Hải Như yêu quê hương không chỉ bằng những vần thơ mượt mà chứa chan nỗi nhớ mà còn đứng ra vận động thành lập Hội đồng hương để cùng nhau hàn huyên về quê hương. Đến thăm Hải Như lần nào cũng được nhà thơ say sưa nói về đất và người Nam Định.
Chủ tịch Hội đồng hương tỉnh Nam Định đến thăm và chúc thọ nhà thơ Hải Như tại nhà riêng thành phố Hồ Chí Minh 1-10-2014. |
Một lần trên đường đi thăm nhà thơ Hải Như, tôi gặp một người đồng hương luống tuổi. Biết tôi đi thăm Hải Như, ông bảo lâu nay cứ tưởng nhà thơ là người Hải Phòng. Bởi lẽ, ông chơi thân với nhiều người Hải Phòng, họ đều nói nhà thơ Hải Như là đồng hương của họ. Tôi nói Hải Như là người Nam Định, nhưng Hải Phòng coi nhà thơ là công dân của Hải Phòng. Chính bài Thành phố hoa phương đỏ (thơ: Hải Như, nhạc: Lương Vĩnh) đã làm Hải Phòng gắn với cái tên “Thành phố hoa phượng đỏ”. Người đồng hương rất thích thú như vừa phát hiện một điều mới lạ. Đôi mắt ông ánh lên niềm tự hào khi quê hương đã sinh ra một tài năng như nhà thơ Hải Như.
Hơn 40 bài thơ viết về Bác Hồ
Hải Như là nhà thơ viết về Bác Hồ nhiều nhất với hơn 40 bài, hầu hết đăng trên báo Nhân Dân. Cách viết của ông rất riêng, không lẫn với những nhà thơ khác. Thông qua đề tài Hồ Chí Minh, ông viết về chúng ta, về thời đại chúng ta. Ông cũng là nhà thơ có nhiều bài được phổ nhạc nhất, với hơn 100 bài. Thơ ông đậm chất nhạc, trữ tình nhưng cũng có nhiều bài rất khó thuộc vì mang phong cách hiện đại, tự do, không gò bó bởi niêm luật của thơ ca. Nhưng đọc rồi, mới thấy nó chứa đựng tính triết lý, tính nhân văn cao cả nhưng lại rất tự nhiên, nhẹ nhàng và không hề khiên cưỡng. Đọc rồi, ngẫm nghĩ thấy mình trong đó, thấy mình phải xem xét, điều chỉnh mình:
Bác Hồ đứng
Người sau không bị khuất
Ta đứng (thường quên)
Che lấp...
Bạn mình!
(Người sau không bị khuất, tháng 10-1970)
hoặc :
Thơ của anh viết ra không để cho người
lười suy nghĩ đọc
Anh không thuộc dòng thù tạc - sân chơi
Nhiệm vụ thơ ca với anh phải có ích cho đời
Em xem đó con người vẫn còn bị con người xúc phạm.
(Tự Bạch, 1978)
Có người nói, nhà thơ Hải Như đã chọn cho mình một phong cách riêng trong sáng tác. Nhưng tôi lại cho rằng không hẳn thế. Nói chính xác hơn, tính tư duy độc lập cao, cộng với nhãn quan rất nhạy cảm, tinh tế trước sự vật và hiện tượng đã tạo cho nhà thơ một lối đi riêng trong thơ ca. Thơ của ông không ca ngợi một chiều mà bao giờ cũng tìm ra cái thật, dù cái thật đó trái với ý kiến của nhiều người.
Đừng thi vị đường đầy hoa ra mặt trận
Mẹ già ta cần ta cạnh bên người
Suốt đời mẹ đã làm nàng Tô Thị
Chiếc áo trấn thủ chồng, mẹ ấp ủ tàn hơi
(Tô Thị)
Hoặc :
Chiến tranh là gì?
Là nước mắt - chia ly, là máu đổ
Là “Nhất tướng công thành vạn cốt khô”
Thời của thế hệ chúng tôi không nên dùng mỹ từ
“Thời hoa lửa”
Bất hạnh cho dân tộc ta - một dân tộc hiếu hòa.
