.
Xây dựng văn hóa nông thôn mới

Bài 3: Đầu tư văn hóa theo chiều sâu

.

Dù việc đầu tư cơ sở vật chất cho thiết chế và nguồn nhân lực còn nhiều hạn chế, nhưng có thể ghi nhận đầu tư cho hoạt động văn hóa tại huyện Hòa Vang rất đáng khích lệ. Trong thời gian tới, lãnh đạo huyện quyết tâm phát huy các thế mạnh để hoạt động văn hóa thật sự đi vào chiều sâu.

Huyện Hòa Vang chủ trương giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của lễ hội đình làng.
Huyện Hòa Vang chủ trương giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của lễ hội đình làng.

Kết quả bước đầu

So với các quận trên địa bàn thành phố, phong trào văn nghệ quần chúng tại huyện Hòa Vang khá mạnh và có sức lan tỏa từ khắp các thôn, làng đến xã, huyện. Anh Tôn Thất Huỳnh Bảo, nguyên Bí thư Chi đoàn thôn Túy Loan Đông 2, cho biết: “Mỗi khi có đợt thi văn nghệ mới cảm nhận được không khí thi đua sôi nổi giữa các thôn, xã, từ hội phụ nữ, hội người cao tuổi, hội cựu chiến binh đến Đoàn thanh niên... Không chỉ vậy, phong trào còn thu hút đông đảo người dân đến xem và cổ vũ cho tiết mục biểu diễn của thôn mình”.

Dựa vào lợi thế này, huyện Hòa Vang đã đưa văn nghệ vào công tác thông tin tuyên truyền đến người dân, mang lại nhiều hiệu quả thiết thực. Ông Nguyễn Thúc Dũng, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Hòa Vang, cho biết mỗi năm, đội Thông tin lưu động diễn khá nhiều đêm phục vụ bà con nhằm tuyên truyền những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về an toàn giao thông, xây dựng nếp sống văn hóa - văn minh đô thị, bảo vệ rừng, nói không với bạo lực gia đình…, thông qua những kịch bản dân ca.

“Các nội dung tuyên truyền vốn khô khan nếu được phổ biến suông thì người dân rất khó nhớ. Bằng hình thức nghệ thuật, tùy từng nội dung mà chúng tôi có các kịch bản khác nhau. Vì thế, mỗi lần nghe đội Thông tin lưu động về thì bà con vui mừng, tập trung rất đông”, ông Nguyễn Thúc Dũng nói thêm.

Ông Lê Văn Toàn, Bí thư Huyện ủy Hòa Vang nhìn nhận: “Đầu tư thiết chế văn hóa đã khó, làm sao để hoạt động văn hóa hiệu quả, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ của người dân thì càng khó hơn. Trong thời gian qua, huyện Hòa Vang đã làm được một số việc: lưu giữ nghệ thuật truyền thống như bài chòi, dân ca Khu 5 bằng cách hình thành các câu lạc bộ bài chòi; đưa dân ca, bài chòi vào trường học; hằng năm tổ chức thi bài chòi, dân ca toàn huyện.

Ngoài ra, vào dịp Tết tổ chức “Làng vui chơi, làng ca hát”; tổ chức lễ hội mục đồng, lễ hội đình làng, lễ hội văn hóa Cơtu; tổ chức lễ cưới, lễ tang theo nếp sống mới... Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn những hạn chế như: mô hình thư viện cơ sở, phòng đọc sách cơ sở, bưu điện văn hóa xã chưa phát huy được chức năng, chưa thu hút người dân; các nhà văn hóa thôn vận hành yếu do thiếu bộ máy quản lý, điều hành, cơ sở vật chất còn thiếu thốn...”.

Lưu giữ, bảo tồn văn hóa nghệ thuật truyền thống

Để phát huy những mặt tích cực và khắc phục những hạn chế, ông Lê Văn Toàn cho biết, Huyện ủy sẽ tiếp tục chỉ đạo đầu tư hoạt động văn hóa theo chiều sâu. Nghĩa là chủ trương lưu giữ, bảo tồn văn hóa nghệ thuật truyền thống; khai thác, đầu tư lễ hội đình làng để phục vụ đời sống người dân thêm phong phú; xây dựng các nghề truyền thống như nấu rượu cần, đan tre, mây tại các xã miền núi Hòa Bắc, Hòa Phú.

Là người trực tiếp thực hiện phong trào văn hóa, ông Nguyễn Thúc Dũng cho biết thêm, Phòng Văn hóa - Thông tin huyện sẽ tiếp tục thay đổi cách làm, kể cả về quy mô lẫn chất lượng đối với công tác tuyên truyền lưu động. Ngoài cách tuyên truyền theo lối cổ động trực quan bằng xe lưu động, phát tờ rơi, pa-nô, dán áp-phích..., sẽ đẩy mạnh hoạt động của đội Thông tin lưu động vốn khá hiệu quả lâu nay.

Theo đó, khi về các thôn tuyên truyền bằng hình thức văn nghệ, diễn viên tham gia không chỉ của Phòng Văn hóa - Thông tin huyện mà còn có thành viên của đội văn nghệ thôn. Như vậy, người dân đến xem càng đông hơn, hoạt động tuyên truyền càng hiệu quả hơn.

Về hoạt động thư viện, hiện nay một số điểm đọc báo, bưu điện văn hóa xã vẫn khá vắng người đọc vì địa điểm không thuận lợi (phòng đọc lồng ghép trong khu hành chính xã); nguồn sách, báo không phong phú, không có người quản lý... Huyện chủ trương sẽ phối hợp Nhà nước và nhân dân cùng làm. Nếu mỗi thôn có nhu cầu thiết thực thì chọn địa điểm làm phòng đọc sách, báo; các khối đoàn, hội hoặc người dân tham gia quản lý, Nhà nước sẽ cung cấp sách, báo cho những địa điểm này; tăng cường công tác luân chuyển sách theo chương trình mục tiêu của Bộ VH-TT&DL; tăng cường nhân lực trong công tác chỉ đạo phong trào…

Đối với hoạt động văn hóa - văn nghệ quần chúng, tiếp tục đổi mới, tạo điều kiện thuận lợi nâng cao chất lượng toàn diện hoạt động văn hóa nghệ thuật ở các địa phương; đưa các hạt nhân văn hóa, văn nghệ cơ sở tham gia lớp tập huấn… Bên cạnh đó, nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về văn hóa nghệ thuật, thành lập, phát triển các câu lạc bộ nghệ thuật truyền thống; đồng thời hướng dẫn, khuyến khích quần chúng (nhất là các nghệ nhân, các bậc tiền bối) tham gia sáng tạo, bảo tồn, truyền dạy các giá trị văn hóa (nghi lễ trong lễ hội đình làng, nghề truyền thống…), nghệ thuật truyền thống (bài chòi, dân ca, tuồng…).

“Huyện Hòa Vang chủ trương thực hiện đồng bộ các giải pháp nói trên để góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động văn hóa cơ sở, xây dựng phong trào, tập hợp quần chúng, giữ gìn và phát huy những phong tục tập quán, giá trị văn hóa truyền thống, nâng cao đời sống tinh thần của người dân. Chúng tôi xác định phát triển kinh tế - xã hội tốt nhưng văn hóa chưa đạt thì sự phát triển đó không bền vững. Vì thế, Huyện ủy đặc biệt coi trọng tiêu chí số 6 và sẽ tranh thủ đầu tư ngay khi có điều kiện”, ông Lê Văn Toàn nhấn mạnh.

Bài và ảnh: NGỌC HÀ

;
.
.
.
.
.