụ được, cộng với việc khách hàng đòi trả lại sản phẩm mua trước đó càng làm những người sản xuất đá mỹ nghệ rơi vào cảnh khốn khó. Hai tháng trở lại đây, rất nhiều cơ sở sản xuất kinh doanh phải cho thợ nghỉ việc, ảnh hưởng đến đời sống của nhiều hộ gia đình.

Tại buổi làm việc, bà Đặng Thị Bích Liên, Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL, khẳng định rằng, chủ trương của Công văn 2662 nhằm khắc phục tình trạng nhiều địa phương trưng bày, sử dụng biểu tượng, vật phẩm, linh vật không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam ở cổng, cửa, khu di tích, đình, chùa, cơ quan, đơn vị gây phản cảm về thẩm mỹ, văn hóa, tâm linh ở những nơi công cộng.

Về ý kiến của các cơ sở sản xuất đề nghị Bộ VH-TT&DL có hướng dẫn cụ thể để xác định linh vật nào dùng được, ông Vi Kiến Thành - Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh, Triển lãm - nhấn mạnh không có tiêu chí hướng dẫn nào hiệu quả hơn bằng hình ảnh.

Thời gian tới, Cục cùng các chuyên gia nghiên cứu mỹ thuật sẽ chọn lựa các mẫu linh vật, vật phẩm truyền thống của Việt Nam và giới thiệu để mọi người tham khảo, lựa chọn sử dụng phù hợp với nhu cầu thẩm mỹ thuần Việt, tại website http://ape.gov.vn. Đồng thời, không áp đặt mà chủ trương khuyến khích các nghệ nhân sáng tạo, dựa trên sản phẩm truyền thống chứ không “sao chép” các tác phẩm ngoại lai.

Về phía địa phương, Phó Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ khẳng định chủ trương của Bộ VH-TT&DL hoàn toàn đúng đắn, đồng thời đề xuất Bộ VH-TT&DL kết hợp với Bộ Xây dựng có quy định cụ thể yêu cầu các công trình xây dựng công sở, trường học, khuôn viên chùa chiền, khu vực công cộng khi bài trí các tác phẩm nghệ thuật phải thông qua Sở VH-TT&DL; từ đó tạo ra hàng rào ngăn ngừa những sản phẩm không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam.

Còn ở trong các di tích, có thể căn cứ theo Luật Di sản văn hóa để bỏ hay dần dần thay thế những gì không phù hợp.

“Về Làng đá mỹ nghệ Non Nước, chúng ta phải tổ chức nhiều buổi đối thoại với các cơ sở sản xuất để tìm giải pháp tốt nhất. Thời gian tới, thị phần về sản phẩm tượng lân, sư tử đá sẽ thấp, ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh thì Sở VH-TT&DL có nhiệm vụ định hướng cho các cơ sở sản xuất nghiên cứu, sáng tạo sản phẩm thay thế, đồng thời tuyên truyền cho người dân biết họ có thể mua, trưng bày sản phẩm gì. Cần dứt khoát trong hành động để thực hiện đúng chủ trương mà Bộ VH-TT&DL đề ra”, Phó Chủ tịch Huỳnh Đức Thơ nhấn mạnh.

Tin và ảnh: NGỌC HÀ

;
.
.
.
.
.
.