Văn hóa - Giải trí

Cafe sáng

Viết sau ngày 20 -11

07:50, 24/11/2014 (GMT+7)

Đất nước tôi đến học không có Ngày nhà giáo. Nghề giáo được tôn vinh vào tất cả các ngày trong năm. Cũng ở đất nước này, hệ thống giáo dục có thể chấp nhận mọi thiếu sót, yếu kém của người học, ngoại trừ ăn cắp ý tưởng và dối trá.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Tôi có cơ hội được học cao học 2 lần, một ở trong nước và một ở nước ngoài. Hai môi trường học khác nhau dĩ nhiên có nhiều điểm khác nhau về cách học, cách làm bài, trả bài và thái độ tôn trọng thầy cô. Tuy nhiên, những khác biệt này lớn đến mức nó ám ảnh không chỉ riêng tôi mà có lẽ với tất cả những ai từng có cơ hội tiếp xúc với cả hai nền giáo dục.

Đối với trường trong nước, điều chúng tôi làm sau buổi học đầu tiên là thu quỹ lớp. Hầu hết các thành viên trong lớp đều đã đi làm nên mức quỹ thu về đạt con số ngất ngưởng. Phần quỹ này được dùng để mời thầy trà nước, mời thầy cơm trưa, cơm tối, để chi vào phần quà nhân dịp lễ, tết và cả những ngày không lễ. Tôi luôn tự trấn an mình, đây là cách để thể hiện tình cảm đối với thầy cô, một hình thức “tôn sư trọng đạo”.

Dặn lòng là vậy, nhưng rồi vẫn buồn đến chực khóc khi nhìn thầy mặt đỏ gay trong những bữa nhậu hay điềm nhiên bước vào quán karaoke… Ánh mắt của tôi hướng về thầy trên bục giảng không còn háo hức, ngưỡng vọng như ban đầu, nụ cười chào thầy vì thế cứ gượng gạo và kém tươi dần cho đến khi ra trường mà không sao che giấu được…

Ngày tôi học, máy tính cầm tay, máy tính bảng trở thành vật thông dụng với tất cả mọi người. Thế nhưng, những bài kiểm tra chuẩn bị tại nhà hay tiểu luận đều phải viết bằng tay bởi cả giảng viên và học viên đều hiểu: việc cắt dán kho tư liệu khổng lồ trên Internet là điều quá dễ dàng. Tiểu luận nếu được đánh máy sẽ là sản phẩm cắt dán chưa đến 60 phút của học viên. Việc ghi bằng tay không nhằm đến mục đích “xa vời” là hạn chế sao chép, tăng khả năng sáng tạo mà chỉ để: “Giúp học viên nhớ được chút ít qua quá trình cần mẫn… chép lại”, một giảng viên nói.

Giờ kiểm tra tại lớp lại là một bức tranh hài hước đến đau lòng. Tất cả các môn đều được tổ chức theo hình thức đề mở, học sinh có thể mang sách vở vào phòng thi. Tuy nhiên, vật dụng được các bạn học và cả tôi tin cậy không phải là những ghi chép tích lũy trong suốt quá trình học mà là máy tính bảng và điện thoại thông minh. Với mạng wifi kết nối toàn trường, chỉ 1 giây sau khi gõ câu hỏi, chúng tôi nhận được hàng ngàn câu trả lời. Không cần bàn luận nhỏ to, không một lời nhắc nhở trật tự của thầy cô giáo, ai nấy cặm cụi chép cật lực vào tờ giấy trước mặt cho đến lúc chuông báo hết giờ vang lên. Cứ như vậy, cả thầy và trò cùng nhau đi hết khóa học mà không quá mất nhiều công sức đầu tư nghiên cứu.

Lần học cao học tiếp theo, tôi không phải đóng góp bất kỳ khoản nào ngoài tiền học phí đã gửi vào tài khoản của trường. Sau tháng đầu tiên nhập học, nếu học viên nhận thấy chương trình học vượt quá khả năng của mình hay vì bất kỳ lý do nào khác không thể tiếp tục đến lớp, trường sẵn sàng hoàn trả lại toàn bộ học phí.

