.
SÁNG TÁC VĂN HỌC - NGHỆ THUẬT ĐÀ NẴNG

Bài 1: Thiếu tác phẩm đột phá

.

Sáng tác nhiều, số lượng tác phẩm vẫn ra đều đặn nhưng ít có tác phẩm và tác giả đột phá… Đó là nhận định của chính những người làm công tác văn học - nghệ thuật về thực trạng sáng tác ở Đà Nẵng thời gian gần đây.

Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam (phải), trao giải Nhì cho nhạc sĩ Đình Thậm - tác giả ca khúc Huyền diệu sông Hàn (không có giải Nhất) tại Cuộc thi sáng tác ca khúc hay về thành phố Đà Nẵng do UBND thành phố tổ chức năm 2013.
Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam (phải), trao giải Nhì cho nhạc sĩ Đình Thậm - tác giả ca khúc Huyền diệu sông Hàn (không có giải Nhất) tại Cuộc thi sáng tác ca khúc hay về thành phố Đà Nẵng do UBND thành phố tổ chức năm 2013.

Văn học “bình bình”

Một nhà văn chịu trách nhiệm biên tập, xuất bản của một nhà xuất bản uy tín ở Đà Nẵng than thở: “Đọc hàng trăm cuốn sách, trăm trang thơ, truyện ngắn nhưng rất khó gặp tác phẩm nổi trội, mới lạ… Nhưng rồi phải in, phải xuất bản, vì tất cả đều đều như thế”. Cũng theo nhà văn này, mảng thơ phần lớn là những xúc cảm cá nhân vụn vặt, bất chợt, ngẫu hứng, rất khó “chạm” được trái tim người đọc. Th ực tế, có những trang thơ dù không đạt nhưng theo yêu cầu của tác giả (tự bỏ tiền in), các nhà xuất bản vẫn in, vì nhiều lý do…

Theo nhà thơ Nguyễn Nho Khiêm, Chủ tịch Hội Nhà văn Đà Nẵng, đúng là những năm qua ở thành phố chưa có tác phẩm, tác giả văn học có tính đột phá. Nhưng đây là tình hình chung của cả nước, chứ không riêng Đà Nẵng. Tuy nhiên, cũng theo nhà thơ Nguyễn Nho Khiêm, những năm qua, ở Đà Nẵng đã có một số tác phẩm tạo được dấu ấn, có đóng góp nhất định trong đời sống văn học hiện nay như: tiểu thuyết Minh Sư của Thái Bá Lợi, tiểu thuyết Thế kỷ bị đánh mất của Phạm Ngọc Cảnh Nam, tác phẩm Có 500 năm như thế của Hồ Trung Tú…

Trong khi đó, nhà văn Thái Bá Lợi cho rằng, vài thập niên gần đây, không hẳn Đà Nẵng không có tác phẩm, tác giả đáng chú ý, nhưng ít. Đơn cử có thể kể đến Đỗ Phước Tiến với Hòn đảo dân ngụ cư (1992). Ngay khi mới xuất hiện, truyện ngắn này đã tạo ấn tượng đặc biệt bằng một giọng văn cá tính. Về thơ được sáng tác theo lối hậu hiện đại thì Huỳnh Lê Nhật Tấn là tên tuổi được nhắc đến khá nhiều, được coi là tiếng nói mới lạ trong dòng chảy văn học chung, mặc dù sáng tác của anh chưa nhận được nhiều sự đồng cảm...

Khó vươn ra biển lớn

Đối với nghệ thuật múa, trao đổi với chúng tôi, NSND Lê Huân bày tỏ tâm đắc hai tác phẩm kịch múa Huyền tích Ngũ Hành Sơn (sáng tác năm 2000) và Một thời và mãi mãi (năm 2006). Hai tác phẩm này đã được trao giải cao trong giải thưởng 5 năm lần thứ nhất và thứ hai của thành phố, đồng thời có tiếng vang trong cả nước. Tuy nhiên đến nay, chưa có thêm tác phẩm múa lớn nào được ra mắt công chúng mặc dù đã có sẵn kịch bản. Theo NSND Lê Huân, nguyên nhân chính vẫn là vấn đề kinh phí, để dàn dựng một vở kịch múa công phu có thể tiêu tốn hàng tỷ đồng.

Về lĩnh vực âm nhạc, một thực tế không thể phủ nhận là nhiều năm qua, người Đà Nẵng vẫn khao khát một ca khúc viết về thành phố biển này có thể làm lay động hàng triệu trái tim cả nước. Vì vậy, có biết bao cuộc thi, cuộc tuyển chọn đã được tổ chức, hàng trăm ca khúc về Đà Nẵng đã ra đời nhưng hành trình đi tìm ca khúc hay cho thành phố xem ra chưa biết đâu là điểm dừng.

Trong câu chuyện về hoạt động mỹ thuật Đà Nẵng, họa sĩ Tường Vinh - nguyên Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật - Hội Mỹ thuật Đà Nẵng, cho rằng từ cuối những năm 1980 đến đầu năm 2000, phong trào sáng tác mỹ thuật của Đà Nẵng nói riêng, cả nước nói chung rất sôi nổi; nhiều họa sĩ nổi tiếng đã đến Đà Nẵng sáng tác, để lại nhiều tác phẩm lớn nhưng được cá nhân hoặc tổ chức trong nước và nước ngoài mua hết. 5-7 năm trở lại đây, những tên tuổi gạo cội dường như không còn hăng hái như trước; sáng tác mới, tác giả mới thì bị đánh giá ít có sự đột phá.

Lĩnh vực nhiếp ảnh, điện ảnh khởi sắc hơn với một số tác phẩm đoạt giải cao trong một số liên hoan, triển lãm quốc tế…, gieo những gam màu hy vọng tươi sáng cho bức tranh sáng tác văn học - nghệ thuật của Đà Nẵng thời gian gần đây. Tuy nhiên, chừng đó vẫn chưa đủ cho khát vọng xây dựng và phát triển Đà Nẵng xứng đáng với tầm vóc của một thành phố động lực miền Trung.

Bài và ảnh: THANH TÂN

;
.
.
.
.
.
.