ĐNĐT - 35 hiện vật quý của các cán bộ lão thành cách mạng đã từng tham gia cuộc kháng chiến chống Mỹ và chiến trường Campuchia cùng một hiện vật văn hóa độc đáo được Bảo tàng Đà Nẵng tổ chức tiếp nhận ngày 21-11, nhân kỷ niệm Ngày Di sản văn hóa Việt Nam lần thứ X (23-11).
Ông Phạm Trung Kiên trao tấm bản đồ Việt Nam thống nhất bằng tem cho Bảo tàng Đà Nẵng. |
Những kỷ vật của một thời hoa lửa
15 cá nhân, đơn vị hiến tặng cho Bảo tàng Đà Nẵng 36 hiện vật quý, gồm 23 kỷ vật kháng chiến như: khăn thêu, radio, bi đông, túi vải, võng, dù, ba lô, gùi, đôi dép cao su... của các cán bộ lão thành cách mạng từng tham gia cuộc kháng chiến chống Mỹ và 12 hiện vật của những người con Đà Nẵng đã tham gia ở chiến trường Campuchia như: quân phục, hộp dụng cụ y tế, ảnh tư liệu, bức tranh đền Ăngko... cùng 1 hiện vật văn hóa là chiếc bàn xoay độc đáo để lưu giữ, bảo quản và góp phần quảng bá nguồn gốc, những câu chuyện văn hóa - lịch sử của thành phố Đà Nẵng.
Điều đáng quý là những kỷ vật kháng chiến được hiến tặng có thể chỉ là những vật dụng đơn sơ thời chiến như chiếc bi đông đựng nước, chiếc radio cũ kỹ, ba lô hay gùi gạo... nhưng chứa đựng biết bao câu chuyện, nỗi niềm, khát vọng của những người đã đi qua chiến tranh.
Chiếc radio nhỏ của bà Võ Thị Cương (mẹ vợ Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc) đã từng được bà Cương và các đồng chí của mình chôn dấu trong phòng giam tại Trung tâm cải huấn kho đạn Chợ Cồn, dùng để nghe tin tức.
Bà Cương nói: “Chiếc radio nhỏ ấy để nghe báo tin thắng trận, tin quân và dân mọi miền đất nước thời ấy đã chiến đấu ngoan cường như thế nào. Đó chính là những động lực tiếp thêm lửa để chúng tôi sống và chiến đấu, nhìn thấy ngày hòa bình độc lập hôm nay”.
Bà Cương còn cho biết, nhờ có chiếc radio bà mới biết tin Bác Hồ mất, bà và các bạn mới được để tang Người.
Lão thành cách mạng Phạm Thị Thao - nguyên Tiểu đoàn Trưởng tiểu đoàn vận tải 232 - Cục Hậu cần Qquân khu 5, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cũng có mặt tại buổi lễ hiến tặng để trao cho Bảo tàng lịch sử thành phố 3 hiện vật rất quý đối với bà là chiếc võng dù, chiếc ba lô mà năm 1968, được cấp trên cấp khi bà nhận chức Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn vận tải 232 cùng tấm vải dù được cấp phát năm 1973. Sau kháng chiến, 3 vật bất ly thân thời chiến này được bà Thao cất giữ cẩn thận làm kỷ niệm...
Bản đồ Việt Nam thống nhất và chiếc khăn thêu “khát vọng hòa bình”
Tại buổi hiến tặng hiện vật ngày 21-11, bên cạnh những kỷ vật kháng chiến, một trong những hiện vật thu hút sự quan tâm của người xem là tấm bản đồ Việt Nam thống nhất bằng tem của ông Phạm Trung Kiên - từng là lính đặc công, tham gia cách mạng từ năm 1966, hội viên Hội Tù yêu nước thành phố Đà Nẵng.
Tấm bản đồ bằng tem có ghi dòng chữ: “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một”. Bản đồ hình chữ S được làm từ những con tem quý, nội dung của những con tem là một thông điệp mang tính đại diện đặc trưng về văn hóa, lịch sử, các danh nhân, anh hùng dân tộc... của mọi miền đất nước. Đặc biệt, có những con tem khẳng định chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa của đất nước.
Ông Phạm Trung Kiên cho biết, tấm bản đồ đã được làm trong nhiều năm với khát vọng lưu lại một điều gì có ý nghĩa cho đất nước. Bên cạnh tấm bản đồ bằng tem, ông Kiên còn hiến tặng bảo tàng chiếc khăn thêu mang tên “khát vọng hòa bình” được ông thêu trong những ngày bị giam cầm ở nhà giam Kho Đạn (Trung tâm cải huấn của ngụy tại Đà Nẵng) cùng tấm bưu thiếp có in hình bản đồ Việt Nam thống nhất trong những năm tháng đất nước còn chia cắt, những tấm bưu thiếp mà một thời vẫn được gửi từ miền Bắc vào miền Nam.
Đại diện của Hòa thượng Thích Huệ Vinh trao chiếc bàn xoay cho Bảo tàng Đà Nẵng. |
Cùng trong dịp này, Hòa thượng Thích Huệ Vinh - trụ trì chùa Quán Thế Âm (Ngũ Hành Sơn) - đã tiếp tục hiến tặng cho Bảo tàng Đà Nẵng một chiếc bàn xoay đặc biệt, có thể xoay hai chiều khi nhận được năng lượng từ bàn tay con người, như một minh chứng cho tài năng của người thợ mộc xứ Quảng.
Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng Hà Phước Mai cho hay, bảo tàng hiện lưu giữ và phát huy có hiệu quả hơn 13.000 tư liệu, hiện vật, trong đó có nhiều bộ sưu tập quý hiếm tầm cỡ quốc gia. Đáng chú ý, trong hàng chục bộ sưu tập mà Bảo tàng Đà Nẵng đang sở hữu, có những bộ sưu tập được nhiều cá nhân là người Đà Nẵng và các địa phương khác hiến tặng.
Ngày Di sản văn hóa Việt Nam năm nay là năm thứ 3 Bảo tàng Đà Nẵng tổ chức lễ hiến tặng hiện vật và là năm đầu tiên hưởng ứng thư kêu gọi của UBND thành phố Đà Nẵng về việc hiến tặng hiện vật cho bảo tàng.
Đặc biệt, năm nay Bảo tàng Đà Nẵng chú trọng vận động việc hiến tặng các hiện vật của hai cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc, hướng tới việc thành lập gian trưng bày mới mang tên “Người Đà Nẵng trong hai cuộc chiến bảo vệ biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc”.
Bài và ảnh: Thanh Tân