Tại một giảng đường, giáo sư chỉ giảng dạy 2 giờ đồng hồ/tuần. Thời gian còn lại thầy cô làm công tác nghiên cứu và tiếp sinh viên. Tất cả các vị giáo sư khả kính tôi được tiếp xúc đều gặp nhau ở một điểm chung: lịch sự và thân thiện. Giáo sư trực tiếp mở cửa mời học viên vào phòng, cặn kẽ lý giải mọi thắc mắc, trấn an mọi âu lo và động viên khuyến khích ý tưởng sáng tạo của học viên. Luôn chân thành và nhiệt tình, giáo sư mang lại cho học viên cảm giác mình là thượng khách. Tuy nhiên, cơ hội duy nhất để gặp giáo sư là tại giảng đường và văn phòng khoa. Dường như chưa có tiền lệ học viên mời thầy đi ăn hay trao gửi quà cáp.

Giống với đào tạo ở Việt Nam, hệ thống giáo dục nơi đây cũng đòi hỏi nhiều bài kiểm tra. Tuy nhiên, quá trình học, làm và nộp bài gắn liền với máy tính bởi thầy cô không lo ngại vấn đề đạo văn. Bài vở sau khi hoàn thành được gửi vào tài khoản riêng của mỗi học viên và được hệ thống kiểm soát của trường quét trước khi chấm điểm.

Chỉ cần 5 chữ cái liên tiếp giống với tác phẩm đã từng xuất bản, dù là bài báo mạng, báo lá cải hay luận văn cách đây nhiều năm của học viên khác, đến từ một đất nước xa xôi nào khác… đều sẽ được hệ thống kiểm soát tài liệu tiếng Anh toàn cầu phát hiện và chú thích rõ ràng bên lề bài của học viên chỉ trong vòng 5 phút.

Trùng lặp hơn 30% đồng nghĩa với việc học viên chấp nhận nộp học phí học lại từ đầu và đứng vào “danh sách đen” của trường. Nếu trên 50% trùng lặp, học viên có thể bị buộc thôi học. Tại đây, việc đánh cắp ý tưởng của người khác nặng nề tương đương với phạm tội. Đó là “tiền án, tiền sự” theo chân học viên bởi sau khi bị buộc thôi học, cánh cổng của tất cả các trường công lập khác cũng sẽ vĩnh viễn đóng lại với họ.

Hiểu rõ những gì mình sẽ mất nếu sao chép, đạo văn, gian dối trong quá trình học, học viên luôn ý thức việc học là việc làm tự thân. Nó là kết quả của quá trình lắng nghe bài giảng, chăm chỉ đọc tài liệu và dần dần tích lũy kiến thức để rồi thể hiện năng lực, sự sáng tạo của bản thân qua bài viết. Tri thức nộp vào hệ thống mạng là tri thức riêng có của mỗi sinh viên. Qua hệ thống kiểm soát của máy móc và quá trình cho điểm của thầy cô, tài năng, trí tuệ của từng học viên có thể chưa được đo lường chuẩn xác, nhưng rèn sự trung thực, có trách nhiệm với việc học là điều mà nền giáo dục nơi đây chắc chắn đạt được.

Không quà cáp, không những buổi tiệc lớn nhỏ, không cả Ngày nhà giáo, chỉ bằng giờ phút ít ỏi trên giảng đường, các cuộc hẹn ngay tại văn phòng khoa và những dòng nhận xét khách quan, tỉ mỉ qua màn hình máy tính, giáo sư nơi đây vẫn nhận được sự vị nể và trân trọng của toàn xã hội. Bằng hệ thống lọc tài liệu vô tri, nền giáo dục nơi đây đã chấm dứt triệt để được tình trạng sao chép ý tưởng, đạo văn. Từ đó buộc học sinh, sinh viên phải luôn trung thực, nỗ lực không ngừng trong suốt quá trình học tập. Bằng quy luật sắt, lạnh lùng khi sẵn sàng cho học viên thôi học nếu có dấu hiệu gian dối, nền giáo dục nơi đây vẫn thu hút hàng chục triệu lượt học sinh quốc tế mỗi năm và trở thành nền giáo dục có chất lượng nhất thế giới.

NHẬT XUÂN

.