Phải chấp nhận trận chiến kéo dài không muốn - phần ba
thế kỷ
(Lời chiến sĩ thành cổ Quảng Trị)
Chỉ có một nơi để về, đó là quê hương
Tôi không phải là nhà văn, nhà thơ nên không dám bàn thêm về tài năng văn chương của nhà thơ. Tôi ấn tượng nhất với nhà thơ là tình cảm đối với quê hương Nam Định. Ông yêu quê hương không chỉ bằng những vần thơ mượt mà chứa chan nỗi nhớ, mà còn đứng ra vận động thành lập Hội đồng hương để cùng nhau hàn huyên về quê hương. Ông luôn tự hào là người sinh ra cùng thời với Văn Cao (cùng sinh năm Quý Hợi 1923 nhưng sau Văn Cao 12 ngày, như ông kể) ; cùng quê và thân thiết với Nguyễn Bính, Phan Điền, Thép Mới, Hoàng Tùng, Nguyễn Văn An, Trần Xuân Bách... Chúng ta không thể liệt kê hết những bài thơ của ông viết về quê hương và bài nào cũng cồn cào nỗi nhớ nhung, niềm tự hào.
Về Nam Định đi với anh - em sẽ vui và cả buồn sung
sướng gặp
Vũ Hoàng Chương đang ngắm “Mây” tựa lan can căn gác
phố Cửa trường
Và Nguyễn Bính vừa đọc thơ cho chị em chợ Rồng nghe
Bài “Lỡ bước sang ngang” em thuộc đó
Nam Định còn phải mang tính cách thành phố
Văn Chương…
(Nhớ về Nam Định, 1982)
Trong một lần Hải Như gặp gỡ Ủy viên Bộ Chính trị- Trưởng ban Tổ chức Trung ương Lê Đức Thọ tại thành phố Hồ Chí Minh vào năm 1978, ông Lê Đức Thọ đã nói với nhà thơ mà ông từng tự hào kể cho hai phái đoàn Việt Nam tại hội nghị Paris rằng, quê hương Nam Định có Văn Cao, tác giả Quốc ca và Hải Như có nhiều bài thơ hay về Hồ Chủ tịch.
Đặc biệt, từ cuối những năm 80 của thế kỷ trước, nhà thơ cùng Đại tướng Mai Chí Thọ đã tìm kiếm, quy tụ những người cùng quê Nam Hà (nay là Nam Định và Hà Nam), đang sinh sống và làm việc tại thành phố Hồ Chí Minh, thành lập Hội đồng hương Nam Hà, để mọi người luôn nhớ về quê hương và tự hào khi được sinh ra tại một vùng đất địa linh nhân kiệt. Nhà thơ còn tổ chức bữa cơm thân mật tại nhà riêng trong bữa họp mặt đầu tiên những người sáng lập Hội đồng hương.
Những năm sau này, khi còn khỏe, không bao giờ nhà thơ vắng mặt trong các buổi họp mặt đồng hương. Năm 2014, nhà thơ bước sang tuổi 92, đi lại khó khăn. Khi chúng tôi đến thăm, ông lại đắm mình trong dòng chảy ký ức về quê hương như không muốn dứt. Ông bảo rằng, con người dù đi khắp bốn phương trời nhưng cũng chỉ có một nơi để về, đó là quê hương. Ông luôn dặn chúng tôi cố gắng đoàn kết, tương thân tương ái, giúp đỡ lẫn nhau để vươn lên, xứng đáng với truyền thống Thiên Trường - Đông A hào khí.
Nhà thơ Hải Như tên thật là Vũ Như Hải, sinh năm 1923, quê ở thôn Bái Dương, xã Nam Dương, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định. Ông sinh trưởng trong một gia đình thuộc dòng dõi nho học. Cụ nội 4 đời là Vũ Trọng Uy, đỗ cử nhân khoa Canh Ngọ, niên hiệu Tự Đức thứ 23 (1870), từng làm tri huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ. Cha mẹ làm nghề thuốc đông y, chuyên làm phúc cứu người. Trước Cách mạng tháng Tám năm 1945, Hải Như là Thư ký Hội truyền bá quốc ngữ cùng với cụ Nguyễn Văn Tố và Nguyễn Hữu Đang tại Hà Nội. Năm 1946, ông tham gia quân đội, học lớp đào tạo báo chí cách mạng đầu tiên mang tên Huỳnh Thúc Kháng ở chiến khu Việt Bắc năm 1947. Ông làm Thư ký tòa soạn Báo Sông Lô (Quân khu 10) năm 1948; Biên tập viên văn nghệ Báo Vệ quốc quân; Biên tập viên văn nghệ Báo Cứu quốc, Báo Đại Đoàn kết; Phó Tổng biên tập Báo Giác Ngộ thành phố Hồ Chí Minh. |
LÊ NGUYÊN LONG