Việc người dân lo lắng di tích không kịp trùng tu và đứng trước nguy cơ bị xóa sổ đành một nhẽ. Song, thật nghịch lý là có những di tích đã được trùng tu khang trang, khánh thành, rước bằng rồi nhưng dư luận vẫn chưa hài lòng.
Người dân đến với đình làng chủ yếu để thể hiện sự tôn kính các bậc tiền nhân, tri ân các thế hệ cha ông tham gia các lễ hội truyền thống, thỏa mãn nhu cầu tâm linh... Trong ảnh: Lễ hội đình làng Bồ Bản. |
Nỗi lo di tích bị “làm mới”
Qua quá trình tìm hiểu, chúng tôi được biết, đình Hải Châu (thuộc phường Hải Châu 1, quận Hải Châu) vừa được trùng tu chưa lâu nhưng là một trong những ngôi đình “nhận được” khá nhiều phản ứng. Các bậc cao niên tại địa phương cho rằng, đình làng ngày nay khác hoàn toàn ngày xưa.
“Đình của chúng tôi ngày xưa cao ráo, có lầu chuông, lầu trống đường hoàng. Nay đình xây mới lụp xụp kiểu hệt các đình ngoài Bắc, bước vào không gian đình thấy lạc lõng lắm”, một cụ ông than thở.
Cũng theo cụ ông này, không chỉ kiến trúc mà hầu hết nguyên liệu từ ngói, gạch lát nền, lát sân đều là nguyên liệu của Hà Nội chuyển vào, chỉ có gỗ là nguyên liệu tại chỗ. Nhưng thực tế, gỗ cũng là gỗ tạp, chắp vá, mới trùng tu vài năm đã nứt nẻ. Trong khi gỗ để dựng đình ngày xưa phải là gỗ của loại cây kiềng kiềng vừa bền, vừa chắc, bóng đẹp.
“Như người Bắc phải dùng món ăn theo khẩu vị của người Nam vậy, nhìn đình mới, khang trang cũng mừng nhưng thực tâm trong lòng người dân chúng tôi không thoải mái lắm!”, cụ ông nói.
Ngay cả đình Thạc Gián, một trong những ngôi đình được coi là trùng tu có bài bản, lại rút kinh nghiệm từ nhiều đình đi trước, nhưng với những người am hiểu, có sự tinh tế trong cảm nhận thì “đình giữ lại được toàn bộ cái hình hài của đình xưa, nhưng cái hồn vía của đình thì bị rơi rớt nhiều rồi”.
Theo những người tường tận gốc tích đình làng, các họa tiết của đình Thạc Gián ngày xưa rất uyển chuyển, tinh tế, còn ngày nay sặc sỡ nhưng thiếu chiều sâu; sự hòa quyện, giao thoa giữa thơ và họa trên các bức tranh cũng không còn…
Kinh phí: điều kiện cần nhưng chưa đủ
Một số di tích đình làng sau khi trùng tu nhận được khá nhiều ý kiến trái chiều từ phía người dân, thì Sở VH-TT&DL lại nói rằng, phía Sở chưa nhận được ý kiến phản ánh chính thức về việc trùng tu đã “làm mới” các di tích. “Cần lưu ý rằng, đối với các di tích khi trùng tu, phục dựng, Sở đều tuân thủ các quy trình liên quan đến các quy định của luật, tất cả đều có sự thông qua và thỏa thuận thiết kế, cho ý kiến của Cục Di sản văn hóa trước khi tiến hành.
Nghĩa là, các di tích được trùng tu, tôn tạo đảm bảo các yêu cầu về chất lượng công trình, tuân thủ đúng các quan điểm, nguyên tắc về bảo tồn, không sai lệch, biến dạng, thay đổi giá trị, đặc điểm vốn có và những yếu tố gốc cấu thành di tích”, ông Trần Quang Thanh, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL Đà Nẵng khẳng định.
Ông Thanh dẫn chứng, nhiều di tích trên địa bàn thành phố thời gian qua đã được trùng tu khá bài bản và đồng bộ như: đình làng Túy Loan, Bồ Bản, đình Nại Nam, nhà thờ tiền hiền làng An Hải và Thoại Ngọc Hầu, đình Dương Lâm…
Đối với di tích đình Hưởng Phước (theo phản ánh có nguy cơ bị xóa sổ), do địa phương không quan tâm đúng mức nên đã xuống cấp nghiêm trọng. “Còn về nguyên tắc, đình đã được xếp hạng sẽ được cấp kinh phí trùng tu. Mọi thứ cần tuân theo quy trình”, ông Thanh nói.
Trong khi đó, một số ý kiến khác cho rằng, chuyện làm mới di tích là ngoài ý muốn. Bởi lẽ, quy trình trùng tu khá phức tạp, đầu tiên phải khảo sát, kế đến tìm đơn vị tư vấn mới có thiết kế, thiết kế xong thì dự trù kinh phí nhưng kinh phí được duyệt không phải lúc nào cũng giống kinh phí dự trù; thế là phải điều chỉnh, phải cắt bỏ hoặc lựa chọn phương án tối ưu; thế là có khi phải linh hoạt mà khác nguyên mẫu đi một chút.
Trong quá trình trùng tu lại thường có rất nhiều ý kiến của nhiều người khác nhau…, rồi sự thúc ép của tiến độ, của ngày công, người thợ nhiều khi không thể có thời gian để ngắm nghía, trau chuốt sản phẩm của mình… Bấy nhiêu thôi cũng đủ để hình dung được nội tình “cái sự khác xưa” của một số di tích trên địa bàn thành phố.
Không bàn chuyện đình làng cũ hay mới, to hay nhỏ, ông Nguyễn Thúc Dũng, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Hòa Vang, cho rằng người dân đến với đình làng không chỉ để ngắm ngôi đình, mà chủ yếu để thể hiện sự tôn kính các bậc tiền nhân, tri ân các thế hệ cha ông đi trước. Theo đó, họ được tham gia các lễ hội truyền thống, đôi khi đó là sự thỏa mãn nhu cầu về đời sống tâm linh...
Vì vậy, di tích phải gắn với lễ hội, di tích có tồn tại hay không trong tâm khảm của mỗi người chỉ khi nó được tồn tại dưới hai dạng cụ thể vật thể và phi vật thể. Phi vật thể đó là các “hồn” của di tích cần bảo tồn, phục dựng và phát huy...
Bài và ảnh: THANH TÂN