.

Ở Đà Nẵng, nhớ Hà Nội

.

Trong trùng trùng giai điệu âm nhạc về Hà Nội, nhiều người vẫn nhớ ca khúc Có phải em mùa thu Hà Nội của nhạc sĩ Trần Quang Lộc, phổ thơ Tô Như Châu. Nhưng ít người biết bài thơ và bài hát này ra đời ngay trên mảnh đất Sơn Trà (Đà Nẵng), khi đó cả người làm thơ lẫn người viết nhạc đều chưa một lần đến Hà Nội.

Nhạc sĩ Trần Quang Lộc thời trẻ.                                                               (Ảnh tư liệu)
Nhạc sĩ Trần Quang Lộc thời trẻ. (Ảnh tư liệu)

1. Nhạc sĩ Trần Quang Lộc không phải là người miền Bắc, càng không phải là người Hà Nội. Ông sinh năm 1945 ở Gio Linh (Quảng Trị), 15 tuổi theo học Trường Quốc gia Âm nhạc Huế. Cuộc đời ông là những chuyến dịch chuyển ở nhiều vùng, khi thì các tỉnh miền Tây, có lúc ở thành phố Hồ Chí Minh, Nha Trang…, rồi cuối cùng “đậu” lại ở vùng đất nhô ra biển: Bà Rịa - Vũng Tàu. Đó là vào những năm 1990 của thế kỷ trước.

Nghe đồn Trần Quang Lộc dường như muốn “ở ẩn” để tránh thị phi, nên hỏi địa chỉ, số điện thoại của ông, nhiều người trong giới văn nghệ ở Vũng Tàu lắc đầu không biết. Lại nghe đồn ông là một trong số không nhiều nhạc sĩ hát rất hay những ca khúc của mình, nên nhiều du khách càng muốn gặp để nghe ông hát những giai điệu thật “tình”: “Tháng Tám mùa thu, lá khởi vàng chưa nhỉ/ Từ độ người đi, thương nhớ âm thầm… Có bóng mùa thu thức ta lòng son muộn/ Một ngày về xuôi chân ghé Thăng Long buồn/ Có phải em là mùa thu Hà Nội/ Ngày sang thu anh lót lá em nằm/ Bên trời xa sương tóc bay…”, nhưng đều không gặp được. Đơn giản bởi Trần Quang Lộc không chọn thành phố biển xanh Vũng Tàu để sinh sống. Ông chọn thị xã Bà Rịa, cách thành phố gần 30km. Nhà ông ở cuối đường Trương Hán Siêu, phường Long Toàn, không quá rộng nhưng nhạc sĩ cũng dành hẳn một gian ngoài cho những cây guitar, organ, và cả piano... Thì ra lâu nay ông cùng vợ mở lớp truyền dạy tình yêu âm nhạc cho người dân địa phương, chủ yếu là các em nhỏ - như một cách náu mình trong âm nhạc. Lại thêm có thời gian dài, tới 4 năm, ông cùng vợ đi Mỹ thăm các con, cháu.

2. Bây giờ Hà Nội đang thu - thời khắc đẹp nhất trong năm của đất Thăng Long. Một mùa thu tràn ngập âm thanh và ánh sáng, tưng bừng cờ hoa hân hoan mừng 60 năm Ngày giải phóng Thủ đô. Nhiều người ra đường, trong phơi phới gió heo may và hương hoa sữa, lại ngân nga bài hát Có phải em mùa thu Hà Nội - một sáng tác được nhạc sĩ Trần Quang Lộc hoàn thành năm 1972, phổ từ bài thơ dài tới 3-4 trang giấy của người bạn có tên Tô Như Châu. Đó là lúc Trần Quang Lộc mới đến Đà Nẵng.

Theo nhạc sĩ Trần Quang Lộc, thời ấy, bên bờ biển Sơn Trà, cảnh đẹp với những hàng dương thơ mộng, lại xuất hiện nhiều ngôi nhà có các thiếu nữ Hà Nội di cư. Ở tuổi 27 khi đó, vì hâm mộ các thiếu nữ nói giọng Hà Nội mà những chàng trai Tô Như Châu và Trần Quang Lộc mơ tưởng đến nét thanh lịch của thủ đô ngàn năm văn hiến.

Nhạc sĩ Trần Quang Lộc nhớ lại: “Khi đọc xong bài thơ, tôi chợt thấy sự đồng cảm len lỏi trong lòng. Vậy là những câu hát: “Có phải em là mùa thu Hà Nội/ Nghe đâu đây lá úa và mi xanh/ Nghe đâu đây hồn Trưng Vương sông hát…” cứ nhẹ nhàng cất lên. Từ chất liệu là bài thơ của Tô Như Châu, tôi chắt lọc một số ý để hoàn thành giai điệu bài hát Có phải em mùa thu Hà Nội.

Thế là ca khúc Có phải em mùa thu Hà Nội ra đời, nhưng vào thời ấy, nhiều người cho là “lãng mạn quá”. Thái Thanh là ca sĩ đầu tiên thể hiện bài hát này. Nhưng thời kỳ đầu, bài hát cũng chỉ được truyền tụng trong bạn bè với nhau. Mãi đến thập niên 90 của thế kỷ trước, khi chương trình “Làn sóng xanh” xuất hiện, người yêu nhạc mới nghe Có phải em mùa thu Hà Nội qua giọng hát ngọt ngào của Hồng Nhung, rồi Lam Trường, Thu Phương... Sau đó, bài hát được Hội Nhạc sĩ Việt Nam trao giải A cho ca khúc viết về Hà Nội hay nhất, năm 1997.

Nhạc sĩ Trần Quang Lộc sinh năm 1945, tốt nghiệp Trường Quốc gia Âm nhạc Huế. Ông bắt đầu sáng tác nhạc từ năm 1960. Tuyển tập đầu tiên của ông là Hát bên dòng sông xưa, được xuất bản năm 1970. Đến nay, ông đã sáng tác gần 600 ca khúc, với hàng chục album âm nhạc nhiều thể loại, nhưng chủ yếu là dòng nhạc trữ tình. Ngoài Có phải em mùa thu Hà Nội, ông còn được nhiều người nhớ với ca khúc Về đây nghe em, phổ thơ A Khuê.

MAI HOÀNG

;
.
.
.
.
.